Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Mối tình nở muộn

   Gió từ phía bờ sông xào xạc thổi về từng đợt. Những gợn sóng lăn tăn phản chiếu ánh hoàng hôn lấp lánh, rực lên một màu đỏ thẫm và cứ thế xuôi dần mãi về tận phía hạ lưu. Xa xa, phía dưới lòng sông, mấy chiếc xà lan chở cát và hàng nông sản đang nối đuôi nhau trôi theo dòng nước lững lờ. Sau bức tường màu vàng của nhà máy cơ khí, khu nhà xưởng vươn cao với những ô cửa sổ thông khí vuông vuông, nom xa y hệt như những thanh cửa chớp khổng lồ. Bóng chiều đã đổ thành một vệt dài màu nâu nâu lên những ngôi nhà và hàng cây chắn sóng phía bên kia triền đê khúc khuỷu.

Trên chiếc xe Babetta cà tàng của mình, kỹ sư Tình đang từ nhà máy trở về khu tập thể sau giờ tan ca. Chiếc xe máy chạy vè vè trên con đường đê vắng vẻ, những mảng đường nhựa cấp phối thủng lỗ chỗ như một tấm áo vá cứ thế lùi lại dần sau những bánh xe quay. Mỗi khi xe đi vào đoạn ổ gà gồ ghề, chiếc mũ kỹ sư trên đầu người lái lại nhảy lóc cóc như lên đồng, cái dáng của ông lom khom đổ dài, miệt mài và cần mẫn. Ở tuổi năm mươi, mấy chục năm gắn bó với cái nhà máy vùng ngoại thành Hà Nội này, đoạn đường đã trở nên quá đỗi thân thuộc đối với ông. Ngày lại ngày, những hình ảnh đó cứ lặp lại trong đầu ông như một thước phim ngắn, cây cầu sắt có đường xe lửa bắc qua, đám ruộng ngô xanh rì dưới bãi bồi ven sông, rồi những ngôi nhà ẩn hiện sau con ngõ quanh co chạy dọc theo triền đê thoai thoải. Ông vẫn nhớ như in về những ngày ấy, hồi mình còn là một cậu sinh viên mới ra trường về đây làm kỹ sư điện, với bao nhiêu là ước mơ và nhiệt huyết cống hiến vẫn hằng cháy bỏng trong tim. Những buổi đạp xe ngược gió trên bờ đê đi làm, dù vất vả, khó khăn nhưng vẫn kiên trì và hề không nản chí. Rồi lúc tan ca đêm, cũng trên con đường này, chàng sinh viên trẻ lại đạp xe về phòng để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, người thì đẫm mồ hôi vì mệt, vì đói nhưng vẫn cảm thấy vui và lòng phơi phới tương lai.

Mãi suy tư, hoài niệm, kỹ sư Tình đã không để ý phía trước có một người con gái xinh đẹp đang đứng bên vệ đường, mỉm cười nhìn mình và vẫy vẫy chiếc khăn tay để xin đi nhờ xe.

Khi phát hiện ra, xe đã cách chỗ cô gái đứng rất gần, theo phản xạ tự nhiên, ông nghiến chặt răng và bóp vội tay phanh. Tiếng phanh kêu đánh két, chiếc xe dừng ngay trước mặt cô gái, máy vẫn nổ rè rè, những luồng khói đen từ chiếc ống xả bị gió thổi giật lại phía sau, bay là là xuống vệ cỏ chân đê.

Cô gái hơi hoảng, lùi lại về phía sau một bước, những giọt mồ hôi chảy thánh thót trên khuôn mặt trái xoan trắng trẻo cho thấy là cô đã khá thấm mệt sau chặng đường đi bộ vừa rồi. Cô đứng bắt chéo chân, nhìn ông bằng đôi mắt lá răm đen láy và sâu thẳm. Chiếc quần âu bó sát và cái áo trắng khoét đuôi tôm mà cô đang mặc trên người rất vừa vặn với vóc dáng cao và thon thả, dễ ưa.

- Anh cho đi nhờ xe một tẹo nhé! – Cô nói, giọng hồi hộp, hai tay vẫn không ngừng mân mê chiếc khăn mùi soa thêu hoa bé xíu. 

Kỹ sư Tình nhận ra ngay người con gái đó tên Duyên, làm kế toán ở phân xưởng lắp ráp. Tuy đã ngoài ba mươi, nhưng Duyên là một cô gái có nhan sắc và chưa chồng. Cô ở cùng khu tập thể, hình như cũng chỉ cách chỗ ông đâu có vài, ba dãy nhà gì đó thì phải.

Cái giọng điệu dễ thương của Duyên khiến cho chủ xe cảm thấy vui vẻ và hoạt bát hẳn lên, ông bật cười khanh khách, rồi lớn tiếng bông đùa:

- Được chở người đẹp phía sau thì dù có đi cùng trời cuối đất cũng được, huống chi là một tẹo! Nào! Xin mời lên xe!...

