Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Trọ học


“Nhà trọ thể thao”, ấy là biệt hiệu mà hồi ấy chúng tôi tự đặt cho khu trọ của mình. Dãy nhà trọ được chia thành năm phòng, tôi cùng một cậu sinh viên nữa thì rủ nhau thuê căn phòng ở đầu hồi. Phía trước có khoảng sân rộng, tiếp giáp với con ngõ của khu phố. Đối với chúng tôi, cái sân này là một không gian tự do quý báu, nơi diễn ra những trận cầu nảy lửa vào mỗi buổi chiều. Nhà được xây theo kiểu cũ nên có bậc thềm rộng, khán giả lẫn trọng tài thường ngồi cả ở đây để mà giám sát và cổ vũ mỗi khi có trận đấu diễn ra.

Trọ học là một cuộc sống đầy thú vị, tuy phải nếm trải nhiều khó khăn thiếu thốn vì ở xa gia đình. Khó khăn về chỗ ở và phương tiện sinh hoạt, thiếu thốn tình cảm của những người thân. Nhưng bù lại, có sự gắn kết giữa những con người đang sinh sống xa quê. Ở trọ cũng như hành quân đánh trận, tiện đâu ở đấy, khi cần lại phải dời đi ngay, nhiều khi còn quên mang theo cả những vật dụng thiết yếu nữa. Vì hoàn cảnh phải vậy, cũng là để thuận tiện hơn cho chuyện học và công việc mà thôi. Điều quan trọng là phải có sự thống nhất ý kiến của các thành viên cùng thuê trọ, vì mỗi người một hoàn cảnh, lại học ở những trường khác nhau.

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Mùa Cưới

Cái không khí se lạnh cuối Đông thật phù hợp cho việc tổ chức những đám cưới hỏi trọng đại. Nhiều trai thanh gái lịch đã chọn thời điểm này cho ngày quan trọng nhất của đời mình, ngày kết thành đôi lứa. Vì vậy mà người ta thường gọi thời gian lý tưởng đó là mùa cưới. Lúc này thời tiết ít có mưa giông, chỉ có những giọt mưa phùn lất phất điểm tô cho không khí đưa dâu thêm phần lãng mạn. Những giọt mưa đọng trên mái tóc các cô gái như những giọt sương long lanh, làm duyên cho vẻ đẹp thiếu nữ. Thời gian bấy giờ như ngưng đọng, phố phường Hà Nội tấp nập những xe hoa chở cô dâu và quan viên hai họ, gợi chút tò mò cho người đi đường. Cũng có người nén tiếng thở dài, vì chợt nhận ra mình vẫn còn lẻ loi, đơn chiếc. Những chiếc xe kết hoa dán đằng trước mặt kính hai chữ “Song Hỷ”, nom thật vui mắt và sống động. Phía trong xe, thấp thoáng ánh mắt nụ cười của cô dâu và chú rể với một vẻ tươi vui, mãn nguyện.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Hang Thần


