Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Bảo tồn Cổ Vật


Nền Văn hóa của một dân tộc vốn vẫn được biểu hiện dưới dạng Vật thể và Phi vật thể. Những giá trị hiện hữu có thể nhìn thấy như nhà cửa, kiến trúc, đồ vật thì gọi là vật thể, còn như âm nhạc, văn học, phong tục tập quán thì gọi là phi vật thể vậy. Nghiên cứu văn hóa, người ta sẽ biết được lịch sử dân tộc đó như thế nào, đời sống tinh thần ra làm sao. Cho nên, các giá trị văn hóa vẫn luôn được coi là quốc hồn quốc túy.

 Xa xưa, sau khi quốc gia này đánh bại quốc gia khác, họ mang các linh vật của dân tộc đó về nước. Làm như vậy, nền văn hóa đó coi như đã mất gốc, sẽ dễ bề bị đồng hóa. Vậy nên, song hành với việc bảo vệ lãnh thổ, dân tộc nào cũng phải bảo tồn nền văn hóa của mình, vì rằng “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất, dân tộc mất”. Nước Việt ta bốn ngàn năm lịch sử, vì vậy mà văn hóa rất phát triển, cổ vật cũng nhiều.

Về sau, các nhân vật tiếng tăm hoặc tài phiệt thường có thú sưu tầm đồ cổ để trưng bày, như là một biểu tượng của sự thành công mỹ mãn. Vì rằng, tiền có thể kiếm được, còn báu vật thì vô giá. Cổ nhân nói quả không sai, phú quý thì sinh lễ nghĩa. Vì thế mới nảy sinh ra cái nạn buôn lậu đồ cổ. Đồ vật niên đại lâu càng có giá trị, dĩ nhiên là còn tùy thuộc vào mức độ tinh xảo và quý hiếm nữa. Các quốc gia đều đặt nạn buôn lậu đồ cổ ra ngoài vòng pháp luật, vì vậy mà người ta chỉ còn cách lấy cắp cổ vật mà thôi.

o0o

Ở làng Đạo Hạnh, có một ngôi chùa tên là “Linh Nghiệm”, xưa nay vốn nổi tiếng linh thiêng. Chùa nằm ở rìa thôn, có lối kiến trúc chữ Công, phía trước lại được án ngữ bởi cổng tam quan bề thế. Tuy to lớn như vậy, nhưng chùa chỉ có sư cụ trụ trì và vài tăng ni, cho nên không thể nào mà trông coi cho xuể. Người ta đồn rằng, nơi đây lưu giữ một pho tượng phật, vốn là bảo vật quốc gia từ thời nhà Lý, ngoài ra còn có nhiều báu vật khác nữa.

Sở dĩ chùa có tên như thế, vì nếu ai mất đồ mà đến đây cầu khấn, thì bằng một cách nào đó, vật lại trở về với chủ cũ. Cứ như là có thần phật phù hộ vậy. Bà kia đánh rơi cái nhẫn vàng gia truyền, hớt hải tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng. Sau khi cúng ở chùa Linh Nghiệm về, một hôm trong khi làm vườn, tự nhiên bà thấy vật gì đó lấp lánh dưới luống khoai, nhìn kỹ thì hóa ra là cái nhẫn của mình. Bà mừng rỡ, rồi cứ thế đứng giữa vườn rau mà chắp tay bái tạ thần phật lia lịa. Nhà nọ cũng ở ngay trong làng, bị mất một con Trâu cày. Hai ông bà chủ buồn lắm, vì con Trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông mà. Tuy không có hy vọng gì, nhưng họ cũng bảo nhau sắm sanh lễ vật để đến chùa Linh Nghiệm. Tối hôm sau, trong lúc cả nhà đang ngủ thì nghe nghe có tiếng chó sủa dồn dập phía chuồng Trâu. Hai ông bà vội cầm đèn ra soi thì thấy chú Trâu nhà mình bổng đâu như trên trời rơi xuống, đang đứng cọ cọ cái sừng vào chuồng mà đòi ăn. Chính vì những câu chuyện mang màu sắc huyền bí như vậy, cho nên chùa Linh nghiệm ngày càng trở nên nổi tiếng khắp nơi.

Trước vấn nạn mất cắp cổ vật nhiều như hiện nay, các cụ già ở thôn Đạo Hạnh cũng trăn trở lắm. Vì tầng lớp cao niên bao giờ cũng sốt sắng với công việc bảo tồn vốn cổ ông cha để lại. Các cụ họp với nhau, rồi bàn về việc thành lập một tổ canh gác, gọi là “Đội bảo vệ cổ vật”, gồm có mười thanh niên trai tráng. Đội này sẽ do cụ Phạm Tăng - một người vốn nổi tiếng là mưu lược và can đảm xưa nay - phụ trách. Theo kế hoạch, ngày nào cũng sẽ có ít nhất vài ba thanh niên canh gác tại ngôi Chùa.

