Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Khu Tập Thể

     
   Từ ngoài đường cao tốc, người ta đã có thể nhìn thấy tòa nhà năm tầng màu vàng của công ty Bản đồ địa chính nổi lên như một pháo đài cũ kỹ. Cái bể nước lớn được xây trên nóc, trông xa giống như một tháp canh xù xì đang án ngữ. Hình ảnh đó gợi về một cái gì quá vãng, vốn là chứng tích của thời gian hoặc do chưa bắt kịp với nhịp sống thời đại. Tuy chỉ cách Hà Nội chừng bốn mươi cây số và gần đường cao tốc như vậy, nhưng ở đây là một thế giới khép kín, dường như ít bị ảnh hưởng bởi cuộc sống ồn ào bên ngoài. Khuôn viên được ngăn cách với xung quanh bởi những bức tường bao đã có nhiều mảng vữa bong tróc, để lộ ra lớp gạch màu nâu đỏ bên trong. Phía sau là một cái ao rộng, mà ở đó mọc đầy những bụi chuối ken sát, um tùm. Khu tập thể là hai dãy nhà cấp bốn được bố trí theo hình chữ L, với khoảng vài chục căn phòng ngăn ra đều nhau. Ngoài ra còn có một dãy nhà hai tầng nữa, mặt hướng ra phía sân sau của công ty. Từ đây có thể nhìn thấy cái sân bóng chuyền, nơi mà mọi người thường tập trung chơi bóng sau mỗi giờ làm việc. Những lúc như vậy, tiếng đánh bóng lộp bộp, tiếng hò hét lại rộ lên ầm ĩ cả khu vực. Bây giờ đã là năm 2004, nhưng nếp sinh hoạt của cơ quan thì vẫn mang hơi hướng của những năm 1990 trở về trước.

     Sau bữa cơm chiều, mấy chú lớn tuổi thường ra đứng ở chân cầu thang dãy nhà hai tầng để mà tán gẫu một lúc. Cho đến tận khi trời nhập nhoạng tối, thì mới ai chịu về phòng nấy để nghỉ ngơi. Phòng của Phương ở ngay cạnh đó, vì vậy mà lắm lúc anh cũng vô tình mà bị lôi cuốn vào những câu chuyện không đầu không cuối của họ. Mấy bữa nay có một sự kiện làm khuấy động nhịp sống vốn yên bình của khu tập thể, ấy là có hai cô gái trẻ mới về công ty làm việc và thêm một cô thực tập sinh nữa. Dĩ nhiên là tin tức này cũng không thể thiếu trong những cuộc tán gẫu của các bậc cao niên.

     Hôm nay như thường lệ, họ lại đứng tập trung ở chân cầu thang. Vốn là người hay khơi mào, chú Hùng lại e hèm lên một tiếng rõ to như để ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi bắt đầu bằng một giọng châm biếm:

     - Ối dào! Cái cô Thu thực tập xinh thì có xinh thật, nhưng đời thủa nhà ai, trước mặt các bậc cha chú như chúng ta mà chỉ mặc mỗi cái quần short ngắn lên tận đây - Nói rồi chú đưa tay vạch ngang chỗ đùi gần bẹn, áng chừng độ ngắn của cái quần.

     Những tiếng cười lập tức nổi lên như một cơn mưa rào mùa hạ. Có người vì thích thú quá mà cười sặc sụa, đến nổi chảy cả nước mắt nước mũi.

     Chú Sơn kế toán có dáng người cao lêu đêu, lúc này cũng cố gắng nhịn cười, rồi lấy tay chỉ vào cái bậc thềm mà phụ họa:

     - Hôm qua tôi còn thấy nó mặc quần short, ngồi trên xe máy mà phóng thẳng lên thềm. Ngay chỗ kia kìa. Chậc! Con gái thời nay thực là!...

     Mọi người lại được thêm một trận cười sảng khoái nữa, vì cái thói tự nhiên thái quá của cô thực tập sinh. Chú Toàn phòng máy thì từ nãy đến giờ vẫn đứng tựa lưng vào lan can, bấy giờ lấy tay vân vê bộ ria màu hung hung mà nói chen vào:

     - Còn cái cô Hờ…gì đó thì ngoan đáo để! – Chú ngừng lại, nhăn trán để mà cố nhớ tên.