Cô lườm yêu ông, rồi thẹn thùng vén áo, khép nép ngồi lên yên, một tay vịn vào gác ba ga, tay kia nắm lấy vạt áo ka ki màu xanh da trời của người đằng trước. Dáng cô ngồi nghiêng ngiêng, như cây hoa Quỳnh quấn quýt, tựa mình vào cành Dao trong vườn tao ngộ.

Có thêm người ngồi phía sau, chiếc xe hay dở chứng như chạy đằm và êm hơn. Dường như ở trên đời, cái gì cũng có đôi, có cặp thì mới trở nên cân bằng, hợp lý hơn hay sao ấy. Trời đất có âm dương, con người thì phải có nam có nữ. Vạn vận đều tác động và nương tựa vào nhau để mà cân bằng, sinh trưởng vậy.

Xe chạy được một đoạn, ông hỏi:

- Này! Tôi hỏi khí không phải. Nhưng tại sao cô xinh đẹp như vậy mà cứ ở mãi một mình không chịu lấy chồng là sao hả? Như thế chẳng khác nào một bông hoa tươi thắm, nhưng chỉ để cho người ta nhìn ngắm mà chẳng chịu về tay ai cả.

Cô mỉm cười, và cũng chẳng lấy gì làm phật lòng, vì người ta đã hỏi cô  những câu như thế này có khi đến cả vạn lần rồi ấy chứ. Nhưng không giống như trước đây, câu trả lời của cô lần này thì lại khác:

- Chỉ vì em đang đợi duyên anh đấy thôi!

Nghĩ là cô bông đùa, ông cất giọng thiểu não:

- Cô cứ đùa tội nghiệp! Một thằng đàn ông nhiều tuổi như tôi, lại đã có vợ và ba con ở quê thì còn có ai đợi ai chờ làm gì nữa chứ!

Ánh mắt cô sáng lên tinh nghịch, long lanh dưới chiếc mũ rộng vành.

- Anh là kỹ sư, lại đẹp trai, hào hoa nữa. Lắm cô gái trẻ còn yêu và theo anh đứt đuôi đấy thôi!

- Thôi! Cô cho tôi xin! – Ông lại xị mặt ra, van vỉ.

Những lời đối đáp tưởng chừng như chỉ để cho qua mau đoạn đường ngắn, nào ngờ lại trở nên quan trọng đến vậy, bởi nhờ nó mà họ đã có thể thấu hiểu và có cảm tình với nhau nhiều hơn. Duyên chau mày ngẫm nghĩ một lúc, rồi đổi sang giọng nhỏ nhẹ, tâm tình:

- Anh ở một mình như vậy. Chuyện bếp núc chắc cũng vất vả lắm nhỉ?...

Tiếng xe máy vẫn nổ đều, gió thổi vù vù bên tai, khiến cho ông chẳng thể nghe thấy cô nói gì cả.

- Này! Anh không nghe thấy tôi nói sao?

- Hả!...Cô đang hỏi…tôi đấy hả? – Ông ngiêng tai, lớn tiếng hỏi lại, mắt vẫn không rời khoảng tay lái phía trước.

 - Chẳng anh thì còn ai vào đây nữa! Tôi hỏi chuyện ăn uống của anh hằng ngày như thế nào?...

- À!...Tôi thì quan trọng gì đâu! Một thân một mình, bây giờ về nhà là nằm lăn ra giường, ngủ ngay một giấc đến tối. Lúc nào tỉnh lại, thấy đói thì lại tìm cái gì đó để ăn. Mệt quá, chẳng còn muốn nấu nướng gì nữa cô ạ! – Ông đáp, giọng tỉnh bơ như chẳng hề có gì quan trọng cả.  

- Vậy thì anh cứ đến ăn với tôi. Tội gì mà phải nấu nướng cho mệt kia chứ! – Cô nói tiếp, giọng nửa đùa nửa thật.

Ông nín lặng, cặp lông mày nhíu lại như hai cánh cung, vẻ mặt bổng chốc trở nên đăm chiêu hơn. Giây lát sau, ông lưỡng lự:

- Nhưng…chỉ sợ làm phiền cô thôi!...

- Chẳng phiền hà gì đâu! Đằng nào thì tôi cũng nấu luôn một thể mà!

- Thế thì xin nghe theo ý cô vậy! – Ông tặc lưỡi, bộ ria đen rung rung như đang cười, rồi vặn mạnh tay ga cho xe chạy nhanh thêm.

Đã nhìn thấy cái điếm canh đê bỏ hoang lở lói ở ngay chỗ con dốc rẽ vào khu tập thể. Đối với cư dân trong khu này, cái điếm đã trở thành một cột mốc chỉ đường hữu ích, vì nó giúp cho họ ngay từ xa đã có thể nhận biết là mình đang sắp được trở về với ngôi nhà thân quen yêu dấu. Kỹ sư Tình rà phanh rồi cho xe lao xuống dốc đê, chiếc xe đột ngột chúi hẳn xuống, cả người Duyên cũng vì thế mà bị ập mạnh về phía trước. Người cầm lái cũng hơi giật mình vì tình huống bất ngờ xẩy ra, sự tiếp xúc với hai bầu vú mềm mại từ một cơ thể tràn trề sức sống khiến cho lưng ông có cảm giác nong nóng, râm ran đến lạ.

