Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Mối tình nở muộn

   Gió từ phía bờ sông xào xạc thổi về từng đợt. Những gợn sóng lăn tăn phản chiếu ánh hoàng hôn lấp lánh, rực lên một màu đỏ thẫm và cứ thế xuôi dần mãi về tận phía hạ lưu. Xa xa, phía dưới lòng sông, mấy chiếc xà lan chở cát và hàng nông sản đang nối đuôi nhau trôi theo dòng nước lững lờ. Sau bức tường màu vàng của nhà máy cơ khí, khu nhà xưởng vươn cao với những ô cửa sổ thông khí vuông vuông, nom xa y hệt như những thanh cửa chớp khổng lồ. Bóng chiều đã đổ thành một vệt dài màu nâu nâu lên những ngôi nhà và hàng cây chắn sóng phía bên kia triền đê khúc khuỷu.

Trên chiếc xe Babetta cà tàng của mình, kỹ sư Tình đang từ nhà máy trở về khu tập thể sau giờ tan ca. Chiếc xe máy chạy vè vè trên con đường đê vắng vẻ, những mảng đường nhựa cấp phối thủng lỗ chỗ như một tấm áo vá cứ thế lùi lại dần sau những bánh xe quay. Mỗi khi xe đi vào đoạn ổ gà gồ ghề, chiếc mũ kỹ sư trên đầu người lái lại nhảy lóc cóc như lên đồng, cái dáng của ông lom khom đổ dài, miệt mài và cần mẫn. Ở tuổi năm mươi, mấy chục năm gắn bó với cái nhà máy vùng ngoại thành Hà Nội này, đoạn đường đã trở nên quá đỗi thân thuộc đối với ông. Ngày lại ngày, những hình ảnh đó cứ lặp lại trong đầu ông như một thước phim ngắn, cây cầu sắt có đường xe lửa bắc qua, đám ruộng ngô xanh rì dưới bãi bồi ven sông, rồi những ngôi nhà ẩn hiện sau con ngõ quanh co chạy dọc theo triền đê thoai thoải. Ông vẫn nhớ như in về những ngày ấy, hồi mình còn là một cậu sinh viên mới ra trường về đây làm kỹ sư điện, với bao nhiêu là ước mơ và nhiệt huyết cống hiến vẫn hằng cháy bỏng trong tim. Những buổi đạp xe ngược gió trên bờ đê đi làm, dù vất vả, khó khăn nhưng vẫn kiên trì và hề không nản chí. Rồi lúc tan ca đêm, cũng trên con đường này, chàng sinh viên trẻ lại đạp xe về phòng để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, người thì đẫm mồ hôi vì mệt, vì đói nhưng vẫn cảm thấy vui và lòng phơi phới tương lai.

Mãi suy tư, hoài niệm, kỹ sư Tình đã không để ý phía trước có một người con gái xinh đẹp đang đứng bên vệ đường, mỉm cười nhìn mình và vẫy vẫy chiếc khăn tay để xin đi nhờ xe.

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Lời tiên tri ứng nghiệm

 

   Những đám giấy gói kẹo và túi ni lông hãy còn vương vãi trên nền gạch hoa của căn phòng ký túc xá. Từ hôm qua, người ta đã quét chúng thành một đống vào chỗ góc phòng này nhưng vẫn còn chưa kịp thu dọn và hót đi. Trên chiếc bàn hẹp và dài kê cạnh cửa sổ, một bình hoa sặc sỡ để ngay ngắn, sắc màu hãy còn tươi mới, có vẻ như chúng cũng chỉ vừa mới được cắm vào đây chưa được bao lâu. Tối hôm qua, mấy anh sinh viên năm cuối trong phòng đã tổ chức buổi liên hoan chia tay ra trường. Bữa nay họ đã về quê hết, chỉ còn mỗi mình anh Nam là ở lại, phần vì anh có công việc ở Hà Nội cần giải quyết, phần để đợi đến hôm nhận bằng tốt nghiệp luôn một thể. Cái quang cảnh có vẻ bừa bộn, hoang tàn của sự kết thúc ấy ngay lập tức lại được thay thế bằng cảnh tượng gọn gàng, sạch sẽ của một sự khởi đầu tuần hoàn mới. Các sinh viên năm nhất mới nhập học đã vào đây ở để thay thế những sinh viên sắp tốt nghiệp. Họ dọn vào đây đã được vài hôm, sau đợt tập dượt quân sự suốt cả tháng trời vừa qua. Lúc này đang là đầu giờ chiều, mấy thành viên trong phòng, người đọc sách, kẻ hí húi dán họa báo lên tường, người khác nữa thì lại đang lạch cạch đóng cái móc áo vào cạnh chỗ giường nằm của mình.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Năm tháng nhạt nhòa

 

     Vừa nhác trông thấy Phong lấp ló ngoài cổng, ông cụ liền ngừng tay và cất tiếng hồ hởi:

- Phong đó hả cháu? Sao sang muộn vậy?...