     - Hằng! - chú Sơn nhắc nhở.

     - Phải rồi! Cô Hằng – Chú Toàn nhanh nhảu - Cô bé cứ thấy tôi là chào từ đằng xa nhé. Mau miệng lắm!

     Rồi quay sang phía Phương lúc này đang ngơ ngác mà lắng nghe câu chuyện, chú nheo nheo mắt nhìn, giọng nửa đùa nửa thật:

     - Xem chừng mấy cô gái mới về cũng được đấy! Chú mày nên chọn lấy một cô đi. Cũng đến tuổi lập gia đình rồi. Có an cư thì mới lạc nghiệp được cháu ạ!...

     Mấy người ở đó đều tỏ vẻ đồng tình mà tán thêm vào. Khiến cho Phương xấu hổ mà chẳng biết nói gì cả, anh cười bẽn lẽn như con gái, rồi ngượng ngùng mà bỏ đi về phòng mình.

o0o

     Khu vực cơ quan có hai lối vào, một cổng chính ở ngay nhà làm việc, còn cổng phụ cho khu tập thể thì ở phía sau. Cứ hết giờ hành chính thì chú Cẩn bảo vệ lại ra khóa cánh cổng lớn đằng trước lại, từ lúc này mọi người chỉ có thể ra vào vào bằng lối cổng xép mà thôi. Tuy sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chú Cẩn trông hãy còn nhanh nhẹn và tráng kiện lắm. Có thể chú là người sinh hoạt điều độ, lại thường xuyên luyện tập thể thao cho nên mới có được một sức khỏe tốt như vậy. Dáng người chú thấp đậm nhưng rắn chắc, khuôn mặt thì luôn tươi cười mỗi khi bắt gặp người đối diện. Cái phòng trực của chú nằm ở ngay cổng, dưới gốc cây hoa gạo cổ thụ nở hoa đỏ chót. Ban ngày thì quán xuyến công việc cơ quan, còn cứ tối đến thì chú lại ra nghỉ ở đây để mà trực bảo vệ.

     Ở cuối khu tập thể, cạnh bức tường bao là nơi người ta treo cái kẻng được làm bằng vỏ một quả bom B52 từ thời chiến tranh. Cứ đầu giờ hay kết thúc buổi làm việc là chú Cẩn lại cầm theo cái búa mà thủng thẳng đi ra chỗ đó, rồi gióng lên một hồi kẻng dài để báo hiệu. Mỗi lần như thế, chú lại phải lấy tay bịt tai, mặt thì nhăn nhó khổ sở, vì cái âm thanh chát chúa kia chẳng hề dễ chịu chút nào. Nghe tiếng kẻng là mọi người lại lục tục đi làm hoặc chuẩn bị ra về. Cái nhịp sống đó cứ thế kéo dài miên man, đều đặn.

     - Phương ơi! Đi ăn cơm!...

     - Phương ơi!...

     Tiếng mấy chú ở tầng trên đi ngang qua gọi Phương í ới. Anh vội vàng đóng cửa phòng rồi cũng nhanh chân mà rảo bước theo họ. Nhà ăn cũng chỉ cách chỗ ở có mấy chục bước chân. Người ta chọn một gian cuối của dãy nhà cấp bốn để làm phòng ăn cho những người nội trú. Vì ở đây vừa kín đáo, vừa thuận tiện cho việc đi lại. Hằng ngày, cứ sau giờ làm việc thì mọi người về phòng nghỉ ngơi một lúc, chừng nửa tiếng sau lại rủ nhau đi xuống nhà ăn. Người phụ trách đầu bếp là chị Tú, vốn là y tá của công ty. Cũng có lẽ do chị là người nấu ăn ngon có tiếng, nên mới được người ta tín nhiệm mà giao cho công việc này.