- Cô không sao đấy chứ? – Giọng ông hốt hoảng.

- Tôi không sao! – Cô đáp, mặt đỏ dừ lên vì ngượng, rồi vội vàng tì tay vào thành gác ba ga để đẩy cho người từ từ ngồi dịch lại phía sau.

Xe đi qua ngôi chợ của khu tập thể. Chợ chỉ là mấy dãy lán tạm dựng lên ở giữa bãi đất trống để cho những người trong khu họp với nhau. Buổi chiều cho nên cũng chỉ thưa thớt mấy người đi lại, mời chào, bán mua.

- Phòng tôi đây rồi! – Cô nói và chỉ tay vào căn phòng ngoài cùng của dãy nhà cấp bốn quét vôi trắng nằm ngay bên đường.  

Xe dừng lại. Ở ngay đầu hồi phòng cô có một cây trứng cá xanh tốt, trên cao lấp ló những chùm quả đo đỏ, tròn tròn sau kẽ lá rậm rì. Trong khi người bạn đồng hành vẫn ngồi trên yên chờ đợi, Duyên xuống xe và bắt đầu mở khóa phòng lách cách. Cánh cửa gỗ màu nâu xỉn có chớp phía trên kêu lên cọt kẹt và từ từ mở ra.  

Cô tất tả đi vào trong nhà, bật điện, rồi mở cửa sổ ngó ra:

- Anh vào nhà đi!

Ông dắt xe trên thềm, rồi chắp tay ra sau mà đứng nhìn quanh quất một lúc như để ước lượng vị trí. “Thì ra ở đây cũng chỉ cách chỗ mình chừng vài trăm mét gì đó thôi. Chỉ cần bước ra chỗ chợ kia, đứng nhìn ngược lên là đã có thể nhìn thấy phòng mình rồi” – Ông tự nhủ. Phải đến khi nghe thấy tiếng cô dục thêm lần nữa, ông mới lững thững đi vào bên trong.

Duyên mời khách ngồi vào ghế đi văng và lịch sự rót nước mời. Trong khi đó, vị khách của cô thì lại tranh thủ thời gian để ngắm nhìn gian phòng với một vẻ vừa tò mò vừa thích thú. Căn phòng được chia làm đôi, một tấm ri đô bằng vải hoa màu tím ngăn cách phòng khách và phòng ngủ. Trên bàn, một bình hoa nhựa đẹp và sống động nom y như hoa thật được đặt ngay ngắn, bình nước, cốc chén cũng sạch bóng như lau như li. Chiếc ti vi nhỏ 14 inch đặt trên kệ ở góc tường. Chiếc quạt điện hiệu sanyo vẫn chạy êm ru như không nghe thấy tiếng động. Ở góc phòng, cạnh tủ quần áo có một cái máy may, có lẽ là để cho chủ nhân may vá vào những lúc rảnh rỗi. Tuy căn phòng tập thể khá chật hẹp, nhưng cô vẫn dành ra được một khoảng không gian tiện ích cho căn bếp. Một cái kệ đặt ngay ngắn, trên đó bát đĩa, thìa, nồi niêu, dầu ăn, nước mắm, các lọ gia vị được sắp xếp một cách gọn gàng, hợp lý. Cách bài trí trong căn phòng cho thấy, chủ nhân là một người khá ngăn nắp và kỹ tính. Và điều đó đã hoàn toàn chinh phục được trái tim ông, một người đàn ông lớn tuổi và đã từng lập gia đình.

- Phòng cô đẹp quá! – Ông hết gật gù rồi lại tấm tắc khen.

- Tập thể mà anh. Phòng nào mà chả như nhau!…

- Ý tôi là muốn nói bên trong ấy! – Ông giải thích, rồi đưa tay lên gãi gãi đầu tự cười diễu mình - Chẳng bù cho phòng tôi, đến là bừa bộn, nom chẳng khác nào một cái tổ quạ cả!…

- Đàn ông đàn ang các anh thì vụng lắm. Phải có bàn tay phụ nữ chăm sóc thì mới ổn! - Cô mỉm cười đồng cảm, rồi liếc nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường - Bây giờ thì anh cứ ngồi đây uống nước. Để em đi nấu cơm nhé!…

Duyên nhanh nhảu đi vào bếp, xắn tay áo lên và bắt đầu công việc nội trợ quen thuộc của mình. Việc đầu tiên là cô đi cắm nồi cơm, sau đó rửa rau, nấu lại nồi thịt và rán thêm vài quả trứng nữa. Cô cũng không quên nấu canh sấu chua, món mà cô vẫn ưa thích và làm rất ngon. Mùi xào rán thơm thơm, tiếng bát đũa lách cách vang lên khiến cho gian phòng bổng phút chốc trở nên ấm cúng như một mái ấm gia đình thân thương. Trong lúc cô trổ tài nấu nướng thì ông lại ngồi xem báo, chốc chốc lại châm thuốc hút với một vẻ sốt ruột.

