Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Năm tháng nhạt nhòa

 

     Vừa nhác trông thấy Phong lấp ló ngoài cổng, ông cụ liền ngừng tay và cất tiếng hồ hởi:

- Phong đó hả cháu? Sao sang muộn vậy?...

Dứt lời, ông đặt cái bình tưới nước xuống sân nghe đánh “cạch” một tiếng, rồi tất tả đi ra để mở cổng cho khách. Vốn quý mến Phong, cho nên mỗi lần thấy anh đến chơi, ông đều tỏ thái độ đón tiếp nhiệt tình như vậy. Bữa nay lạnh, ông cụ tùm hum trong chiếc áo khoác dạ màu đen, trên đầu, cái mũ len đội sùm sụp che đến gần hết cả vầng trán rộng. Cách ăn vận lùm xùm đó càng có cảm giác khiến cho ông trở nên thấp lùn hơn khi đứng bên cạnh một Phong cao lớn, lênh khênh.

- Cháu từ Hà Nội hay ở cơ quan sang?

Ông cụ lại hỏi trong lúc Phong dắt xe máy vào trong sân. Ông vẫn giữ được cái lối nói khiêm nhường quen thuộc mà nhiều lần anh đã từng được nghe ấy. Vùng này là ngoại thành, do cách xa trung tâm thành phố, cho nên dân địa phương vẫn tự nhận mình là người nhà quê. Đối với họ, vùng đất phía bên kia sông Hồng mới là thành phố, và những con người sống ở đó mới đáng được gọi là dân Hà Thành chính hiệu.

- Dạ! Cháu mới vừa từ bên Hà Nội sang! – Phong bật chân chống xe xuống sân, rồi mỉm cười, từ tốn đáp – Cháu về Hà Nội từ hôm thứ bảy, xong việc ở bên đó rồi mới lại sang đây.

- Vậy hả! – Ông cụ cười cười, tay vẫn không ngừng đưa đi đưa lại cái bình tưới có gắn vòi hoa sen. Những tia nước li ti bắn ra làm ướt đẫm những cây hoa quỳnh, cây lan và đám bonsai trong chậu. Dưới sức nặng của những giọt nước trong suốt, những chiếc lá non tơ xao động như đang run rẩy trong cơn gió lạnh của buổi chiều đông.

- Chú tưới cây ạ? – Phong hỏi chiếu lệ, rồi lại lặng im đứng xem ông cụ làm việc.

- Ờ! Niềm vui tuổi già mà cháu! Nghỉ hưu, cũng chẳng biết làm gì cho khuây khỏa! – Áng chừng còn định nói thêm điều gì nữa, nhưng rồi nghĩ sao đó, ông lại im lặng và cúi xuống tiếp tục công việc của mình. Ông cụ vốn tính thích vui chuyện, mỗi lần gặp Phong đều hỏi han đủ thứ. Từ việc hỏi thăm sức khỏe bố mẹ anh ở quê, rồi chuyện học hành, công việc. Từ khi đi làm xa ở tỉnh ngoài, vì bận công chuyện cho nên Phong cũng ít có dịp đến đây chơi và trò chuyện với ông cụ hơn.

Trời đã nhập nhoạng tối, phía nhà đối diện và hàng xóm quanh đây cũng đã lên đèn. Ánh điện sáng rỡ khiến cho khu phố nhỏ lúc này mang một diện mạo hoàn toàn khác hẳn so với hình ảnh đìu hiu của nó ban ngày, vừa lung linh, vừa gợi lên trong tâm tưởng Phong một cảm giác gì đó thật là dịu dàng, ấm cúng.

Ông cụ cất cái bình tưới nước vào chỗ góc sân, rồi đi vào trong nhà để bật điện lên. Ánh đèn neon xanh lè chiếu sáng cả không gian phòng khách, từ ngoài sân đã có thể nhìn thấy bộ bàn ghế salon nan kiểu cũ được kê ngay gần lối ra vào, cái ti vi nhỏ hiệu sanyo thì đặt trên nóc tủ phía sau, và cả chiếc đồng hồ quả lắc trên tường đang chậm rãi điểm từng tiếng một…tất cả đều đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với Phong từ lâu.  

- Cháu vào trong nhà đi! Thái nó đang ở trên gác ấy! - Ông cụ dục, rồi nheo mắt nhìn Phong đầy vẻ trìu mến, yêu thương.

- Dạ!