Hôm thành lập “Đội bảo vệ cổ vật”, dưới gốc cây đa cổ thụ trong sân chùa, ngay trước mặt sư cụ và toàn thể bà con thôn Đạo Hạnh, cụ Phạm Tăng dõng dạc tuyên bố:

- Thưa toàn thể bà con! Chùa Linh Nghiệm vốn gắn liền với lịch sử của thôn ta. Vì vậy, bảo vệ cổ vật của chùa cũng chính là bảo vệ văn hóa và lịch sử địa phương. Từ nay, chúng tôi tuyên bố thành lập “Đội bảo vệ cổ vật”, bao gồm có mười thành viên!…

o0o

Phía bên kia cánh đồng có một thôn gọi là Tây Sở, từ bên này có thể nghe được tiếng chuông gióng dả của chùa Linh nghiệm mỗi ngày. Trong thôn có hai tên trộm chuyên nghiệp là Sếu và Vạc. Sếu thì cao lêu đêu như cây sào, hai cẳng tay dài ngoẳng, mặt lúc nào cũng đỏ phừng như say rượu. Vạc tuy nhỏ con nhưng lanh lợi, chỉ cần người ta sơ ý, trong nháy mắt là hắn đã có thể thó được đồ rồi chuồn đi lúc nào mà không ai hay. Cặp mắt hắn trắng dã, láo liên, rõ là phường gian manh. Chùa Linh Nghiệm ở ngay cạnh, lại có bảo vật quốc gia, dĩ nhiên là miếng mồi ngon của chúng. Sếu và Vạc đã để ý rình mò từ lâu, ngặt vì lúc nào chùa cũng có người canh gác nên chưa thể ra tay được. Dịp này, chúng bàn với nhau sẽ lấy trộm cổ vật ở chùa Linh Nghiệm để mà bán lấy tiền tiêu tết.

 Tại thôn Đạo Hạnh, lúc này các cụ cao niên đang tập hợp “Đội bảo vệ cổ vật” để mà giao nhiệm vụ:

- Tháng này là tháng củ mật, bọn đạo chích cũng thường hoạt động mạnh vào dịp này. Cho nên chúng ta cần phải hết sức đề phòng. Đặt biệt là công tác bảo vệ chùa Linh Nghiệm. Từ nay, các anh trong “Đội bảo vệ cổ vật” không được rượu chè mà trễ nãi việc phòng bị, lúc nào cũng phải có người canh gác tại chùa. Khi phát hiện kẻ gian đột nhập, lập tức đánh kẻng báo động ngay!...

Tất cả đồng thanh hô: Rõ.

Nhận được mệnh lệnh, đội bảo vệ thường xuyên túc trực tại chùa, mà không một phút giây lơ là.

Hôm ấy là ngày hai sáu tết ta, một tay trong “Đội bảo vệ cổ vật” có thịt con lợn nhà để bán. Có rượu và đồ nhắm ngon, cả bọn liền rủ nhau tập trung tại nhà tên này để mà ăn nhậu. Mặc dù có nhớ lời các cụ cao niên dặn, nhưng vì không thể cưỡng được cái thú đàn đúm, cho nên chúng đành nhắm mắt mà phá lệ. Tuy nhiên, chúng cũng cử một tên không biết uống rượu ra gác chùa. Để khỏi thiệt thòi, tên này cũng được bọn kia mang cho một đĩa nhậu kèm với be rượu. Tiết trời hiu hiu, cảnh chùa lúc này thanh vắng không một bóng người. Buồn tình, hắn chui vào chỗ đống rơm cạnh bờ tường mà rót rượu ra uống và nhắm với món lòng lợn. Vì tửu lượng thấp, nên uống được nửa be thì hắn liền lăn ra ngủ mê mệt, lại còn kéo cẩn thận rơm phủ kín khắp để mà nằm cho ấm.

Rình mò đã lâu, lúc này Sếu và Vạc thấy chùa không có người gác như mọi hôm, liền nhanh chân đột nhập vào. Sau khi đi qua dãy hành lang, chúng lẻn ngay vào trong chính điện. Lúc đầu, Vạc đứng ở cửa gác cho Sếu vào lấy. Sau rồi thấy không có ai, hắn cũng vào vơ vội được một cặp chân đèn.

Lấy trộm cổ vật xong, hai tên trộm vội vàng chuồn ra khỏi chùa, rồi cùng nhảy qua con mương cạn để quay trở về làng. Sếu cầm trên tay bức tượng Phật nhỏ bằng đồng, hai con Nghê và một Lư hương cổ quý hiếm khác. Vạc vì đứng gác, lại vội vàng cho nên chỉ lấy được cặp chân đèn, chẳng hiểu có phải là đồ cổ hay không nữa. Rõ ràng là số đồ cổ mà Sếu lấy được có giá trị hơn rất nhiều.

Sợ có người đuổi theo nên Sếu thoăn thoắt đi trước, còn Vạc thì lầm lũi bước theo.

Thấy đồng bọn không đả động gì đến chuyện ăn chia, Vạc mặc cả:

- Tiền chia đôi đó nhé!

