Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Mùa Xuân đang đến gần


     
Đã gần đến tết nguyên đán, vậy mà năm nay trời vẫn còn rét dữ. Tuy đã thức giấc từ lâu, nhưng ông Vương còn nằm nán trong chăn ấm một lúc, để lắng nghe tiếng sương rơi lộp bộp và gió rít nhẹ ngoài mái hiên. Bữa nay là tết ông Táo, vì vậy mà ông phải dậy sớm hơn thường lệ. Với tay lấy chiếc áo dạ khoác lên người, rồi trong khi vẫn còn xuýt xoa vì lạnh, ông đi ra mở cửa.

    Cánh cửa rít lên nghe kẽo kẹt, bên ngoài lúc này trời cũng đã bắt đầu sáng rõ. Một cơn gió lạnh buốt bất giác ùa vào, khiến cho ông phải rùng mình mà đưa tay cài vội hàng khuy áo trước ngực. Đêm qua sương giá, đám cây trước sân cành lá ủ rủ hắt hiu, nhưng chúng vẫn âm thầm nhẫn nại, chờ đợi cái thời tiết ấm áp của mùa xuân sắp tới để mà đâm chồi nẩy lộc.

    Thấy chủ thức dậy, chú Chó cúc ngoáy tít cái đuôi ngắn cũn mà lon ton quấn theo dưới chân. Một lúc vì lạnh quá mà nó lại chui vào cái ổ rơm ở góc thềm để mà nằm cho ấm, tuy vậy đôi mắt long lanh như hai hạt nhãn vẫn linh động dõi theo từng hoạt động của chủ. Ông Vương chậm rãi đi ra vườn, rồi dừng lại ở dưới gốc cây Quýt mà ngắm nghía hồi lâu. Những quả Quýt chín cây đỏ mọng, sà xuống dưới nặng trĩu. Sương sớm còn đọng trên cành, khiến cho bàn tay lạnh buốt khi chạm vào. Ông nâng niu, rồi chọn cắt được vài cành đẹp để mà bày lên ban thờ. Vừa làm ông Vương vừa nhẩm tính những món đồ sẽ mua, vì chút nữa đây ông còn phải ra chợ để mà sắm sửa mọi thứ cho lễ tiễn đưa ông Táo về trời.
     Đã ba năm nay, kể từ ngày người vợ hiền mất đi, ông Vương sống ở đây một mình. Các con ông thì cũng đều đã trưởng thành cả. Hai người con trai đầu làm ăn và sinh sống trong miền Nam, còn một anh nữa thì ở Châu Âu. Cô gái út đã lấy chồng và đi dạy trong huyện, nhà chồng cũng chỉ cách đây có vài cây số. Anh con sống ở Châu Âu gọi điện về cho biết, bên đó không có tết nguyên đán như ở ta, cũng chẳng cúng ông Táo gì cả, cho nên thấy nhớ quê lắm. Ông dặn nó rằng, nếu thấy nhớ quê, ở bên đó cũng có thể duy trì phong tục cha ông được, miễn là có lòng thành. Cô con gái thi thoảng ghé qua thăm bố, rồi lại vội vàng về lo công việc nhà chồng. Ông không trách con, vì cũng phải thôi, nó còn bận bịu con cái nhà cửa mà. Nhiều lần vợ chồng cô cũng khẩn khoản mời bố về sống chung để họ chăm sóc, nhưng ông không chịu, vì cho rằng đã quen với căn nhà và khu vườn thân thuộc này. Những lúc thương con nhớ cháu, có mấy đứa cháu ngoại ở gần đến chơi, kể cũng vui cửa vui nhà rồi.

     Chợ chỉ cách nhà độ mấy trăm mét, họp ở rìa làng, hôm nay cũng nhộn nhịp hơn ngày thường. Vì là mua đồ cúng, cho nên ai cũng muốn tranh thủ đi sớm để còn chọn được những thức đẹp và tốt nhất.

     Thấy ông Vương xách làn đi tới, bà bán trái cây mập ú ở đầu cổng chợ liền đưa tay vén cái khăn quấn đầu tùm hum, đon đả:

     - Mời bác mua Bưởi thờ đây! Trái đẹp lắm bác ạ, có cả cuống lá hẳn hoi nhé!