Chừng không đầy tiếng sau, mâm cơm nóng hổi và tươm tất đã được dọn ra trên bàn. Hai người ngồi đối diện nhau, cô ăn chậm rãi và chủ yếu là ngắm nhìn ông ăn. Đang đói bụng, ông ăn một cách ngon lành và chẳng hề khách sáo gì cả, vừa ăn vừa xuýt xoa khen lấy khen để cái tài nội trợ của cô. Trong khi ăn, thi thoảng cô lại ý tứ tiếp thêm thức ăn cho ông bằng một thái độ rất mực ân cần, chu đáo. Những cử chỉ quan tâm chăm sóc đó của Duyên đã không khỏi khiến ông cảm động, nó dường đánh thức cái bản năng được chiều chuộng cố hữu của một người đàn ông trong ông. Đã từ lâu, một mình sống trong căn hộ độc thân, ông hoàn toàn thiếu vắng đi bàn tay chăm chút của một người phụ nữ bên cạnh. Đột nhiên ông thấy lòng rưng rưng, và chợt nhớ là mình cũng đã từng có một mái ấm gia đình, dù rằng cái miền ký ức đó giờ đây nó đã lùi xa, rất xa.

Thấy ông ngồi bần thần, cô liền bỏ thêm miếng trứng vào bát ông, đon đả:

- Anh ăn thêm nữa đi. Cứ ăn nhiều vào, không lo hết đâu. Thức ăn em nấu nhiều lắm!...

Nể lời cô, ông ăn thêm vài miếng nữa rồi đặt bát đũa xuống, ngần ngừ:

- Cô Duyên này!...

- Sao anh?...

Ông tiếp lấy cây tăm từ tay cô, giọng bông đùa:

      - Hay là…chúng mình góp gạo thổi cơm chung đi!...

Cô cúi đầu, hàng mi cong chớp chớp, hai gò má bất giác đỏ ửng lên, thẹn thùng.

Tối ấy trở về căn phòng tuềnh toàng của mình, trên chiếc giường cá nhân, ông cứ nằm mà suy tư, trằn trọc nghĩ mãi. Ông nghĩ đến Duyên, người phụ nữ mới quen nhưng đã chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong tâm hồn ông. Rồi ông lại bâng khuâng nghĩ đến gia đình, đến bà vợ già tần tảo ở quê. Đã vài lần, dù không cố ý, nhưng trong đầu ông vẫn nảy ra những sự so sánh, lựa chọn, thậm chí là cả những mặc cảm về sự sai trái cũng theo đó mà len lỏi vào tận sâu thẳm tâm can. Nhưng sau cùng, cái tình cảm mới chớm nở kia cũng đã chiến thắng, ông lại nghĩ đến Duyên – người con gái xinh tươi ấy - với tất cả nổi niềm xao xuyến và mong nhớ khôn nguôi. Đêm đã về khuya, hầu hết những căn phòng tập thể khác đều đã tắt đèn đi nghỉ, nhưng phòng của ông thì vẫn sáng, miệt mài như một ánh sao đêm.

o0o

Những tưởng câu “Góp gạo thổi cơm chung” của ông chỉ là đùa vui, nào ngờ lại trở thành sự thật. Từ bữa ấy, hễ khi nào đi làm về là ông lại đến phòng Duyên để ăn cơm với cô. Tiền lương, ông đóng cho cô một phần, cứ như thể họ là một gia đình nhỏ vậy. Về phần mình, cô luôn chuẩn bị cơm dẻo canh ngọt chu đáo để phục vụ ông, đảm đang, tháo vát chẳng khác nào một cô dâu trẻ lúc mới về nhà chồng cả. Những buổi đi làm cùng ca, cô lại đợi ông đến để đèo về. Người ngoài nhìn vào, ai cũng bảo họ là một cặp trời sinh, đến là đẹp đôi, mặc dù tuổi tác giữa họ hơi có phần chênh lệch. Nhưng nào có hề gì, vì xưa nay tình yêu đâu có tuổi. Thời gian này, cô đẹp và phây phây hẳn ra, vẻ mặt thì lúc nào cũng nom rạng ngời và mãn nguyện. Xem ra, cái duyên mà ông trời sắp đặt kể cũng khác so với lối suy nghĩ thông thường của người đời nhiều lắm.  

Thời gian đầu, ông chỉ đến ăn cơm rồi lại về phòng mình. Sau dần, lắm hôm ông nghỉ lại ở phòng cô luôn mà chẳng cần giữ gìn ý tứ gì nữa. Mối quan hệ khác thường đó rồi cũng nhanh chóng biến thành lời đồn, lúc đầu là trong khu tập thể, rồi sau lan dần ra đến cả công ty. Người ta ganh tị, người ta thắc mắc, nhưng điều khiến cho họ cảm thấy khó xử là không biết nên đồng tình hay phản đối. Đồng tình thì không được, bởi nó trái với lẽ thường, nhưng phản đối thì cũng không nỡ, vì xem ra đó là một tình yêu đích thực, chứ không hề có vẻ gì là dan díu vụng trộm cả.