Thái – Bạn Phong – là con thứ hai trong số ba người con của ông cụ. Chị gái đã đi lấy chồng vài năm trước, sau Thái còn có cô em gái tên Yến Vi nhỏ hơn cậu chừng năm, sáu tuổi gì đó nữa. Phong chào ông cụ rồi đi qua cái phòng khách khá rộng để lên tầng hai.

Đến chỗ chân cầu thang, anh bắt gặp Yến Vi đang đứng là quần áo ở đó. Cô gái đứng lom khom, mái tóc dày và đen mượt xõa xuống một bên bờ vai tròn lẳn. Âm thanh bàn là xèo xèo, sau mỗi chuyển động của cánh tay cô, hơi nước từ đó lại bốc lên mù mịt như hơi sương. Hồi còn là sinh viên đại học, Phong hay sang nhà Thái chơi, lúc ấy Yến Vi còn là một cô bé học lớp bảy gì đó. Gặp anh, cô bé cứ thẹn thùng, lấm lét nhìn rồi lại lẩn nhanh vào trong phòng nói chuyện rì rầm với mẹ. Vậy mà giờ đây Yến Vi đã lớn phổng lên thành một cô gái xinh đẹp rồi. Đã năm năm trôi qua rồi còn gì.

- Anh Phong sang chơi? – Yến Vi bẽn lẽn chào anh bằng một giọng thanh thanh. Tiết trời se lạnh làm cho má cô hồng hồng, làn môi thì đỏ thêm và thắm lại dù không tô son, nụ cười cũng vì thế mà dường như tươi tắn hơn trên khuôn mặt trắng trẻo dễ ưa. Cô liếc nhìn Phong như để cố nhận ra những nét đổi thay nơi anh. Trong ánh nhìn đằm thắm của cô có một vẻ gì đó vừa thú vị vừa tò mò. Với tất cả sự nhạy cảm của một cô gái mới lớn, cô nhận thấy anh vẫn đẹp trai như trước, có điều bây giờ nom phong trần hơn, và từ bên trong con người ấy luôn toát lên một phong thái tự tin, rắn rỏi, nhưng cũng phảng phất nhiều nét u buồn và trăn trở, ưu tư.

Phong dừng lại để hỏi thăm Yến Vi vài câu xã giao rồi đi thẳng lên tầng trên. Tiếng bước chân của anh dội lên cầu thang gấp gáp, như tâm trạng háo hức và bồi hồi của một con người khi bắt gặp lại lối quen xưa.

Thái đang ngồi đọc sách chỗ chiếc bàn làm việc bằng gỗ sồi được sơn màu cánh gián một cách bóng bẩy. Trên bàn có kê một cái kệ con con để đầy ắp những sách, những cuốn sách quý mà hồi xưa anh đã dành rất nhiều thời gian để cất công sưu tầm và tìm mua. Ngay trước mặt anh còn có một cuốn sổ da bìa đen và chiếc bút bi đã mở nắp. Anh vẫn có thói quen vừa đọc sách, vừa ghi chép lại những ý tưởng hay và tâm đắc để cho dễ nhớ. Có vẻ như Thái đang rất nhập tâm, cặp lông mày hơi xếch và xanh rì của anh nhíu lại một cách đầy suy tưởng, ưu tư.

Vừa thoáng thấy Phong xuất hiện ở cửa, Thái cũng bất giác ngẩng đầu nhìn lên. Khi nhận ra đó là bạn mình, anh ngớ người mất vài giây, miệng há ra, còn đôi mắt thì mở to đầy vẻ bất ngờ và thú vị.

- A! Cậu về từ lúc nào vậy? – Thái đứng bật dậy, nói như reo. Rồi anh bước nhanh ra phía cửa, chộp lấy tay bạn mình mà cứ thế lắc lắc một cách vồn vã.

- Mình về từ lúc nãy. Song đứng dưới sân nói chuyện với ông cụ một lúc! – Phong vẫn tỏ ra ôn tồn, tuy vậy trên cặp môi tươi tắn của anh cũng không dấu được một nụ cười hạnh phúc khi được gặp lại cố nhân.

Thái khoác tay kéo bạn vào trong, vừa đi vừa nổ lốp bốp như pháo:

- Thế nào? Công việc của cậu ở đó thế nào, có ổn không?...

- Chỉ tàm tạm thôi. Xem chừng cũng không ổn lắm đâu! Dù sao công việc đó cũng đâu phải là ngành học của mình! – Phong lúc lắc mái đầu, nói bằng một giọng âm thầm.