     Ông Vương chọn mua một trái bưởi tròn, vỏ láng mịn, rồi lại thong thả đi vào bên trong chợ. Khi các thức mua đã tạm đủ, ông ghé qua chỗ bán vàng mã, mua đầy đủ ba bộ trang phục, hia và mũ cánh chuồn cho ông bà táo quân. Cuối cùng là hàng cá chép, theo phong tục thì đây là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Người ta đặt những chậu nước thành hàng dài, bên trong thì cơ man nào là cá chép đang bơi. Ông Vương dừng lại ở một hàng ưng ý nhất để chọn mua cá. Ra giá xong, cô bán hàng trẻ tuổi thoăn thoắt đổ nước vào cái bao nilon trong suốt, rồi cho chú cá chép vảy vàng óng ánh vào trong đó.
      


     Về đến nhà, việc đầu tiên là ông Vương mang cây Nêu mà mình đã kỳ công chuẩn bị cả ngày hôm qua ra dựng trước sân. Ông cầm cây thuổng, hì hục đào một lỗ đủ sâu và vừa vặn. Dựng xong cây nêu, người ông đã nóng ran, mồ hôi lấm chấm trên trán. Ngọn nêu vươn lên trời xanh, lá cờ đuôi nheo phất phơ trong làn gió nhẹ. Cứ thế, cây Nêu sẽ đứng ở đây cho đến tận ngày mùng bảy tháng giêng năm sau.

     Hồi còn nhỏ, ông từng được bố âu yếm kể cho nghe về tục dựng cây Nêu và tết ông Táo. Ông ngồi xếp bằng, cái miệng ngây thơ há hốc như nuốt từng lời của bố: “…Theo phong tục dân gian, cứ đến ngày hai ba tháng chạp hằng năm, ông Táo lại cưỡi cá Chép vàng lên trời. Ông sẽ báo cáo với Thượng Đế những điều mắt thấy tai nghe ở trần gian trong năm qua. Chuyện bếp núc của gia chủ, chuyện công việc làm ăn…”.

     Trong đầu óc non nớt của ông lúc đó, hình ảnh ông Táo cưỡi cá Chép về trời luôn hiện lên với một vẻ lung linh, huyền ảo. Hồi xưa, ông cũng lăng xăng xem mẹ làm mâm cơm cúng ông Táo, xem bố dựng cây nêu và đọc văn tế. Ngày hạ Nêu, buổi sáng thức dậy, cậu bé Vương lại nhủ thầm trong bụng rằng, giờ này chắc ông Táo đã xuống hạ dưới và ở trong căn bếp nhà mình rồi. Từ khi có gia đình, năm nào ông cũng cúng ông Táo đầy đủ, phần tưởng nhớ kỷ niệm ấu thơ, và cũng để duy trì truyền thống cho con cháu.

     Đang ngồi rửa trái cây chỗ vòi nước, chợt nghe có tiếng mở cổng lách cách, ông Vương nhìn ra thì thấy cô con gái đang đi vào. Cô dựng xe vào góc sân, rồi bắt đầu quét dọn sân vời, nhà cửa giúp ông.

     Vừa khua cái chổi rơm sột soạt xuống nền sân gạch rong rêu, cô vừa nói với bố:

     - Tết này bố sang nhà con ăn tết nhé! Khỏi phải mua sắm một mình vất vả bố ạ! Năm nay, các anh con cũng không có ai về đâu!...

     Ông chống tay vào đầu gối, mệt nhọc đứng lên:

     - Bố cứ đón tết ở nhà thôi! Đã quen như vậy rồi! Còn phải hương hỏa thờ cúng tổ tiên và mẹ con nữa chứ.

     Biết không thuyết phục được bố, cô thở dài rồi lại tiếp tục quét dọn. Tính ông là vậy, luôn nghĩ và làm theo những gì mà mình cho là đúng, không ai lay chuyển được. Một lúc thì xong công việc, cô chào bố rồi lặng lẽ ra về.