Dĩ nhiên rồi cái tin ấy cũng đã đến được với nơi cần đến nhất. Biết được chồng mình ăn ở với người đàn bà khác, bà vợ già ở quê của ông liền hộc tốc bắt xe ra thành phố. Sau khi ra đến nơi, việc đầu tiên là bà đi chơi mấy nhà ở cùng dãy với ông để làm công tác vận động, nhờ họ khuyên giải cho chồng mình hồi tâm chuyển ý mà quay về với vợ với con. Mọi người đều nể lời bà mà nhận lời, nhưng họ cũng nói thêm rằng: Đó là việc riêng của gia đình bà. Điều cốt yếu nhất để giữ gìn hạnh phúc vẫn là trông cậy ở người trong cuộc mà thôi.

Sáng hôm sau, bữa ấy cũng nhằm vào ngày chủ nhật, trong lúc hai người ngồi để nói chuyện phải quấy với nhau, bà hỏi ông:

- Thế nào? Ông định duy trì tình trạng nửa nạc nửa mỡ đến bao giờ đây? Khi nào thì ông mới chấm dứt cái chuyện vợ cả vợ lẽ như thế này hả?

 Rồi không để cho chồng kịp thanh minh thanh nga gì cả, bà òa lên khóc:

- Ông có biết là ở quê tôi đã phải chịu đựng điều tiếng nhục nhã như thế nào không?... Lại còn con cái nữa, ông cũng phải để cho chúng nó còn mặt mũi mà lấy vợ, gả chồng nữa chứ!...

Thấy vợ làm ầm ĩ lên, ông bực mình lắm, nhưng vẫn cố dấu sự tức giận của mình sau vẻ mặt lầm lỳ:

- Chẳng nửa nạc nửa mỡ gì cả. Mọi thứ đã quá rõ ràng. Tôi với bà đã ly thân từ bao nhiêu năm nay. Lâu rồi tôi cũng chẳng về quê. Từ nay bà cứ tự do, còn tôi thì cũng có cuộc sống và con đường của riêng tôi. Cuộc sống vợ chồng của chúng ta coi như đã chấm dứt. Từ nay bà không còn là vợ của tôi nữa! – Ông nói bằng một giọng trầm trầm nhưng rành mạch và dứt khoát.  

Bà quay sang phía ông, bĩu môi:

- Ông nói cứ dễ như là ăn kẹo ấy nhỉ. Thế còn trách nhiệm với con cái, với pháp luật thì sao nào?....

Câu hỏi như một vật nhọn xoáy vào nổi lòng đau đáu của ông, khiến cho ông cảm thấy nhức nhối, khó xử. Và nó đã có tác dụng ngay tức thì, ông đứng bật dậy, chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại trong phòng mà suy nghĩ rất lung. Lát sau, có vẻ như đã tìm ra được đáp án trong đầu, ông dừng lại trước mặt bà:

- Con cái thì đã lớn, chúng nó cũng đã có thể tự lo được rồi. Đứa nào mà không muốn ở quê, sau này tôi cũng có thể lo việc cho chúng được. Còn về mặt pháp luật thì cũng đơn giản thôi. Tôi với bà sẽ ra tòa ly hôn. Như vậy là ai cũng được tự do, đường ai nấy đi.

Bà gào lên trong nước mắt:

- Tất cả cũng chỉ tại cái con đĩ ấy. Giời ơi là giời! Cái con đĩ đã quyến rũ và cướp chồng người ta ấy!

Ông nhăn nhó đưa hai tay ôm đầu, ngồi phịch xuống ghế, nói như rít qua kẽ răng:

- Thôi bà im đi, đừng có gào lên như thế kẻo người ta nghe thấy! Tôi cấm bà không được xúc phạm đến cô ấy nghe chưa. Người ta là người đàng hoàng chứ không phải xấu như bà nghĩ đâu!...

Cả người bà bật nẩy lên như một chiếc lò xo bị nén căng, rồi bà nghiến răng trèo trẹo, hai con mắt long lên một cách dữ tợn:

- Ây dà! Thì ra ông đã bị con đĩ ấy nó làm cho mê muội mất rồi. Cho nên bây giờ vì bênh nó mà quay ra chửi rủa vợ mình đó phỏng. Tôi thì tôi đến xé xác cái con đĩ ấy ra, cho nó biết thế nào là cái tội cướp chồng của người khác!

Nhưng bà đã không đến để gặp tình địch của mình ngay lúc này. Là một phụ nữ trung niên, cho nên bà đâu có làm việc gì cũng xốc nổi như các cô gái trẻ nữa. Bà hiểu rằng, đang lúc nóng giận, nước mắt nước mũi như thế này, nếu đến gặp cô ta thì mình sẽ thất thế, sẽ chẳng khác nào tự nhận mình là một kẻ thất bại cả. Đến đầu giờ chiều, bà mới đến, sau khi đã ăn mặc đẹp nhất theo cái cách của một người phụ nữ nhà quê. Bà chọn bộ đồ vải lanh màu hoa cà cổ khoét được may rất khéo mà mình vẫn ưa thích để mặc vào. Bà soi vào trong gương, chải đi chải lại mái tóc dày xõa bồng bềnh ngang vai của mình. Sau khi đã lấy lại dáng vẻ tự tin nhất của bản thân, bà hỏi đường và tìm đến nhà Duyên.

