Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Hương Học Trò

Trên những cành cây lung linh sắc nắng, Phượng đã nở đỏ rực cả khung trời như thắp lửa. Khắp chốn, lũ ve sầu đang cùng nhau tấu lên khúc nhạc mùa hè rộn rã. Những thanh âm ấy như giục dã lòng người, như không ngừng nhắc nhở ta về vòng quay của thời gian vô tận. Ngày mai đây, chỉ còn một buổi cuối cùng nữa là kết thúc năm học rồi. Với Minh, tuổi học trò vậy là đã lùi vào dĩ vãng, chính thức khép lại mười hai năm miệt mài đèn sách của anh. Mấy bữa nay, lên lớp ai cũng nói chuyện tương lai và những dự định cuộc đời. Người ta trao cho nhau cuốn sổ lưu niệm, để ghi lại những cảm xúc, những nét chữ quen thuộc của bạn bè thân thương. Hôm qua trong lớp học, anh thấy Yến Nhi nhìn mình khác lắm. Đôi mắt đen láy của cô như xoáy vào tâm can anh, như dường ẩn chứa một nổi niềm sâu kín còn chưa kịp tỏ bày, thổ lộ.

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Công dụng của chiếc Ống Khói

Mấy bữa nay, sáng nào Việt cũng ngồi yên lặng trên chiếc ghế bành đặt cạnh cửa sổ để mà ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài một lúc. Đôi mắt đen buồn rầu, như thể đang lơ đãng đếm từng giọt thời gian chầm chậm qua đây. Trên khuôn mặt nâu sạm và khắc khổ ấy, hiện lên một vẻ cam chịu thường trực, cũng có thể là sự khuất phục trước số phận nghiệt ngã đang không ngừng đeo bám lấy anh. Qua ô cửa sổ, cái khung cảnh quen thuộc lại hiện lên như một bức tranh thiên nhiên sống động. Vẫn là những ngôi nhà đối diện với cái ống khói cao vút phía trên mái, thấp thoáng sau đám cây sồi cao lớn lực lưỡng. Con đường nhựa phía trước chạy ngoằn ngoèo như một nét vẽ, mà chính anh cũng chẳng thể nào biết được là chúng sẽ dẫn đến những đâu. Hình ảnh khiến anh cảm thấy ấn tượng và gợi nhớ quê nhà nhất, ấy là những hàng rào bằng gỗ chỉ cao ngang tầm thắt lưng, được người ta dựng lên để ngăn cách các khu vườn với nhau. Dường như sự khác biệt giữa các quốc gia chỉ hiện diện ở những thành phố lớn, còn khung cảnh thôn quê thì nơi đâu cũng vậy, thơ mộng và yên bình. Vùng này cư dân thưa thớt, thường thì những ngôi nhà cách xa nhau cả một bãi cỏ rộng thênh thang, vì vậy mà ít có sự qua lại giữa hàng xóm láng giếng với nhau lắm. Thời tiết lạnh khiến cho vũng nước trước nhà bị đóng băng, lúc này như một tấm gương phản chiếu lấp lánh những tia nắng mặt trời hiếm hoi màu vàng nhạt. Bầu trời mùa đông u ám, cảnh vật chìm trong màn sương trắng xóa, bồng bềnh như đang trôi trong mây.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Mối tình Quê

Màn sương đang lãng đãng tan dần trên những ngọn đồi nhấp nhô của miền trung du. Phía dưới triền đồi, chỗ đám cây keo lá tràm và cây bạch đàn đua nhau mọc san sát, sương trắng bồng bềnh trôi xuống thấp, rồi bắt đầu lan tỏa vào những ngõ ngách của xóm thôn gần đó. Xóm Trại giờ đây được bao phủ bởi một làn sương mỏng đang là là bay, cảnh vật phút chốc trở nên mơ màng, ẩn hiện như trong mơ. Sương chuyển động nhẹ nhàng trên những mái nhà rêu phong, quấn quýt bên hàng cây Duối cổ thụ nơi bãi đất trống cuối làng. Một lúc thì hơi sương cũng nhạt bớt, rồi dần nhường chỗ cho ánh ban mai xuất hiện và chiếm lĩnh các tầng không gian.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Người Họa Sĩ già


