Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Nhận Họ

   
     Xưa nay họ Mạnh Thường vùng Yên Châu vẫn bị thiên hạ cho là lạc loài mất gốc. Điều này khiến những người trong dòng họ cay đắng và phẫn uất lắm. Trưởng tộc Mạnh Thường Đức - vẫn quen gọi là Mạnh Đức – là người phải trăn trở nhiều hơn cả, vì chính ông là đại diện cao nhất đó vậy. Mỗi lần họp làng, mấy thủ chỉ trong vùng thường chê họ Mạnh là con hoang, cầu bất cầu bơ, ăn nhờ ở đậu. Trong khi những dòng họ khác như Phạm, Lê, Hoàng, Nguyễn… thì gốc gác hẳn hoi và có công lao khai phá vùng đất này. Những lúc như vậy, trưởng tộc Mạnh Đức như  bị xát muối trong lòng, chỉ muốn đất dưới chân tự dưng nứt toác ra để mà độn thổ đi cho rồi. Nhưng rồi ông cố nhịn nhục, vì ngẫm ra thì người ta nói cũng phải. Họ hàng mình đông đúc như ngày hôm nay, cũng phải có tổ tiên nguồn cội chứ, vì rằng:

Cây có gốc mới nẩy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

     Rồi ông quyết bạch hóa vấn đề gốc gác để mà thuyết phục thiên hạ, đồng thời hóa giải tiếng oan cho dòng họ mình.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Hiệp Sĩ thời đại

   
     Tiếng chim chuyền cành hót líu lo, khiến cho khu vườn yên ắng như bừng tỉnh. Ở những chỗ đất trống còn chưa kịp trồng trọt, mùi cỏ dại ngai ngái xông lên trong hơi sương ẩm ướt. Dưới gốc cây bưởi trổ hoa chúm chím, đàn gà con đang lích rích bới tìm thức ăn và chơi đùa. Lúc này chú Thanh ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn những đóa mẫu đơn mới nở ngoài vườn với một vẻ thích thú hiện rõ. Chủ nhân tay nâng chén rượu, lim dim đôi mắt mà khẽ ngâm bài thơ “Uống rượu ngắm hoa Mẫu đơn” của Lý Bạch:

                       “Hôm nay uống rượu ngắm hoa
                       Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
                      Chỉ e hoa nói nên lời
                      Em không phải nở cho người già nua”.

     Ngâm xong, chú lại nhấp thêm ngụm rượu, rồi vỗ đùi đánh bạch một cái mà nức nở:

     - Giỏi thay cho Lý Bạch! Thật xứng là tiên thơ lắm ru!…

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Khẩu chiến Quan Chức

     
Tại cơ quan nhà nước nọ, có hai vị quan chức tuổi sàn sàn nhau. Một vị có bằng tiến sĩ, còn vị kia thì chỉ học bổ túc văn hóa cấp ba. Có phải vì xuất thân khác nhau như vậy mà họ luôn hục hặc và khắc khẩu với nhau hay không, nhưng quả thực một người như đến từ sao kim, còn người kia từ sao hỏa vậy. Vị tiến sĩ người tầm thước, trắng trẻo và hồng hào, trán thì cao đến tận đỉnh đầu, trông rõ là trí thức. Hiện ngài tiến sĩ là “trưởng phòng tổ chức” của cơ quan. Còn ngài văn hóa bổ túc thì đang giữ chức “trưởng phòng nội vụ”. Không giống với ông tổ chức, ngài nội vụ có dáng thấp đậm và đen đúa, trán có u có sần, tai lại nhỏ và nhọn như tai chuột. Mới nhìn qua đã biết là xuất thân bần tiện. Vì vậy mà khi hai kỳ phùng địch thủ đứng cạnh nhau, càng làm nổi bật hơn cái sự bất công của tạo hóa.