Vừa đến nơi, bà đã đứng ngay trước cửa phòng cô, rồi dậm chân bành bạch mà gào lên:

- Cái con đĩ rài đĩ rạc kia đâu rồi!...Mày cướp chồng người ta cho nên bây giờ sợ trốn ở trong nhà phải không?...Có giỏi thì mày ra đây để bà xem mặt ngang mày dọc cái đứa cướp chồng người ta như thế nào nào?...

Vài ba người đi qua, thấy vậy thì cũng tò mò đứng lại để xem. Họ bàn tán, chỉ trỏ, rồi cười cợt với nhau áng chừng vui vẻ lắm. Cảnh tượng cũng vì thế mà thêm phần náo nhiệt hơn hẳn. Thoạt đầu, nghe tiếng người chửi rủa, Duyên có hơi ngỡ ngàng, nhưng rồi cô cũng dần lờ mờ đoán ra sự việc. Tiếng chửi ấy nghe rất gần, rõ ràng là để nhắm vào mình. Từ hôm qua, cô cũng đã nghe nói là bà vợ ông ở quê ra. Cái người đang la hét ngoài kia chắc chắn là bà ta chứ chẳng thể là ai khác. Dù cảm thấy đôi chút lo lắng, nhưng rồi chính trong cái giây phút cam go nhất, người phụ nữ thường lại có những quyết định rất quyết đoán và sáng suốt. Cô sửa lại trang phục của mình cho ngay ngắn, nghiêng đầu hất mạnh mớ tóc dài ra sau lưng rồi đứng lên, bình tĩnh bước ra bên ngoài.

Đây là lần đầu tiên hai người đàn bà chạm mặt, vì vậy mà cả hai đều tò mò muốn biết mặt nhau. Nhìn thấy người phụ nữ to béo, đang chống nạnh đứng trước phòng mình với một thái độ hung hãn, Duyên đã đoán ngay đó là vợ của ông. Vẫn đứng yên trên thềm với thái độ tự tin của một người chủ nhà, cô nhìn người đàn bà kia và hỏi bằng một giọng điềm tĩnh:

 - Chị là ai mà lại đứng trước cửa nhà tôi la lối om sòm làm vậy? Có gì thì mời chị vào trong nhà nói chuyện đàng hoàng! Kẻo cứ cư xử kiểu chợ búa như thế này lại khiến cho người ta nghĩ sai về tôi!...

Vừa nhìn thấy tình địch xuất hiện bà đã tức sôi máu lên. Bà sấn sổ bước lên thềm, chỉ tay vào mặt cô:

- Á à! Bà là ai hả? Bà là đứa bị con đĩ kia cướp chồng đây!...

Duyên gạt tay bà ta ra:

- Chị cứ bình tĩnh đã nào. Chị không được chỉ tay vào mặt tôi như thế!...

- Bình tĩnh à! Bà không thèm bình tĩnh với con đĩ nhé!...

Mặt Duyên tái đi vì giận, vì ngượng với những người xung quanh. Cô nhìn thẳng vào mắt bà như tóe lửa, cười gằn:

- Chị gọi tôi là con đĩ, vậy còn chị thì là gì hả? Cái thứ bị người ta chán ngấy, ruồng bỏ mà nay còn bày trò ghen tuông này nọ. Đúng là không biết xấu hổ!...

Bị đối phương quật lại đau điếng, bà chồm lên như một con hổ dữ đang muốn ăn tươi nuốt sống con mồi:

- Á à! Bà thì xé xác mày ra này!...

 Dứt lời, bà túm ngay lấy cổ áo cô để mà giằng xé, xô đẩy. Những tưởng cái thân hình mảnh dẻ của Duyên thì khó bề mà chống đỡ nổi sức vóc to béo của người đánh ghen. Nào ngờ cô cũng rất khỏe, hai người cứ thế túm lấy nhau, vừa xô đẩy vừa cào cấu mà vẫn bất phân thắng bại. Một người thì cố gắng giành lại chồng từ tay tình địch, người kia lại quyết tâm để bảo vệ hạnh phúc của mình, cả hai động lực ấy đều có nguồn gốc và sức mạnh như nhau cả.

Lúc này ông hàng xóm đang đứng hút thuốc trước cửa phòng, thấy tình thế trở nên xấu đi liền vứt vội điếu thuốc rồi xông thẳng vào giữa hai người để can ngăn.

- Có buông nhau ra ngay không nào! – Ông ta quát lên giận dữ, vừa nói vừa cố gắng dùng hết sức bình sinh để kéo tay hai người họ ra. 