Ngọn núi đá đứng sừng sững một mình giữa đồng lúa phì nhiêu miền Đồng Bằng. Ở trên đó cây cối đua nhau mọc um tùm, cỏ hoa tươi tốt như in dấu lên nền trời xanh. Dưới chân núi, có một dòng sông nhỏ ôm ấp uốn lượn mà tạo nên sơn thủy hữu tình. Vì là núi đá nên có nhiều hang hốc, cái hang lớn nhất nằm ngay dưới chân núi, nước từ lòng sông có thể chảy được vào tận bên trong. Nghe nói hang này ăn sâu quanh co vào lòng núi, những hạng người mê tín thì tin rằng đó là đường dẫn xuống thủy cung của Long Vương. Vì sự huyền bí này mà xưa nay dân ở đây chưa có ai dám vào bên trong hang cả. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng có một câu chuyện minh chứng cho điều đó. Trước đây, trong vùng có một chàng thanh niên chuyên đánh cá mưu sinh ở khúc sông này. Cũng như dân làng, thường ngày anh chỉ thả lưới ven sông, mà chẳng bao giờ dám mon men vào đến cửa hang ấy. Nhưng một lần vì mãi mê bơi thuyền dò theo luồng cá, anh đã vào sâu trong hang từ lúc nào mà không hay biết. Đến hôm sau người nhà cũng không thấy anh trở về. Có người nhìn thấy thì nói rằng, từ khi anh vào trong hang thì không thấy quay trở ra. Rồi ba ngày sau người ta thấy anh bơi thuyền từ trong hang đá ra, nhưng lúc này đã trở thành một ông già râu tóc bạc phơ. Lúc về đến nhà, ông lão liền ngã lăn ra bất tỉnh. Từ đó người đàn ông trở nên điên dại, miệng luôn lảm nhảm nói về một vị rắn thần nào đó đã bắt mình. Cái hang đá vốn đã bí hiểm, nay vì thế mà càng trở nên linh thiêng hơn bao giờ hết. Từ đó dân trong vùng đều thành kính gọi cái hang đá bí hiểm kia là Hang Thần.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Thông Gia


Cụ Doanh thở dài não nề, càng nghĩ đến đứa con dâu cụ càng tức lộn ruột, thực là không còn trời đất gì nữa mà. Thấy người ta có dâu hiền rể thảo mà thèm muốn, đằng này nhà mình...thà rằng không có đứa con dâu như vậy còn hơn. Rồi cụ đưa tay lên sờ má, ôi cái vết ô nhục hẵng còn đây, giờ này mà vẫn còn thấy đau. Cái nhục mà ông thông gia trời đánh đã dành tặng cho ông đây. Rồi từng sự việc lại trở về trong đầu óc cụ như một cuốn phim...

Cách nay hơn ba tháng, cụ Doanh tổ chức cưới vợ cho đứa con trai duy nhất của mình. Anh Nghiệp con cụ đang làm việc trong Nam, nhờ người quen biết mối lái mà cũng hỏi cưới được một cô vợ trẻ trung và xinh đẹp. Xem ra thì đôi trai gái cũng yêu thương và quấn quýt với nhau lắm. Nhà gái lại chỉ cách nhà trai chừng ba cây số, như vậy kể cũng gần gũi và thuận tiện. Cụ Doanh vui lắm, vì chỉ có cậu con trai một, cho nên cụ cần sớm có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Hàng xóm, họ hàng biết chuyện nên ai ai cũng đến chúc mừng, vì vậy mà hôm đám cưới cụ phải luôn tay đáp lễ và cảm tạ mọi người.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Đánh Tổ Tôm

Đang đứng trước hiên nhà hóng mát, thoáng thấy viên trưởng công an xã đi qua, cụ Cử Hiên điên tiết chửi vống lên:

- Tiên sư chúng mày! Việc ích nước lợi dân không làm, lại đi bắt mấy ông già chơi tổ tôm nhé. Giỏi ghớm nhỉ?...

Khi viên công an đi đã xa, cụ vẫn còn chửi với theo:

- Tao già rồi thì chỉ có nghĩa địa triệu tập, chúng mày không có quyền triệu tập nghe chửa! 

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Ngõ Liêu Trai



Con ngõ với vài trăm mét chiều dài, quanh co lặng lẽ giữa lòng thành phố, như hiện diện một thế giới riêng biệt đối với cuộc sống hiện đại. Một không gian vắng vẻ in bóng mấy gốc sấu cổ thụ trên vỉa hè, ngăn cách những gì ồn ả của khu phố kế bên chỉ có mấy dãy nhà. Cuộc sống tĩnh lặng với những con người nền nã, vài hàng quán nhỏ cùng ngôi hàng sách bày những pho truyện cổ dày khộp trên giá. Khoảng giữa con ngõ có một khe nước róc rách chảy qua, bên trên là chiếc cầu xi măng nhỏ, thấp thoáng cạnh mấy bụi tre đằng ngà.