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Tượng Di Lặc


   
Anh Phát vốn trước đây là lái xe cho giám đốc, bây giờ chuyển lên cơ sở mới này làm việc với chúng tôi. Công việc thường ngày của anh là lái chiếc xe tải chở hàng cho công ty. Bởi vì anh hoạt ngôn, lại hay tếu, cho nên mọi người thường tập trung nghe anh nói chuyện mỗi khi rỗi rãi. Dáng anh to béo như quan phụ mẫu xưa, da dẻ lại hồng hào, cái bụng núng nính thì chảy xệ những mỡ. Tính anh Phát điệu đà lắm, lúc nào người ta cũng thấy anh mang gương lược bên mình. Mỗi khi ra đường hay đi đâu, là y như rằng anh chải tóc lượn sóng kiểu như tài tử điện ảnh. Nhìn anh, người tín ngưỡng ngỡ là Phật Di Lặc, kẻ mê tín thì hình dung ra bà đồng cốt, còn người thực tế hơn lại thấy giống như một giám đốc thành đạt trên thương trường. Còn anh em trong công ty chúng tôi thì đặt hẳn cho anh một cái tên rất oách: Tượng Di Lặc - Vì cái dáng vẻ đường bệ vô song của anh mỗi khi an tọa.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Kiếp sau

Thức và Thùy Dung là đôi vợ chồng trẻ mới cưới, cuộc sống thường nhật rất mực gắn bó, yêu thương. Thức vốn là giáo viên cấp hai ở xã Thanh Hoa, sở dĩ ngày trước anh về đây dạy học là cũng bởi một phần duyên nợ với quê hương. Vì ở đó có Dung,  người con gái xinh đẹp, nết na đang chờ đợi anh. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông, đến khi Thức tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm trên tỉnh thì mới chính thức làm lễ kết hôn. Từ đó Dung buôn bán ở chợ, còn anh thì dạy học gần nhà. Hai người như đôi chim câu đẹp lứa, tháng ngày ríu rít bên nhau.

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Mỹ Nhân áo trắng


Trời nhập nhoạng tối, con đường trước ngõ lúc này chỉ là một dải nhờ nhờ, không còn nom rõ nữa. Trên mấy cành ổi trong vườn, lũ đom đóm đã bắt đầu chấp chới lập lòe như những ánh ma trơi. Văn Lang mang cái ghế tựa ra ngoài sân, ngồi dưới giàn hoa thiên lý để mà hóng mát một lúc. Gớm! Đang mùa hè nóng bức thế này mà lại mất điện. Ngoài trời gió thổi nhè nhẹ, không khí mát mẻ dễ chịu hơn khi ở trong nhà nhiều lắm. Ngôi nhà của Văn Lang nằm ở cuối xóm, đối diện là cánh đồng lúa xanh mướt, mênh mông. Lúc này trời đã tối hẳn, cảnh vật chìm trong bóng tối mịt mù. Tuy vậy nhưng anh vẫn chưa thắp nến lên, vì cứ muốn để như thế cho mát. Năm nay Văn Lang đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng người ta vẫn thấy anh ở vậy mà chưa chịu lập gia đình. Song thân của anh thì đều đã mất cách đây mấy năm. Lẽ thường, anh cũng phải tìm người để mà nâng khăn sửa túi và chăm lo gia đạo.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ông Trẻ


Vốn là con trai đầu của tộc trưởng họ Nguyễn, từ nhỏ Tế đã được mọi người hết mực nâng niu, chiều chuộng. Lớn lên trong môi trường chăm bẵm như thế, cậu bé Tế hiểu rằng mình là người quan trọng, là một “Tiểu Hoàng Đế” chứ chẳng chơi. Khi đã đủ lớn để hiểu những khái niệm về vai vế, thứ bậc thì cậu lại càng nhận rõ cái vị trí bất khả xâm phạm của mình. Trong cái họ Nguyễn này, rõ ràng là cậu không phải ở dưới bất cứ một ai cả, trừ bố cậu - người đang giữ chức trưởng tộc. Người ta gọi Tế là bác, là anh, còn cậu thì chỉ việc đón nhận nó như một lẽ hiển nhiên không thể khác. Rồi để có một cái danh xưng cho thống nhất, cả họ nhất trí gọi cậu là “Ông Trẻ”. Người ngoài cũng nhân đó mà gọi theo, vì thế mà cái tên đó cũng nhanh chóng được phổ biến và lan truyền với một tốc độ chóng mặt. Tế thích cái tên này lắm, nghe hay hay và quan trọng ra phết. Cậu đón nhận sự xun xoe, tâng bốc đó một cách thích thú, và cảm thấy mình thật là oai phong lắm.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Ngôi Mộ cổ