Chừng vài phút sau, cái sức mạnh cơ bắp của người đàn ông cũng đã phát huy tác dụng, hai người đàn bà đã được tách rời ra khỏi nhau. Duyên thì quần áo, tóc tai rũ rượi, cô tức tối bỏ ngay vào phòng mình và đóng sầm cửa lại. Trong khi địch thủ của cô hậm hực bỏ về, miệng thở phì phò như kéo bễ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng vẫn không ngớt lời lăng mạ và chửi rủa đối phương.

o0o

Vài tháng sau khi vụ đánh ghen tai tiếng ấy xẩy ra, lãnh đạo công ty đã cử kỹ sư Tình về làm giám đốc tại một xí nghiệp chi nhánh cách nhà máy khoảng vài trăm cây số. Ngoài lý do công việc, còn một mục đích khác nữa mà có lẽ mọi người đều đoán ra, ấy là họ muốn chia rẽ mối tình mà họ cho là “Ngang trái” giữa ông và Duyên. Họ nghĩ rằng, với môi trường làm việc mới và khoảng cách địa lý xa xôi cách trở như vậy, dần dà thời gian sẽ làm cho ông quên cô.

Kỹ sư Tình đón nhận quyết định bổ nhiệm ấy với một thái độ thờ ơ, miễn cưỡng. Nếu là lúc khác thì ông sẽ hăm hở lên đường để nhận nhiệm vụ ngay, nhưng ở thời điểm này, mối tình say đắm với Duyên khiến cho ông không muốn rời xa cô một chút nào cả. Trước lúc lên đường đi nhận công tác mới, ông ghé qua để từ biệt người yêu.

- Họ muốn anh về làm giám đốc một chi nhánh ở tỉnh! – Vừa bước vào phòng ông đã rầu rầu nói ngay, mắt ngước nhìn cô, đượm buồn.

Cô áp hai bàn tay nóng bỏng của mình vào má người yêu để khích lệ, sửa lại cái cổ áo sộc sệch cho ông rồi nói bằng một giọng run run:

- Ôi, anh yêu của em! Em cũng đã được biết cái tin ấy rồi. Nhưng anh đừng quá lo lắng nhé. Vì đã có em đây vẫn yêu thương và chờ đợi anh. Sẽ chẳng có điều gì trở ngại cho tình yêu của chúng ta cả đâu, anh ạ! Điều khiến cho em phải lo lắng là anh thôi! Không biết là ở nơi xa ấy, anh có còn nhớ đến em nữa không?...

Ông đưa bàn tay xù xì lên lau những giọt nước mắt chảy tràn trên hai gò má cô, vỗ về:

- Thôi nào! Đừng có khóc nữa! Có gì mà em phải lo lắng đến thế. Cứ làm như là anh đang sắp phải ra mặt trận không bằng!

Cô thôi thút thít, rồi dụi đầu vào ngực người yêu:

- Những mấy trăm cây số kia mà. Mỗi người một nơi, như vậy thì có khác nào ra trận đâu. Rồi tương lai chúng mình sẽ ra sao đây?...

Xúc động, ông ôm lấy cô vào lòng, vỗ vỗ bàn tay vào lưng người yêu:

- Anh hứa là sẽ về thăm em thường xuyên. Rồi chúng mình sẽ cưới nhau sớm thôi!...

- Còn vợ anh thì sao? – Giọng cô thủ thỉ, như vọng ra từ lồng ngực.

- Anh sẽ ly dị! Đã từ lâu anh với bà ta cũng chẳng còn tình cảm gì nữa cả. Bây giờ, chỉ có em mới là tình yêu duy nhất của anh thôi!

Vừa nghe thấy thế, cô đã vùng ra khỏi vòng tay ông, vòng hai tay ôm lấy cổ ông, rồi hôn chụt chụt liên hồi vào mắt, vào má người yêu. Cô đang thực sự hạnh phúc, cho dù trước mắt họ là giây phút chia li.

Cô sắm sửa đồ đoàn cho ông cả một túi nặng, nào là quà bánh, rồi thì vật dụng sinh hoạt cá nhân, thứ nào cũng đầy đủ cả. Xong rồi cô còn tỉ tê dặn dò ông đủ thứ, cẩn thận chẳng khác nào một người vợ hiền lo lắng cho chồng trước lúc đi xa.

Hai tay xách hai túi đồ cồng kềnh, ông vừa bước đi vừa ngoái nhìn lại người đàn bà yêu dấu đang đứng vẫy tay từ biệt mình với hai con mắt ngấn lệ mà lòng những nhói đau và ngổn ngang trăm mối tơ vò.

Nhiệm vụ mới khiến cho kỹ sư Tình phải suốt ngày bận bịu. Tình hình khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những gì ông tưởng tượng lúc ban đầu. Cũng phải mất đến gần cả tháng trời ông mới thu xếp tạm ổn bộ máy nhân sự cũng như các hoạt động sản xuất ở nơi đây. Công việc vất vả đã choán mất khá nhiều thời gian và tâm sức của ông. Cả ngày lăn lộn ở phòng làm việc và xưởng máy, đến tối ông mới về phòng để nghỉ sau khi cơ thể đã gắng sức mệt nhoài.

