Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Tiếng chuông ngân

   

   Tiếng chuông nhà thờ dóng dả ngân lên từng hồi "bing boong, bing boong". Từ trên cái gác chuông cổ kính, âm thanh ấy kéo dài, từng giọt, từng giọt nhỏ xuống xóm làng, dặt dìu và trong trẻo như một khúc thánh ca. Nó vút qua những nóc nhà trầm mặc, len lỏi trong các con ngõ quanh co, rồi lại nhẹ nhàng lan tỏa dọc theo hàng cây gạo cổ thụ ven sông. Cái âm thanh ấy như vang lên trong tâm tưởng con người, mang theo hơi thở của sự sống, của tình yêu thương và hy vọng.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Người cầm cờ đám ma

    


   Chẳng biết tên họ thật của anh cu Tam là gì, chỉ thấy thường ngày thiên hạ vẫn quen gọi anh như thế. Chỗ này “Anh cu Tam”, chỗ kia cũng “Anh cu Tam”, tóm lại là bất cứ nơi nào anh xuất hiện thì người ta cũng đều gọi anh bằng cái tên quen thuộc ấy cả.

Cách gọi đó không ra thân mật, cũng chẳng phải là khinh miệt gì sất. Theo thói quen của người nhà quê, thì đó là kiểu xưng hô vô thưởng vô phạt, để bày tỏ một thái độ giao tiếp bâng quơ cho qua chuyện vậy. Người ta không quan tâm tới anh, nhưng không có nghĩa là anh vô danh, việc cái tên của anh đã được vang lên khắp hang cùng ngõ hẽm cũng đã đủ chứng minh điều đó.

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Mối tình nở muộn

   Gió từ phía bờ sông xào xạc thổi về từng đợt. Những gợn sóng lăn tăn phản chiếu ánh hoàng hôn lấp lánh, rực lên một màu đỏ thẫm và cứ thế xuôi dần mãi về tận phía hạ lưu. Xa xa, phía dưới lòng sông, mấy chiếc xà lan chở cát và hàng nông sản đang nối đuôi nhau trôi theo dòng nước lững lờ. Sau bức tường màu vàng của nhà máy cơ khí, khu nhà xưởng vươn cao với những ô cửa sổ thông khí vuông vuông, nom xa y hệt như những thanh cửa chớp khổng lồ. Bóng chiều đã đổ thành một vệt dài màu nâu nâu lên những ngôi nhà và hàng cây chắn sóng phía bên kia triền đê khúc khuỷu.

Trên chiếc xe Babetta cà tàng của mình, kỹ sư Tình đang từ nhà máy trở về khu tập thể sau giờ tan ca. Chiếc xe máy chạy vè vè trên con đường đê vắng vẻ, những mảng đường nhựa cấp phối thủng lỗ chỗ như một tấm áo vá cứ thế lùi lại dần sau những bánh xe quay. Mỗi khi xe đi vào đoạn ổ gà gồ ghề, chiếc mũ kỹ sư trên đầu người lái lại nhảy lóc cóc như lên đồng, cái dáng của ông lom khom đổ dài, miệt mài và cần mẫn. Ở tuổi năm mươi, mấy chục năm gắn bó với cái nhà máy vùng ngoại thành Hà Nội này, đoạn đường đã trở nên quá đỗi thân thuộc đối với ông. Ngày lại ngày, những hình ảnh đó cứ lặp lại trong đầu ông như một thước phim ngắn, cây cầu sắt có đường xe lửa bắc qua, đám ruộng ngô xanh rì dưới bãi bồi ven sông, rồi những ngôi nhà ẩn hiện sau con ngõ quanh co chạy dọc theo triền đê thoai thoải. Ông vẫn nhớ như in về những ngày ấy, hồi mình còn là một cậu sinh viên mới ra trường về đây làm kỹ sư điện, với bao nhiêu là ước mơ và nhiệt huyết cống hiến vẫn hằng cháy bỏng trong tim. Những buổi đạp xe ngược gió trên bờ đê đi làm, dù vất vả, khó khăn nhưng vẫn kiên trì và hề không nản chí. Rồi lúc tan ca đêm, cũng trên con đường này, chàng sinh viên trẻ lại đạp xe về phòng để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, người thì đẫm mồ hôi vì mệt, vì đói nhưng vẫn cảm thấy vui và lòng phơi phới tương lai.