- Đấy! Chính vì như thế đấy. Nhiều khi mình cũng định đi làm công ty như cậu. Nhưng suy nghĩ mãi, lại sợ không được làm đúng với chuyên môn của mình. Vì vậy mà tớ định sắp tới sẽ đi học thêm cái bằng Luật Sư. Dù sao mình cũng ở thành phố, tiện cho việc học mà…- Thái cứ huyên thuyên một mạch như vậy, trong lúc cả hai cùng ngồi xuống ghế.

- Để xem cậu đang đọc cái gì nào! – Phong nói và cầm cuốn sách ở trên bàn lên xem. Đó là cuốn “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu.

Phong lật ra xem qua vài trang, rồi gật gù:

- Ờ! Cuốn này cũng hay đấy!...

Thái nhìn nét mặt bạn ra ý thăm dò, rồi vung tay, hào hứng:

- Âu Châu vốn là vùng đất của triết học khai sáng và tiến bộ. Đó là cái nôi của tư tưởng dân chủ cũng như bình đẳng xã hội…Phương pháp tư duy lý tính của họ rất cần thiết cho một xã hội còn mang nặng tư tưởng Á Đông lạc hậu như ở nước ta!...

Nói xong thì có vẻ như bị cụt hứng, anh dừng lại vài giây, rồi bất giác đấm nhẹ bàn tay nắm chặt xuống bàn, lúc lắc mái đầu húi cua, ngán ngẫm:

- Nhưng rồi cũng chỉ đọc thế thôi, chắc cũng chẳng để làm gì đâu. Tình hình này cũng đến nước học xong thì đi lấy vợ để cho xong bổn phận với gia đình. Cậu vẫn nhớ câu chuyện về hai vợ chồng người bện dép chứ?(*) – Thái bĩu môi và nói bằng một giọng điệu sâu cay.

- Tình hình chắc cũng không đến nổi bi quan như vậy đâu! Sự vật luôn vận động theo chiều hướng tiến bộ hơn mà! – Phong để cuốn sách vào chỗ cũ, nói.

- Rồi cậu sẽ thấy! Rút cục thì hình thức cũng sẽ phản ánh đúng bản chất mà thôi! – Thái gằn giọng. Có vẻ như anh vẫn không mấy tin tưởng và hy vọng vào những điều mà bạn mình vừa nói cho lắm.

Phong quay người qua, vỗ vỗ lên vai Thái:

- Thôi nào! Phải lạc quan lên chứ! Ông bạn!...

- Chà! Mãi nói chuyện nên quên khuấy đi mất! Để mình pha cà phê nhé! – Thái bất giác giật nảy mình, bật kêu lên, xuýt xoa.

Anh cười hề hề như để chuộc lỗi, rồi mở gói cà phê để trên bàn, bắt đầu xúc từng thìa con con cho vào một cái phin I nốc. Sau khi đã tráng qua nước sôi, anh lại nâng cái phích nhựa lên, rót đầy phin và cẩn thận đậy nắp lại. Mùi cà phê thơm ngậy bốc lên đầy quyến rũ, lan tỏa khắp cả gian phòng chật hẹp.

Lúc này Phong mới nhìn kỹ bạn mình hơn và nhận ra rằng: Cuộc sống nhàn rỗi đã khiến cho Thái trở nên mập mạp hơn trước khá nhiều. Người anh như tròn hẳn đi trong chiếc áo len cao cổ màu xám dày cộp, đã vậy bên ngoài còn mặc thêm một cái áo khoác phồng hẳn lên như chiếc phao cứu hộ. Đôi mắt anh như híp lại trên khuôn mặt đã béo căng và bóng nhẫy. Tuy nhiên nom anh cũng già dặn và trưởng thành hơn. Những nếp nhăn hằn sâu ở khoảng giữa hai chân mày và trên trán, cho thấy những thời khắc trăn trở mà chủ nhân của nó đã từng trãi qua trong những đêm dài thao thức.

Dường như đọc được những suy nghĩ trong đầu bạn mình lúc này, trong lúc chờ đợi cà phê, Thái châm thuốc hút và bắt đầu với một giọng đều đều:

- Thời gian qua tớ ở nhà, đọc nhiều sách và cũng chiêm nghiệm ra được nhiều điều mới mẻ. Khối đứa cử nhân như mình còn thất nghiệp, đủ mọi ngành nghề cậu ạ. Chúng nó cũng đều có chung suy nghĩ như vậy cả. Chẳng có mấy ai lạc quan với tình hình!…

Phong ngồi đặt hai tay lên đùi và im lặng lắng nghe, mắt anh chớp chớp, chẳng hiểu vì bận suy nghĩ hay vì khói thuốc lá cay xè nữa. Cà phê vẫn tí tách rơi, chậm rãi nhỏ những giọt cuối cùng xuống cái cốc thủy tinh trong suốt bên dưới.