     Tiếng bát đũa va vào nhau lách cách, tiếng chào mời rộ lên một lúc rồi ai nấy bắt đầu ngồi vào bàn ăn cơm. Vẫn những khuôn mặt quen thuộc, vì hằng ngày mọi người đều ngồi ăn chung với nhau. Chú Sơn kế toán năm nay sắp nghỉ hưu, có lẽ vì mấy cái răng đau lung lay mà chú hơi khó tính trong chuyện ăn uống. Thường ngày, chú vẫn là người phê phán nhiều nhất những món ăn do chị Tú nấu.

     Lúc này chị Tú vừa tiếp thêm cơm vừa tươi cười:

     - Thế nào? Mọi người thấy thức ăn hôm nay có vừa miệng không?

     Chị Tú vừa dứt lời, chú Sơn liền lấy cây đũa gõ một cái vào đĩa thịt trước mặt rồi bĩu môi:

     - Cái món thịt hôm nay nấu dở quá, đã nhạt lại còn cứng queo!.

     Như bị giọt nước làm tràn ly, chị Tú đặt mạnh cái môi xuống bàn nghe đánh keng một cái, rồi chống nạnh mà quắc mắt lên:

     - Muốn ngon thì về bảo vợ nó nấu cho! Ở đây chỉ được có thế thôi! Không ai đi hầu ông như ở nhà đâu nhé!...

     Bị chị Tú mắng té tát như vậy, chú Khanh liền buông đũa mà giận dỗi bỏ về phòng. Cho dù có ai lên gọi cũng không chịu xuống ăn tiếp nữa.

o0o

       Hôm nay là chủ nhật, những người độc thân đều đã về nhà cả, khu nội trú lúc này trở nên vắng vẻ vì chỉ còn lại lơ thơ mấy hộ gia đình. Tranh thủ ngày nghỉ, Phương bèn mang chiếc quạt điện bị hỏng bấy lâu để đi sửa. Thấy anh không phải là người địa phương, người thợ sửa quạt mới tò mò mà lân la hỏi thăm. Khi biết Phương đang làm ở công ty bản đồ thì anh ta ồ lên một tiếng kinh ngạc, rồi cho biết là vợ chồng mình trước đây cũng từng làm việc ở đó. Phương cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém, mới hỏi lý do vì sao anh ta không còn làm việc ở đó nữa. Chị vợ xinh đẹp nghe vậy thì cho biết rằng, hai vợ chồng họ trước đây xin được nghỉ theo tiêu chuẩn một lần. Vì làm nghề đo đạc thì anh phải đi quanh năm suốt tháng, vợ chồng vì thế mà xa cách biền biệt. Cho nên họ mới bàn nhau xin nghỉ, rồi về mở quán buôn bán và sửa chữa đồ điện ở chỗ này. Phương nghe xong thì tự nhủ: “Quả là mỗi người có một sự lựa chọn riêng. Đây cũng là một cách sống hay, vừa có thể đoàn viên lại vừa tự do tự tại”. Anh hẹn người thợ quạt chút nữa sẽ quay lại lấy, rồi tranh thủ chạy xe ra thị trấn một lúc. Phương ghé qua bưu điện để gửi mấy gói bưu phẩm cho công ty, rồi lại ra chợ mua thêm vài thứ đồ dùng lặt vặt nữa.

     Lúc quay lại hàng quạt, người thợ nhìn Phương, tươi cười:

     - Của anh xong rồi đó!

     Phương cảm ơn và trả tiền. Người chủ quán lại lởi xởi:

     - Lúc nào rảnh thì mời anh lại chơi!