Dứt lời, ông đặt cái bình tưới nước xuống sân nghe đánh “cạch” một tiếng, rồi tất tả đi ra để mở cổng cho khách. Vốn quý mến Phong, cho nên mỗi lần thấy anh đến chơi, ông đều tỏ thái độ đón tiếp nhiệt tình như vậy. Bữa nay lạnh, ông cụ tùm hum trong chiếc áo khoác dạ màu đen, trên đầu, cái mũ len đội sùm sụp che đến gần hết cả vầng trán rộng. Cách ăn vận lùm xùm đó càng có cảm giác khiến cho ông trở nên thấp lùn hơn khi đứng bên cạnh một Phong cao lớn, lênh khênh.

- Cháu từ Hà Nội hay ở cơ quan sang?

Ông cụ lại hỏi trong lúc Phong dắt xe máy vào trong sân. Ông vẫn giữ được cái lối nói khiêm nhường quen thuộc mà nhiều lần anh đã từng được nghe ấy. Vùng này là ngoại thành, do cách xa trung tâm thành phố, cho nên dân địa phương vẫn tự nhận mình là người nhà quê. Đối với họ, vùng đất phía bên kia sông Hồng mới là thành phố, và những con người sống ở đó mới đáng được gọi là dân Hà Thành chính hiệu.

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Họa Sĩ trứ danh

      

Âu Dương vốn là một họa sĩ tài hoa, nhưng mãi đến năm sáu mươi tuổi mà vẫn chưa thể nào nổi danh được. Làng hội họa đã có quá nhiều những tên tuổi gạo cội, giữa muôn vàn tinh tú ấy, dĩ nhiên là chẳng mấy ai để ý đến một ngôi sao bé nhỏ đang khiêm nhường tỏa sáng ở bên ngoài bầu trời rộng lớn kia. Mặc dù sống bằng nghề vẽ và có danh xưng hẳn hoi, nhưng đối với giới họa sĩ, ông vẫn bị coi như là một kẻ ngoại đạo. Quy luật của nghề hội họa vốn khắc nghiệt, giá trị của những bức tranh luôn tỉ lệ thuận với với tên tuổi và sự nổi tiếng của tác giả đã vẽ ra nó. Lịch sử thế giới cũng không hiếm những trường hợp họa sĩ tài danh, nhưng chỉ sau khi chết đi thì tranh của họ mới trở nên đắt giá và được công chúng biết tới. Có phải người đời thờ ơ, hay là vị thần nghệ thuật đánh giá cái đẹp theo cảm tính hay không, mà những họa sĩ có tài nhưng vô danh như Âu Dương luôn phải chịu những sự thiệt thòi và bất công lớn như vậy. Tranh vẽ ra khó bán, đời sống của gia đình ông cũng vì thế mà hết sức khó khăn, khổ cực. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn vùng ngoại ô, họa sĩ Âu Dương cùng vợ con mình đã phải sống và trãi qua những tháng ngày đầy vất vả và gian nan ở đó. Vì không có tiền để thuê xưởng vẽ, ông sử dụng căn phòng khách để làm việc, ở đó ngoài bộ bàn ghế đơn sơ để tiếp khách, còn thì chỗ nào cũng thấy bày bừa bộn những giá vẽ, bảng màu và các bức tranh lớn nhỏ đủ mọi thể loại.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Một thủa yêu Đài

       

Con đường đất đỏ chạy quanh co, nom xa như một dải lụa màu nằm vắt ngang cánh đồng lúa chín vàng. Mặt trời đã khuất sau những rặng tre, không gian phút chốc trở nên bừng sáng trong ánh hoàng hôn rực rỡ lan tràn lên khắp mọi cảnh vật. Cánh đồng thôn đang vào vụ gặt, khắp đồng trên bãi dưới lúa trổ chín vàng, trĩu hạt, sai bông. Ở chỗ những đám ruộng vừa mới gặt xong, cò trắng, sếu và cả lũ chim se sẻ liền sà ngay xuống để nhặt những hạt rơi hạt vãi, chúng tranh giành thức ăn, quàng quạc gọi nhau ầm ĩ cả một vùng. Những người thợ gặt lúc này đã bắt đầu từ ngoài cánh đồng lục tục trở về trong thôn. Trên con đường đất đỏ bụi mờ, người, xe trâu, xe kiến an đi thành một hàng dài, chậm chạp và uể oải như một đoàn quân thất trận.