Khánh dừng lại chỗ phòng tranh bên đường, rồi cứ thế mà tần ngần đứng ngắm hồi lâu. Những bức họa khổ lớn vẽ phong cảnh đồng quê được dựng ngay trước cửa đã cuốn hút lấy tâm trí anh. Nét vẽ thật đẹp và tài tình, nếu không tinh ý, người ta dễ mà nhầm tưởng rằng nó đã được chụp bởi một loại máy ảnh hiện đại của thời nay. Đường nét sắc sảo, màu sắc lại hài hòa, cứ như thể là bê nguyên cả phong cảnh thật ở bên ngoài mà đặt vào trong tranh vậy. Phía trên lại treo thêm mấy bức tranh cỡ nhỏ vẽ hoa lá, chim muông cũng hết sức tự nhiên và sinh động. Chẳng khác nào hoa kia đang nở, còn chim chóc thì bay nhảy và ca hót líu lo vậy. Cạnh đó, còn có cả những bức thư họa được viết bằng lối chữ bay bổng rất chi là đẹp mắt nữa. Vốn cũng là người yêu nghệ thuật, Khánh cứ tấm tắc mà thán phục cái tài năng vẽ tranh của người họa sĩ hoài. Từ chỗ hâm mộ như thế, tự nhiên anh lại tò mò muốn biết xem danh tính đích thực của chủ nhân phòng tranh kia là ai. Khánh đưa mắt nhìn quanh, rồi bất chợt dừng lại ở tấm biển được treo ngay ngắn phía trên cao: “Họa sĩ Trúc Mai”.

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Hoa nở bên Đồi


- Cô Thu vừa ra trường, mới về đây dạy được một tháng nay có phải không? – Ông trực trường(1) vừa nhìn chằm chằm vào người khách vừa dò hỏi.

- Dạ phải đó bác!

- Vậy anh hãy ngồi đây chờ. Lát nữa đến giờ ra chơi tôi sẽ vào gọi dùm cho – Ông chìa tay về phía khách, giọng vui vẻ. Một thái độ xuề xòa, thể hiện cái bản tính hiếu khách vốn dĩ của người miền núi mà ta vẫn thường thấy.

Phương lịch sự ngồi xuống chiếc ghế đẩu duy nhất trong phòng dành cho khách, lòng những phấp phỏng, bồn chồn. Lúc này anh mới có thời gian để ý đến mọi thứ trong phòng và cả người ngồi đối diện với mình nữa. Ông trực trường là một người đã lớn tuổi, tuy cái dáng vẻ bề ngoài gầy gò nhưng nom vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Trên mình ông mặc một chiếc áo Bờ lu dông(2) màu xanh đậm có hai túi trước ngực, loại áo giống như của những người công nhân vẫn thường hay mặc mỗi khi làm việc trong công xưởng.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Hàng Bánh Đa

Cửa hàng mậu dịch quốc doanh là một dãy nhà hai tầng đồ sộ, nằm án ngữ ngay giữa ngã tư của thị tứ đô hội. Đằng xa từ mọi hướng, người ta đã có thể nhìn thấy tòa nhà màu trắng xám trầm mặc nhô ra, nom y hệt như là một con tàu khổng lồ đang bị mắc cạn vậy. Tầng một phía dưới rộng hơn một chút, còn tầng hai thì lại thụt vào bên trong và được lợp ngói âm dương kín kẽ. Chỗ nhô ra phía dưới cũng chính là một dãy hàng hiên, được lợp mái cẩn thận và chạy dọc suốt tòa nhà. Kiểu thiết kế đó rất thuận tiện, vì người ta có thể thoải mái đi lại hay ngồi đợi ngoài hiên mà không còn phải sợ bị mưa, nắng làm phiền. Ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc kiểu Pháp, vì hồi Pháp thuộc, đây vốn là trụ sở của huyện đường.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Những cánh Thư yêu



(Viết tặng những thế hệ xưa cũ, thời mà người ta vẫn còn yêu nhau qua những lá thư tay).
_________________________________________

Trang từ từ rảo bước đến chỗ chiếc thùng đựng thư quen thuộc ngay trước cổng bưu điện. Chiếc thùng sắt màu vàng nhạt, được gắn trên cái cột cao không đến đầu người, phía trên có một khe hở bằng đốt ngón tay để bỏ thư. Lấy ngón tay khẽ nâng nhẹ tấm che để cho khe hở lộ ra, rồi cô cẩn thận bỏ thư vào bên trong. Vậy là từ lúc này, lá thư sẽ bắt đầu một cuộc hành trình vạn dặm, với sứ mệnh chuyên chở yêu thương của cô tới anh. “Hôm nay là chủ nhật, có lẽ ngày mai đầu tuần họ mới chuyển thư đi” – Cô nghĩ thầm, rồi quay gót trở ra. Có tiếng còi xe xin đường, cô vội tránh sang mép bên kia rồi chậm rãi đi về nhà. Đoạn đường từ bưu điện về nhà Trang chỉ chừng vài trăm mét, với những hàng sách và quán giải khát chật hẹp, khiêm nhường nép sát vào nhau. Khoảng giữa phố, có một cái quán điện tử ồn ào, mà bất cứ lúc nào đi qua, cô cũng đều nghe thấy âm thanh trò chơi và tiếng cãi nhau ì xèo của lũ trẻ từ trong đó vọng ra. Dọc hai bên đường, những cây bằng lăng xanh tốt được trồng thẳng lối. Để rồi cứ mỗi độ hè về, những cánh hoa mỏng manh lại đua nhau nở rộ trên cành, tím biếc cả một khung trời. Cái sắc hoa xao xuyến ấy, dễ khiến cho người ta bồi hồi liên tưởng về những năm tháng mộng mơ của tuổi học trò đã qua. Đoạn đường giờ đây đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với cô, ít ra là từ khi yêu anh. Cứ vài tuần một lần, cô lại đi bộ đến bưu điện để gửi thư cho anh, những bức thư chứa đựng tình cảm yêu thương sâu kín, và cả những thông tin cần thiết để anh có thể hình dung được về cuộc sống của cô nơi đây. Cũng có đôi lúc đi công việc, nhân tiện cô ghé qua bưu điện rồi dừng xe lại ở đó để mà bỏ thư.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Sen tỏa Thiền Môn