   Về đến phòng, nhìn đồng hồ thấy mới tám giờ rưỡi, Phương bèn đi xuống nhà chị Tú để mà chơi cờ vua một lúc. Chị Tú đánh cờ vua rất giỏi, cả cô con gái mới học cấp hai của chị cũng vậy. Cô bé mặt mũi sáng sủa, lại thông minh và học giỏi. Ở cơ quan này chị Tú chỉ đánh thua có mình Phương mà thôi, vì vậy mà mới hay rủ anh đến chơi. Chị nói rằng, chơi cờ với người giỏi hơn mới nâng cao được trình độ của mình. “Gặp được một đối thủ cầu tiến như vậy, kể cũng hay lắm!” - Phương vừa đi vừa suy nghĩ, rồi bất giác anh mỉm cười thú vị.
o0o

         
      Cứ khi nào thấy chú Toàn lôi chiếc xe máy Dream màu mận chín mới tinh của mình ra, rồi dùng giẻ khô mà lau đến sạch bóng là biết chú sắp về quê. Cuối tuần, những người có nhà ở gần thì lại về để mà đoàn tụ với gia đình. Phương thì về Hà Nội, vì phần lớn bạn bè và người quen của anh đều ở đó cả. Thời gian đầu lên đây làm việc, anh thường hay về Hà Nội chơi cho đỡ buồn, sau rồi quen dần cho nên cũng ít hơn.

      Có lần đi qua, thấy chú Toàn đang lau xe, chú Cẩn bảo vệ liền dừng lại trêu:

     -  Lau làm gì cho sạch lắm! Ông đi ra đầu ngõ lại bẩn ngay thôi mà!

      Biết là chú Cẩn đang xỏ xiên mình, chú Toàn dấm dẳng:

      - Tôi thì cứ phải lúc nào cũng sạch sẽ. Bẩn thỉu như người khác tôi không chịu nổi! – Dứt lời, chú vẩy cái khăn lau một cái thật mạnh khiến cho bụi bắn tung lên, như để xua đuổi vị khách không mời mà đến.

     Cái sự khắc khẩu giữa chú Cẩn và Chú Toàn thì cả cơ quan này ai cũng biết cả. Bất cứ lúc nào, hễ cứ hai người giáp mặt là thể nào cũng xẩy ra tranh cãi kịch liệt. Mà cái sự thắng bại thì chẳng thể nào phân biệt nổi. Có lẽ phải chờ đến lúc nghỉ hưu, ai về nhà người nấy thì mọi chuyện may ra mới kết thúc được vậy.

     Tính chú Toàn sạch sẽ, cái gì cũng phải như lau như li thì mới được. Có lẽ cả khu tập thể này, chỉ có phòng của chú là lúc nào cũng gọn gàng và tươm tất nhất. Hôm nào cuối tuần mà trời mưa, người ta lại thấy chú chắp tay sau lưng mà đi đi lại lại trên thềm, miệng lẩm nhẩm:

     - Trời mưa thế này thì làm sao về nhà được đây?

      Thực ra là chú đang lo cho chiếc xe vừa mới lau sạch bóng của mình bị nước mưa và bùn làm vấy bẩn, chứ chẳng phải sợ người bị ướt đâu.
                                                                                    
o0o

     Bây giờ đã là cuối xuân, cây gạo cổ thụ trước cổng cơ quan lúc này lại trổ hoa như thắp lửa. Tán nó tỏa rộng lên cả cái phòng trực của chú Cẩn, hoa rụng xuống, khiến cho khoảng sân phía dưới lấm tấm như được trải một tấm thảm đỏ. Sáng nào trước giờ làm việc, chú Cẩn cũng phải dành thời gian để mà quét dọn đám hoa rụng này vào một góc, sau đó mới hót mà đem đi đổ vào cái thùng rác được đặt ở tận cuối hành lang. Vậy là thấm thoắt Phương đã về đây làm việc được một năm rồi. Còn nhớ năm ngoái, khi anh đến đây cũng khoảng vào thời gian này, hoa gạo lúc đó cũng nở đỏ chói cả một góc trời.

     Tuần này Phương ở lại cơ quan mà không về Hà Nội. Sáng chủ nhật, anh đang ngồi uống cà phê trong phòng thì thấy cô bé con chị Tú thập thò ở cửa:

     - Chú Phương ơi! Mẹ cháu nói mời chú xuống nhà đánh cờ vua!...

     Phương trìu mến nhìn cô bé, mỉm cười:

     - Cháu về trước đi! Nói với mẹ là lát nữa chú sẽ xuống nhé!...