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Mẹ Kế

      Lão Vương vốn là một đại gia nổi tiếng ở làng Kẻ Sặt xưa nay. Lão giầu là nhờ của nổi của chìm từ đời cha ông để lại, chứ bản thân lão thì chẳng hề có nghề ngổng hay học vấn gì cao thâm cả. Ngày trước, lão chỉ học hết lớp ba trường làng,  đến khi biết được mặt chữ thì cha lão phải xin thầy cho nghỉ vì biết lão chẳng thể nào tu chí thêm được nữa. Do được thừa hưởng phúc ấm tổ tiên, lão có dư dả tiền bạc và sống một cuộc đời khá giả mà biết bao người phải mơ ước, thèm muốn. Cơ ngơi lão rộng đến vài mẫu ta, trên đó trồng nhãn và các loại cây ăn trái khác. Ngoài ra còn có vườn rau, ao thả cá và khu chăn nuôi riêng. Nhà cửa thì có thể nói là tòa ngang dẫy dọc. Vợ chồng lão ở trong một tòa biệt thự lớn kiểu Pháp thời xưa, được kiến trúc theo lối Gothic có pha trộn với văn hóa bản địa của người Việt ta. Cách đây mấy năm, lão cho trùng tu lại ngôi nhà, sơn mới, rồi lắp thêm cửa kính và điều hòa nhiệt độ. Tuy là cổ kim kết hợp, nhưng khi nhìn vào người ta vẫn thấy toát lên cái vẻ hài hòa, sang trọng của một công trình thế kỷ. Tòa nhà cổ là niềm tự hào của lão Vương, vì nó cho thấy mình vốn dòng dõi gia thế, chứ không phải như những gã nhà giàu hợm hĩnh mới nổi lên sau này. Vợ chồng lão ở đó và hưởng thụ cuộc sống thoải mái của mình, giữa một màu xanh ngăn ngắt của vườn cây ăn trái và tiếng chim hót rộn ràng vào mỗi buổi sớm mai. Nằm vuông góc với tòa nhà chính là dãy nhà ngang ba gian khá rộng quay lưng với con đường đi làm đồng của thôn, được dùng làm nơi ở cho vợ chồng anh con trai tên Công và hai đứa cháu nội. Ngoài ra trong khuôn viên còn có nhà bếp, nhà kho để chứa đồ nông cụ cũng như trái cây trong mùa thu hoạch và nhà ở cho đầy tớ nữa.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Lấy vợ chân dài

     Công bằng mà nói thì nhan sắc và hình thức mụ vợ nhà tôi cũng chỉ ở dưới mức trung bình mà thôi. Khuôn mặt mụ thô và tròn vành vạnh, nom cứ y hệt như là cái bánh đa nướng mà người ta vẫn thường hay bán ở ngoài chợ vậy. Đã thế, tạo hóa lại còn vẽ lên đó một đôi mắt cũng ­­to tròn, cái miệng thì rộng và ngoác ra đến gần tận mang tai. Các cụ ta đã đúc kết: “Đàn ông rộng miệng có tài, đàn bà rộng miệng điếc tai xóm giềng”. Tôi công nhận điều này đúng. Chẳng cần phải đợi đến láng giềng chịu đựng đâu, mà cái phần khổ ấy đã vận hết cả vào bản thân tôi rồi. Từ khi lấy mụ, cái tai của tôi phải nghe nhiều đến nổi bây giờ chẳng thể nào phân biệt được đâu là tiếng pháo nổ, đâu là tiếng chó sủa nữa. Thân hình mụ mủm mỉm, khó mà xác định được số đo vì nhìn từ trên xuống cứ đần đẫn và to bè một duộc như nhau. Có thể đó là do hậu quả của thói ăn tham, ăn nhiều quả báo mụ, khiến cho mụ có một cơ thể đồ sộ như thế. Nhưng cũng phải công nhận là mụ có một cặp chân dài rất đẹp. Mà đúng là đẹp thật, giống như chân của các hoa hậu hay là người mẫu đẳng cấp thế giới ấy. Chẳng hiểu nổi tại sao ông trời lại sinh ra cái sự oái oăm như thế, phải chăng như người ta vẫn thường nói là quy luật bù trừ đó chăng? Ông trời thì bù trừ cho mụ, nhưng đó lại mới chính là cái nguyên nhân gây ra nổi bất hạnh lớn lao của cuộc đời tôi.