Bãi đất trống ngoài cánh đồng là nơi mà đám thiếu niên thường tụ tập để chơi trò đá bóng. Ở đây vắng vẻ, lại cách biệt xóm làng nên lũ trẻ được tha hồ vui chơi thỏa thích mà chẳng hề sợ bị người lớn rầy la. Trong đám này, Tân vốn là đứa nghịch ngợm nhất bọn, nhưng lại là một cậu học trò thông minh, đỉnh ngộ. Vì vậy mà trong các cuộc chơi, cậu luôn làm người chủ trò để mà dẫn dắt đám bạn của mình.

Cách sân bóng của lũ trẻ chừng vài trăm mét về phía tây có một ngôi mộ cổ, xung quanh được bao bọc bởi những đám cỏ và cây gai um tùm. Chẳng ai hiểu gốc tích của ngôi mộ, chỉ biết nó đã nằm đây từ rất lâu, ít nhất cũng có đến vài trăm năm rồi. Tường của ngôi mộ nứt kẻ, rễ cây leo bám được cả vào bên trong. Phía trước có mấy hàng chữ nho không còn rõ nghĩa, lại bị đám rêu che phủ hết cả. Vì cái vẻ hoang vu gai góc đó, mà xưa nay ít có ai dám bén mảng gần, ngay cả lũ trẻ cũng vậy. Nhiều đêm trời tối, từ trong làng nhìn ra ngôi mộ cổ, người ta vẫn thường thấy có một vầng hào quang chói lòa phát ra từ đó.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Chứng nhân số 8


Chồng Liễu chết cách đây hai năm trong một vụ tai nạn lao động, để lại mình với đứa con nhỏ đang tuổi đi học mẫu giáo. Mới ngoài ba mươi tuổi, nhan sắc của Liễu như một bông hoa đồng nội, duyên dáng và mặn mà. Gặp cô ngoài đường, lắm chàng trai chưa vợ thậm chí còn chết chê chết mệt cái sắc đẹp quyến rũ đó chứ chẳng phải chuyện đùa. Vóc dáng Liễu thon thả, khuôn mặt thanh tú với đôi môi đỏ chót, trông cô chẳng khác gì một thiếu nữ vừa mới bước ra từ trong tranh vậy. Thế nhưng người ta vẫn thấy Liễu ở một mình, chẳng hiểu vì sao mà chưa chịu đi bước nữa. Có lẽ cô ở vậy là để thủ tiết thờ chồng chăng?

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Từ nay tôi bỏ làm Thi Sĩ

Phong và tôi là bạn cùng lớp đại học, lại ở chung phòng ký túc xá cho nên chơi thân với nhau lắm. Chúng tôi rất hiểu nhau, ngay cả chuyện tình cảm của người này thì người kia cũng biết. Phong yêu Loan, cô bạn học hồi phổ thông, và bây giờ là trường Luật. Thú thực là tôi cũng chưa hiểu tình cảm mà Loan giành cho bạn mình ra sao. Nhưng một cách ngẫu nhiên mà tôi lại trở thành vị quân sư đắc lực trong chuyện tình này. Cũng vì tôi là người bạn thân nhất, hơn nữa lại được Phong tin cậy mà gửi gắm tâm sự.

Vì ở xa trường những hơn hai mươi cây số, cho nên hai chị em Loan trọ học, cuối tuần thì họ mới về nhà. Cô em ít hơn Loan vài tuổi, đang theo học một trường dân lập trong thành phố. Tuy có nhan sắc bình thường, nhưng tính tình Loan thùy mị, việc đối nhân xử thế lại càng hay. Phong yêu cô ấy cũng ở điểm này, chứ không phải vì những lý do nào khác. Cậu kể cho tôi nghe rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp giữa hai người. Hồi nhỏ nhà họ ở cạnh nhau trong một khu tập thể nhà nước. Còn bây giờ thì cả hai nhà đều đã dời đi, tuy không cách xa chỗ cũ là mấy.