Thái bỏ cái phin xuống, rót cà phê ra hai cái cốc nhỏ bằng sứ men trắng Bát Tràng có quai cầm.

- Cậu thích đậm nhạt thế nào thì cứ tùy ý cho đường vào! – Anh nói và đẩy cốc cà phê về phía bạn. Rồi cũng tự tay xúc mấy thìa đường ở lọ cho vào cốc của mình.

- Cậu thấy đấy! – Thái nói tiếp, tay vẫn khuấy thìa đều đều – Mấy đứa lớp mình như thằng Tuấn, thằng Hùng, thằng Khanh… vẫn đang thất nghiệp hết. Thế nhưng có đứa nào chịu về quê kiếm việc đâu. Chúng nó vẫn đang cố sống cố chết bám trụ ở Hà Nội cả. Đến là chuột chạy cùng sào. Bữa trước tớ gặp thằng Tuấn. Nó mới xin vào làm một chân bảo vệ cho công ty xuất nhập khẩu, suốt ngày ngồi trông xe và hút thuốc lào đến rã cả họng – Thái mím chặt môi như để cố nhịn cười, rồi khoát tay nói tiếp bằng một giọng điệu vừa chua chát vừa hài hước – Cậu thử nghĩ xem! Ai đời, một cử nhân luật mà bây giờ lại phải đi làm bảo vệ. Thế mà hồi còn đi học, hễ mở miệng ra thì toàn nói những chuyện vĩ mô về nhà nước và pháp luật cả! Rồi thì lý tưởng này, dự định nọ…Cậu thấy đấy! Bây giờ thì các cu cậu đều đã thấm đòn cả rồi! Hết mơ mộng hão huyền rồi!...

Phong vừa nhấp một ngụm cà phê, vì buồn cười quá nên phì cả ra ngoài. Anh cười ngặt nghẽo đến chảy cả nước mắt, vừa cười vừa hốt hoảng đưa tay lên phủi loạt soạt những chỗ cà phê bám trên chiếc áo khoác dài của mình.

- Chuyện đó thì có thật! Mình cũng có nghe nói cậu Trung, bây giờ vào làm cho một công ty vệ sĩ. Hình như được một doanh nhân người Đài Loan thuê làm vệ sĩ riêng cho ông ta thì phải. Trung trước đây nó là võ sư, lại học luật. Được một vệ sĩ toàn tài như thế hộ vệ thì còn gì bằng!…

Lần này Thái cũng không còn làm bộ mặt thiểu não được nữa, cậu nhe hàm răng trắng lóa ra cười, trong khi bàn tay cứ đập đập vào đầu gối mà lắc lư thân mình một cách đầy sảng khoái.

Phong châm thuốc hút, rồi che miệng ho khành khạch. Sực nhớ là hồi nãy Thái có nói đến chuyện đi học, anh luôn tiện hỏi:

- Vậy chứ cậu định học xong thì sẽ mở văn phòng Luật Sư ở đâu?

Thái chau mày, đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi giơ tay quả quyết:

- Ở đây! Hoặc nếu cần thì thuê bên Hà Nội cũng được!

Rồi anh tặc lưỡi, nói thêm:

- Làm thì làm vậy, chứ mình cũng chẳng mấy tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cái nghề này lắm đâu. Chỉ là có cái danh để gọi, cho khỏi uổng phí cái công mình đã học tập bấy lâu mà thôi!…

Nghe bạn nói vậy, Phong cũng cảm thấy buồn buồn. Nghĩ đến chuyện Thái đang thất nghiệp và cả cái công việc hiện nay mà mình đang làm, cả hai đều đang ở trong tình cảnh bất ổn. Anh hiểu rằng, không chỉ bạn mình, mà có rất nhiều người, khi va chạm với thực tế cuộc sống, họ đã dần đánh mất đi niềm tin và cả bầu nhiệt huyết trong veo thủa ban đầu của mình. Nhưng vốn là người lạc quan, anh vẫn tin tưởng về những điều tốt đẹp, vì dù sao, tương lai của cả anh và Thái đều đã có những tín hiệu gợi mở đáng hy vọng.