     Còn lại một mình, ông Vương đi sắp bánh trái và đồ vàng mã lên ban thờ với tất cả vẻ thành kính tự đáy lòng. Bánh trái thì ông chia làm hai, một đĩa đặt nơi ban thờ ông Táo trong nhà, đĩa kia ở ban thờ Thổ Thần trước sân.

      Bây giờ là đến phần quan trọng nhất, làm mâm cỗ để cúng ông Táo. Ông bần thần mất một lúc để định hình công việc, gì chứ cái món chè kho và đĩa thịt luộc là không thể thiếu, rồi thêm đĩa giò và mấy món khác nữa. Cái cảm giác khi làm một mâm cơm cúng thật khác thường, vì người ta gửi gắm vào đó sự thành tâm, mọi thứ lại phải vẹn nguyên, đẹp đẽ. Thức gì cũng vậy, trước để cúng tế tổ tiên, sau là thần phật chứng giám, cuối cùng thì con người mới được thụ lộc.

      Gian bếp quen thuộc lại khiến ông lại nhớ đến bà, người vợ tần tảo đã cùng mình sẻ chia bao sướng khổ, buồn vui cuộc đời. Khi còn sống, từ việc đi chợ cho đến làm cỗ cúng ông Táo đều do một tay bà đảm đương cả. Với tất cả vẻ tài khéo của một người phụ nữ đảm đang, mâm cỗ bà làm bao giờ cũng đẹp, cũng ngon. Giờ đây, chỉ một mình ông đang thui thủi trong gian bếp. Nghĩ đến đây, bất giác ông cảm thấy bồi hồi trong lòng.

     Hơi nước trong chiếc nồi lúc này bốc lên ngùn ngụt, cho biết là miếng thịt đã chín. Ông vội vàng mở nắp vung, rồi gắp bỏ thịt ra đĩa.

     Ông Vương hài lòng nhìn mâm cỗ đã hoàn tất đặt ngay ngắn trên ban thờ. Rồi ông lại đi pha ấm chè sen và rót rượu ra mấy cái chén lưu ly màu xanh ngọc. Trong làn khói hương trầm thơm ngát lan tỏa khắp căn nhà, chủ nhân bắt đầu cúng tế.

     Không gian lãng đãng êm ru, thời gian như ngưng đọng. Cái sắc màu bàng bạc của mây trời xen lẫn hơi sương còn đọng trên cây cành khiến cho cảnh vật trở nên trắng lòa. Giờ này chắc ông Táo đang bận bịu chuẩn bị hành trang cho chuyến viễn du cuối năm lên thượng giới.

      Lúc này ông Vương ra đứng chắp tay trước ban thờ Thổ Thần, rồi bắt đầu cất giọng đều đều, nghe như gần như xa:

…Đông trù tư mệnh
Táo Phủ thần Quân
Giáng lâm trước án
Phong theo lệ cũ
Ngài là vị chủ
Ngũ tự gia thần
Soi xét lòng trần
Táo Quân chứng giám…
Ban lộc ban phước
Phù hộ toàn gia
Trai, gái, trẻ, già
An ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành
Cúi xin chứng giám
Cẩn cáo!

     Góc sân chỗ ban thờ Thổ Thần trở thành nơi hóa vàng. Ngọn lửa bùng lên nhảy múa, khiến cho hơi nóng ấm áp lan tỏa, đẩy đưa tàn giấy bay xa theo làn khói mỏng.

     Đã xong mọi thủ tục cần thiết, bây giờ là lúc ông Táo phải xuất hành. Ông Vương mang chú cá chép ra cái ao chỗ góc vườn để thả. Trong tiết trời cuối đông, cây hoa Đào bên bờ ao hé những nụ hoa chúm chím, báo hiệu mùa Xuân đang đến gần. Đằm mình dưới làn nước ao, chú cá chép quẫy đuôi tung tăng uốn lượn, vẽ nên những cung đường long lanh mềm mại. Ông Vương lặng lẽ nhìn theo với một cảm xúc bồi hồi. Lát nữa đây, cái mình mẩy óng ánh những vây kia sẽ hóa rồng, để mà đưa ông Táo về trời bẩm cáo cùng Thượng Đế.