Mãi suy tư, hoài niệm, kỹ sư Tình đã không để ý phía trước có một người con gái xinh đẹp đang đứng bên vệ đường, mỉm cười nhìn mình và vẫy vẫy chiếc khăn tay để xin đi nhờ xe.

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Lời tiên tri ứng nghiệm

 

   Những đám giấy gói kẹo và túi ni lông hãy còn vương vãi trên nền gạch hoa của căn phòng ký túc xá. Từ hôm qua, người ta đã quét chúng thành một đống vào chỗ góc phòng này nhưng vẫn còn chưa kịp thu dọn và hót đi. Trên chiếc bàn hẹp và dài kê cạnh cửa sổ, một bình hoa sặc sỡ để ngay ngắn, sắc màu hãy còn tươi mới, có vẻ như chúng cũng chỉ vừa mới được cắm vào đây chưa được bao lâu. Tối hôm qua, mấy anh sinh viên năm cuối trong phòng đã tổ chức buổi liên hoan chia tay ra trường. Bữa nay họ đã về quê hết, chỉ còn mỗi mình anh Nam là ở lại, phần vì anh có công việc ở Hà Nội cần giải quyết, phần để đợi đến hôm nhận bằng tốt nghiệp luôn một thể. Cái quang cảnh có vẻ bừa bộn, hoang tàn của sự kết thúc ấy ngay lập tức lại được thay thế bằng cảnh tượng gọn gàng, sạch sẽ của một sự khởi đầu tuần hoàn mới. Các sinh viên năm nhất mới nhập học đã vào đây ở để thay thế những sinh viên sắp tốt nghiệp. Họ dọn vào đây đã được vài hôm, sau đợt tập dượt quân sự suốt cả tháng trời vừa qua. Lúc này đang là đầu giờ chiều, mấy thành viên trong phòng, người đọc sách, kẻ hí húi dán họa báo lên tường, người khác nữa thì lại đang lạch cạch đóng cái móc áo vào cạnh chỗ giường nằm của mình.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Năm tháng nhạt nhòa

 

     Vừa nhác trông thấy Phong lấp ló ngoài cổng, ông cụ liền ngừng tay và cất tiếng hồ hởi:

- Phong đó hả cháu? Sao sang muộn vậy?...

Dứt lời, ông đặt cái bình tưới nước xuống sân nghe đánh “cạch” một tiếng, rồi tất tả đi ra để mở cổng cho khách. Vốn quý mến Phong, cho nên mỗi lần thấy anh đến chơi, ông đều tỏ thái độ đón tiếp nhiệt tình như vậy. Bữa nay lạnh, ông cụ tùm hum trong chiếc áo khoác dạ màu đen, trên đầu, cái mũ len đội sùm sụp che đến gần hết cả vầng trán rộng. Cách ăn vận lùm xùm đó càng có cảm giác khiến cho ông trở nên thấp lùn hơn khi đứng bên cạnh một Phong cao lớn, lênh khênh.

- Cháu từ Hà Nội hay ở cơ quan sang?

Ông cụ lại hỏi trong lúc Phong dắt xe máy vào trong sân. Ông vẫn giữ được cái lối nói khiêm nhường quen thuộc mà nhiều lần anh đã từng được nghe ấy. Vùng này là ngoại thành, do cách xa trung tâm thành phố, cho nên dân địa phương vẫn tự nhận mình là người nhà quê. Đối với họ, vùng đất phía bên kia sông Hồng mới là thành phố, và những con người sống ở đó mới đáng được gọi là dân Hà Thành chính hiệu.