Văn Nhân nghỉ làm việc nhà nước để trở về quê đã được mấy năm nay. Sự thể do ý nguyện chứ chẳng phải hưu trí gì cả, vì bản thân anh vẫn còn đang là một người trẻ. Cũng không có lương thướng hay chế độ đãi ngộ nào khác, đơn giản anh nghỉ việc chỉ vì muốn tránh xa cái chốn nhiễu nhương thế sự mà thôi. Hơn nữa, anh không còn cảm thấy hứng thú với cái nghiệp công chức, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, có nghĩa là đã mãn duyên rồi vậy. Từ đó Văn Nhân vui thú điền viên, lúc rảnh rỗi thì sáng tác văn chương và thơ phú để giải phiền.

Cũng phải để người nhà giục dã mãi, Văn Nhân mới chịu cưới vợ vài năm trước đây, khi anh đã ngoại tứ tuần. Đức thánh Khổng Tử có nói: “Ba mươi tuổi mà chưa lấy vợ thì không nên lấy vợ nữa. Bốn mươi tuổi mà chưa làm quan thì không nên làm quan nữa”. Anh nghỉ việc, không làm quan thì đã rõ rồi, nhưng vợ thì vẫn lấy, cho dù là có hơi muộn màng. Cũng vì chuyện này, đôi khi anh lại mỉm cười mà tự nhủ: “Như thế là mình cũng chỉ có thể thực hiện được một nửa lời dạy của cổ nhân thôi đấy”.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Quê Ngoại


Ba mẹ tôi ít khi kể cho con cái nghe về đằng ngoại cũng như chuyện tình yêu hồi trẻ của hai người. Vì thế mà ký ức của tôi đối với quê ngoại chỉ là những lần được cùng ba mẹ lên thăm bà khi còn nhỏ. Ngày đó, mỗi khi về ngoại, ba thường đèo hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ của gia đình. Vòng quay chậm rãi của chiếc bánh xe cứ thế nhẹ nhàng đưa chúng tôi lướt qua những khung cảnh nên thơ suốt cả chặng đường dài.

Trước mỗi chuyến đi xa, ba tôi vẫn thường có thói quen chăm sóc cẩn thận cho chiếc xe đạp màu xanh của ông, vốn là phương tiện giao thông phổ biến thời bấy giờ. Ba dắt xe ra sân, dựng chân chống nghe đánh cạch xuống nền gạch, rồi ngồi lui cui mà miệt mài sửa chữa. Việc đầu tiên là ông kiểm tra lại hệ thống phanh cho an toàn. Với một sự tập trung cao độ, tay trái ông bóp hai má phanh cho sát vào vành xe, trong khi tay kia thì cầm cà lê để mà siết chặt lại chiếc đinh ốc nhỏ xíu. Sau khi tra xong dầu mỡ cho chiếc xe, ông cầm Pê Đan(1) quay mạnh ra phía sau để cho dầu bám đều lên xích. Chiếc Pê Đan cứ thế mà quay thành vòng tròn, tiếng líp kêu ro ro nghe êm tai. Để đảm bảo tải trọng cho xe, ông mang bơm ra, vặn chặt vòi vào van rồi bơm cho hai chiếc lốp thật căng hơi. Vậy là chiếc xe được bảo dưỡng xong, giờ đây nó đã sẵn sàng cho mọi cuộc hành trình theo ý muốn của chủ nhân. Ba tôi lấy giẻ lau hai bàn tay vào nhau với một vẻ hài lòng, đoạn đứng thẳng người lên, gọi với vào trong nhà:  

- Hai đứa có lên bà ngoại chơi với ba không nào?