Hai người bạn thân lâu ngày gặp lại, họ ôn cố tri tân, rồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Mãi đến tận khuya, cả hai mới quyết định đi ngủ để sáng mai Phong còn phải trở lại cơ quan làm việc.

- Cậu nhớ đặt báo thức cho mình nhé! – Phong vừa buông màn vừa dặn.

Thái nhổm dậy, với tay cầm cái đồng hồ báo thức trên bàn:

- Mấy giờ?

- 5 giờ!

Thái vặn xong dây cót, rồi lại bắt đầu chỉnh đến kim báo thức, công việc tỉ mỉ, khiến cho cổ họng anh cứ phát ra những âm thanh è è nghe vui tai. Mỗi khi phải tập trung làm công việc gì, anh đều có thói quen buồn cười như vậy. “Ok rồi!” – Thái nói và đặt trả cái đồng hồ lên trên mặt bàn.

Không gian về khuya tĩnh lặng, không còn nghe thấy tiếng người và xe cộ đi lại trên đường nữa. Từ phía ngoài bãi đất hoang gần đó, tiếng ếch nhái và côn trùng vọng lại nghe não nuột, thê lương. Âm thanh thậm thịch của hàng làm bánh mì bên cạnh đều đều vọng sang, cứ thế ru Phong chìm vào giấc ngủ sau một ngày bận rộn  với nhiều chuyến đi và sự kiện.

o0o

Tiếng chuông báo thức réo rắt đã kéo Phong choàng dậy khỏi giường. Anh ngồi thõng chân, đưa tay lên dụi mắt và hít thở thật sâu một lúc để cố ghìm cơn buồn ngủ vẫn đang không ngừng lôi kéo và hấp dẫn. Nhìn Thái vẫn đang ngủ say như một chú mèo mướp cuộn mình trong chăn ấm, Phong không khỏi ghen tị cho hoàn cảnh vô ưu của anh bạn lúc này. Tự nhiên anh lại ước giá như mình cũng chưa đi làm, để giờ này được đánh một giấc thật thoải mái và đã đời cho đến tận trưa. Phong vừa co ro mặc quần áo, vừa luôn mồm xuýt xoa vì lạnh. Cài khuy áo khoác và đi giày xong, anh xoa xoa hai bàn tay vào nhau rồi đi đi lại lại trong phòng cho ấm người. Từ ngày đi làm, anh đã tự rèn luyện được thói quen dậy sớm, không còn tự nuông chiều bản thân một cách dễ dãi như hồi còn là sinh viên nữa.

Nhìn đồng hồ thấy đã đến lúc phải lên đường, Phong luồn tay vào trong màn, lay bạn:

- Mình đi làm đây!

Thái giật chắc mình, mở bừng mắt và ngơ ngác nhìn quanh, ú ớ.

- Ờ! ờ!... – Rồi sau khi đã định thần và hiểu ra mọi chuyện, anh giơ tay lên, giọng vẫn còn ngái ngủ - Buổi đầu tuần, cậu đi làm cho kịp giờ… Rảnh rỗi lại ghé chơi!...

 - Tạm biệt cậu! Cứ ngủ tiếp đi, trời hãy còn sớm chán!

Nói xong Phong đứng thẳng người lên, vươn vai, vặn mình mấy cái rồi bước ra, nhẹ nhàng khép cảnh cửa phòng lại.

Phố xá mờ mờ hơi sương, những ngôi nhà cao tầng san sát, nhấp nhô như mọc lên từ trong truyện cổ tích. Dưới một gốc cây bàng trụi lá, bên cạnh chiếc xe máy cà tàng của mình, anh xe ôm đang ngủ gật gà để đợi khách. Có lẽ anh đã ngồi đó từ rất lâu, phải gồng mình chịu đựng cái rét cắt da ở ngoài trời như thế cũng chỉ hòng kiếm được những đồng tiền chở khách ít ỏi để về nuôi sống gia đình. Tiết trời rét ngọt, nếu như không có việc gì thì người ta không ai ra đường vào lúc sáng sớm như thế này cả. Ánh đèn điện đỏ quạch từ trong ngôi hàng phở hắt ra, chiếu một khoảng sáng như vệt màu lên những viên gạch ghép vỉa hè lở lói, nhấp nhô. Cô chủ quán to béo ngồi ngay phía sau nồi nước dùng đang bốc khói nghi ngút, tay vẫn không ngừng băm hành, thái thịt để chuẩn bị bán hàng, âm thanh lách cách như để khuấy động và đánh thức cái không gian còn đang ngái ngủ của buổi sớm mai. Mùi thơm thơm từ những nồi nước phở quyện với mùi bánh mì và xôi nóng tỏa ra, khiến cho không gian như mang đậm một dư vị đặc trưng của phố phường Hà Nội. Nó nhắc nhở con người ta về những điều hết sức bình thường, nhưng lại là cái làm nên một dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống thường nhật con người. Chỉ có những quán ăn sáng là người ta mới mở cửa sớm như thế. Phong tạt xe, ghé vào một ngôi quán, ăn sáng qua loa rồi lên đường ngay để cho kịp giờ làm việc ở cơ quan.