Nhưng gió chỉ có thể thổi tắt được ngọn lửa nhỏ và sẽ làm bùng lên ngọn lửa lớn. Sự xa cách càng khiến cho tình yêu mà ông dành cho Duyên ngày một thêm mạnh mẽ và cuồng nhiệt hơn. Ngay cả trong những giấc mơ, khuôn mặt xinh đẹp với mái tóc đen bồng bềnh của cô vẫn hiện lên lấp lánh trong ông như bóng dáng của một thiên thần. Những hình ảnh đó cứ vuốt ve, chà sát vào tâm trí, khiến cho ông cảm thấy mình vừa hạnh phúc vừa đớn đau, nhưng đó là nổi đau rất đỗi ngọt ngào. Ban ngày, ngoài những giờ làm việc bận rộn, hễ rảnh ra là hình bóng của cô lại chen vào và làm cho ông day dứt nhớ. Và nổi nhớ ấy càng trở nên mãnh liệt hơn vào ban đêm, trong căn phòng trống trãi, giữa khung cảnh của vùng quê vắng vẻ, chỉ có tiếng côn trùng và tiếng gió xào xạc từ những rặng cây bạch đàn ngoài kia thổi vào. Những khi ấy, ông ước gì mình mọc thêm đôi cánh để có thể bay về với cô ngay lúc này, để ôm cô vào lòng, để được thốt ra muôn vàn những lời yêu thương, âu yếm. Chỉ những lúc đi xa, người ta mới có thể nhớ về những hoài niệm với một hình ảnh sống động và rõ nét nhất trong tâm tưởng. Với ông, đó là căn phòng nhỏ của Duyên vẫn sáng bừng lên ánh đèn giữa đêm đông lạnh giá. Là dòng sông uốn lượn, vỗ về và ôm ấp lấy khu tập thể. Đó còn là con đường đê quen thuộc những năm tháng đi về, và cũng trên con đường ấy ông và cô đã gặp nhau, là nơi mà tình yêu của họ bắt đầu.

   Thi thoảng, ông lại kiếm cớ gì đó để trở về Hà Nội với cô. Đó là những chuyến đi ngắn và vội vã, thường chỉ vài ba hôm và phần lớn phải kết hợp với công việc của công ty. Mỗi lần như vậy, khi quay trở lại xí nghiệp, ông lại mặc bộ đồ đó suốt mấy ngày liền mà không chịu thay ra. Người ta thấy thế mới lấy làm lạ, đáp lại, ông vừa đưa ống tay áo lên hít hà vừa nói với một vẻ rưng rưng:

     - Để lưu giữ cái mùi hương của người yêu luôn ở bên mình mà không cho nó bay đi mất!

     Họ cười, cho rằng ông quá si tình và làm như vậy là không phù hợp với độ tuổi của mình. Nhưng ông mặc kệ, không ngượng ngùng cũng chẳng cần giải thích gì cả, cứ để cho tình cảm bộc lộ một cách hồ hởi và hồn nhiên như hồi còn son trẻ như vậy. Mà ngẫm cũng phải thôi, vì tình yêu đâu có tuổi bao giờ. 

Nổi nhớ nhung người yêu đã khiến cho ông chểnh mảng công việc và cũng chẳng thiết tha gì với công tác quản lý ở đây nữa. Làm giám đốc xí nghiệp chưa đầy một năm, ông nằng nặc đòi trở về nhà máy cho bằng được. Biết là ông chẳng có tâm trí nào để ở lại làm việc, công ty đành quyết định cho ông về và điều người khác để thay thế vào vị trí đó.

o0o

Chuyển về nhà máy chưa được bao lâu thì cả kỹ sư Tình và Duyên đều làm đơn xin nghỉ chế độ, mặc dù còn lâu nữa họ mới đến tuổi hưu trí. Đôi tình nhân ấy đã quyết định từ bỏ tất cả: công việc, sự nghiệp mà họ đã từng gắn bỏ cả đời chỉ để được ở bên nhau.

Đến cuối năm đó, tháng 11 năm 1992, hai người họ quyết định cưới nhau. Một hôn lễ đơn sơ đã được tổ chức, với sự có mặt của một ít quan khách và những người đồng nghiệp cùng sinh sống trong khu tập thể. Căn hộ của ông giờ đây trở thành phòng tân hôn do chính bàn tay khéo léo của Duyên bày biện, sắp xếp. Thời gian sau, họ xây một căn nhà mái bằng xinh xắn, theo ý nguyện của cô, phía trước bày một ngôi hàng tạp hóa nhỏ để bán phục vụ mọi người. Vậy là ước mơ hạnh phúc của họ đã trở thành hiện thực. Một tổ ấm thân thương, một hạnh phúc bé nhỏ như bao gia đình công chức nghèo khác ở trong khu tập thể này.

Có những loài hoa nở muộn, nhưng hương sắc của nó thì mặn mà và lộng lẫy biết bao. Loài hoa ấy chẳng những không bị thời gian làm cho úa tàn, mà nó còn vươn lên mạnh mẽ dưới ánh sáng mặt trời, phô ra cái vẻ đẹp kiêu hãnh khiến cho bao loài hoa khác cũng phải cúi đầu e thẹn.