Lòng tham nổi lên, Sếu trả lời dấm dẳng:

- Của ai thì người đó bán lấy tiền! Không chia với chác gì hết!...

Nghe vậy, Vạc điên tiết nghĩ bụng “Mình canh gác cho nó vào lấy báu vật. Vậy mà bây giờ nó lại trở mặt. Đúng là đồ tham lam mà!”. Rồi không còn nhịn được nữa, hắn liền ném đôi chân đèn xuống ruộng, quát lên:

- Đừng có mà nuốt lời nhé! Có chịu chia không thì bảo?...

Sếu cũng trợn mắt:

- Không chia đấy! Mày làm được gì ông nào?

Thế rồi hắn cũng quẳng mấy món đồ lấy được xuống dưới chân ruộng, cùng xông vào mà ẩu đả. Cuộc chiến của lòng tham cứ thế diễn ra kịch liệt, bất phân thắng bại.

Lại nói về tên gác trong chùa, lúc này vừa mới tỉnh rượu mà lóp ngóp bò dậy. Bất giác hắn thấy có hình thù gì đó chuyển động phía bên kia bờ mương như luyện võ. Sau khi dụi mắt để nhìn cho kỹ, hắn nhận ra có hai người đang đánh nhau chí tử bên bờ ruộng. Nghi là có trộm, hắn liền lập tức đánh kẻng báo động. Thế là dân làng ùa ra, bắt trói được cả Sếu và Vạc, lúc này vẫn đang ôm nhau vật lộn mà không còn biết gì đến trời đất gì xung quanh cả.

o0o

Sếu và Vạc lúc này mình mẩy lấm lem bùn đất, cùng tang chứng vật chứng bị người ta đưa vào trong chùa, rồi giải đến trước mặt sư cụ.

Nhìn hai tên trộm đang bị trói giật cánh khuỷa, sư cụ từ tốn hỏi:

- Mô Phật! Hai thí chủ ở đâu mà lại vào Chùa ăn cắp bảo vật thế này? Thí chủ có biết làm như vậy là có hại cho quốc gia lắm không?

Sếu và Vạc sợ hãi muôn phần, quỳ xuống van lạy:

- Dạ! Chúng con trót dại. Xin sư cụ tha cho! Chúng con xin thề, từ nay sẽ không bao giờ dám làm như vậy nữa!...

Được người ta cấp báo, lúc này cụ Phạm Tăng đã hộc tốc có mặt. Cụ sốt sắng rẽ đám người hiếu kỳ đang vây quanh, bước vào tận bên trong để nhìn cho rõ mặt hai tên trộm.

Sau khi vểnh bộ râu dài kiêu dũng nhìn khắp lượt mọi người, rồi với một vẻ mặt không thể oai phong hơn, cụ Phạm Tăng thét lớn:

- Đội “Bảo vệ cổ vật” tập hợp!

Mười tên trong đội lập tức đứng sắp thành hàng ngang ngay ngắn.

Cụ Phạm Tăng nhanh nhẹn đi duyệt một lượt trước hàng quân, ra lệnh:

- Giải hai tên trộm cổ vật này lên huyện. Cho chúng nó ở tù mọt gông, để từ nay không còn dám dòm ngó bảo vật quốc gia nữa mới thôi!

Cả đội dập chân đánh cộp, đồng thanh hô: “Rõ”.

Bấy giờ nhà sư mới chậm rãi bước ra, chắp tay mà rằng:

- Mô Phật! Tham, sân, si vốn là tật xấu của chúng sinh. Đức Phật vẫn luôn mở rộng cửa từ bi, hướng người ta đến cõi thiện. Nhà Chùa ghi nhận công lao của cụ Phạm Tăng cũng như “Đội bảo vệ cổ vật” đây, nhưng xin các vị hãy từ tâm mà tha thứ cho hai kẻ lỗi lầm. Vì xem ra chúng cũng là người biết phục thiện, lại đã trao trả đầy đủ cổ vật, chưa có thất thoát gì. Đừng giải lên Công An để họ phải ngồi tù mà tội nghiệp. Xin các vị hãy nể tình bần tăng! Mô Phật!

Nghe sư cụ nói thế, cụ Phạm Tăng đành phải quyết định tha cho hai tên trộm, mặc dù trong lòng vẫn còn hậm hực lắm. Sếu và Vạc thì quá đổi vui mừng, bấy giờ chúng chỉ còn biết nước mắt ròng ròng mà vái lạy sư cụ như tế sao.

Thấy mọi chuyện đã kết thúc, dân làng lại rộ lên mà rủ nhau giải tán. Trên đường về, họ kháo với nhau rằng, cũng may hai tên trộm không thỏa thuận được cái khoản ăn chia mà đánh nhau. Chứ nếu sau khi lấy được cổ vật, chúng nhanh chân cao chạy xa bay, có lẽ là hồn thiêng sông núi rồi sẽ phải lưu lạc ở một nơi nào đó xa xôi trên quả địa cầu này ấy chứ.