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Rối loạn Triều Đình


Bà lão ngồi xuống ghế, bỏ cái nón lá ra khỏi đầu rồi bắt đầu kể lể, nước mắt vòng quanh:

- Khổ lắm cô ơi! Mấy bữa trước họ cho xe ủi và công an, dân phòng đến phá bỏ nhà tôi và mấy hộ xung quanh rồi. Còn chú em tôi và một nhà nữa thì vẫn đang cố bám trụ. Nghe nói là ngày hôm nay họ lại sẽ kéo đến để giải tỏa nốt. Vợ chồng tôi đã già, bây giờ phải mang đồ đạc đến ở nhờ chỗ đứa cháu họ. Ông lão nhà tôi thì sức yếu lắm, lại bị rối loạn Triều Đình - Bà lão vẫn hay nhầm với rối loạn Tiền Đình cho nên thi thoảng lại bị choáng và ngất, phải cấp cứu suốt đó cô...

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Diêm Vương bắt lính


Đà Sơn vốn là một vùng đất đai trù phú, phồn thịnh quanh năm. Vùng này có ba thôn kề nhau, nằm dọc bờ con sông Cả, rồi kéo dài đến tận đồi Mưng. Cư dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp và đánh cá ven sông. Đồi Mưng thoai thoải, cây cối rậm rạp mọc lan ra cả đến bờ sông. Trên đó có một ngôi đền cổ, được xây dựng cách nay đã hơn ba trăm năm, để thờ vị thần trấn giữ vùng này. Vì vậy mà người ta vẫn quen gọi là đền Mưng. Gần đến đồi thì nhà cửa thưa thớt dần, phần vì hoang vu, phần vì cái vẻ linh thiêng vốn có của khu đền.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Bóng Ma bên thềm


Hoan mãi miết đi men theo con đường đất gập ghềnh, chiếc đèn ắc quy trên tay anh tỏa ra những quầng sáng đỏ nhờ, lắc lư theo từng nhịp bước. Tiết trời mùa Thu, bóng tối đặc quánh như bủa vây lấy người và ngọn đèn bé nhỏ vào giữa lòng đêm vô tận. Gió rít qua kẽ lá từng đợt, lạnh lẽo và thê lương. Đã gần ba giờ sáng, lúc này anh phải đi nhanh để còn đến nghĩa địa cho kịp lúc bốc mộ mẹ. Theo như lời thầy địa lý, giờ cát là từ ba đến bốn giờ sáng trong ngày.

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Bến đò Lau

Hôm nay đã là hai ba tháng chạp, ngày Ông Táo về trời. Ông Năm đang hì hụi chuẩn bị đồ đoàn để cho cậu cả Thanh về quê cúng tổ tiên. Năm nào cũng vậy, cứ đúng ngày này thì ông lại khăn gói về quê thăm họ hàng chú bác. Sau khi chu toàn mọi việc đâu đấy rồi, ông mới lại quay về để lo đón tết cùng với gia đình. Năm nay vì sức khoẻ yếu nên ông để cho cậu con trai cả về quê một mình, cũng là để cho nó quen với chuyện họ hàng mà thay mặt mình sau này vậy. Tuy đã hai mươi tám tuổi, nhưng cậu cả Thanh vẫn chưa chịu lập gia đình. Ông Năm sốt ruột lắm, nhờ người mai mối đông tây để cho cậu yên bề gia thất. Dù sao ông cũng là người xa quê, cần sớm có cháu chắt cho đông vui cửa nhà. Quê ông ở dưới đồng bằng, cách đây những hơn ba mươi cây số lận. Cả nhà lên khai hoang vùng đồi núi này đã mười bốn năm trời, nay cũng tạm ổn định mọi bề. Ở đây đồi núi chập chùng, quê hương khuất bóng non ngàn, nhưng đối với ông thì quê cha đất tổ bao giờ cũng gắn bó thiêng liêng trong tâm thức.