Đến đầu đường cao tốc ra khỏi thành phố, gió thổi vào hai bàn tay lạnh buốt như kim châm. Khiến Phong phải dừng xe lại bên đường, mở cốp xe, lấy đôi găng tay da đi vào rồi mới lại nổ máy tiếp tục cuộc hành trình. Từ đây lên đến cơ quan anh, còn khoảng bốn mươi cây số đường cao tốc nữa.   

Đường vắng vẻ, vì vậy mà Phong cho xe chạy với vận tốc khá nhanh. Những thanh Taluy của giải phân cách cứ thế vùn vụt lướt qua bên tay lái. Gió từ những khoảng đồng trống thổi hun hút, lọt qua khe tấm kính bảo hộ của chiếc mũ bảo hiểm nghe rin rít bên tai. Những chiếc xe container và xe tải đường dài xuất hiện lù lù và chạy rầm rập trên đường, những chiếc xe này chở hàng, vì thế mà chúng chạy bất kể ngày đêm. Qua khỏi đoạn đường vắng, lại hiện lên những khu công nghiệp thấp thoáng hai bên đường. Những tòa nhà sơn đủ màu, những mái tôn nhà xưởng lấp lóa dưới ánh ban mai đã bắt đầu hửng lên ở phía đường chân trời. Những người công nhân lúc này cũng đã đi làm, họ sắp thành hàng dài, chen nhau ùn kín cả lối ra vào công ty.

Xe chạy qua những thị trấn, thị tứ nằm hai bên đường cao tốc. Ở những đoạn đường ấy, Phong phải cho xe chạy chậm lại để tránh người và xe cộ. Cho đến khi đã qua khỏi khu dân cư, anh mới lại bắt đầu tăng tốc và chạy với một tốc độ đều đều như trước.

Chừng một tiếng đồng hồ sau thì anh đã nhìn thấy cây cầu vượt hiện lên ở phía đằng xa. Cây cầu nom giống như những cánh tay của một con bạch tuộc khổng lồ đang vươn ra từ mọi hướng. Lối vào cơ quan anh nằm ngay dưới chân cầu, từ đó rẽ vào chỉ khoảng vài, ba trăm mét nữa.

Đúng 6 giờ rưỡi thì Phong lên đến cơ quan. Nhưng cũng phải một tiếng nữa thì mới đến giờ làm việc.

Phong dựng xe trước cửa phòng, tháo găng ra và lần tay vào túi áo để lấy chìa khóa. Anh nhìn sang, thấy phòng bên cạnh của chú Phương khóa ngoài, chắc là chú đã đóng cửa để đi ăn sáng từ lúc nãy. Trước cửa phòng nhà chị Thảo ở cuối dãy, chiếc xe đạp nhựa mà lũ trẻ con chơi từ hôm qua vẫn còn vứt chỏng chơ ở đó, bên cạnh hàng rào lan can bằng sứ trắng lóa.

o0o

Phong chỉnh lại tấm lịch bàn cho đúng với ngày tháng, sau đó bắt đầu thu dọn đống hồ sơ và giấy tờ bừa bộn còn để lại từ cuối tuần trước. Anh mở chiếc tủ nhiều ngăn kê ngay phía sau, bỏ vào đó những tài liệu đã qua trình duyệt và xử lý. “Còn việc gì nữa nhỉ? À!...” – Anh xoa tay lên trán nghĩ ngợi, rồi đi đến chỗ cái bảng phân công lịch làm việc có treo những tờ báo tường từ hồi mùa hè. Phong cầm cây bút dạ, cẩn thận viết lên đó những nội dung cần thiết và sắp xếp lại lịch công tác cho tuần tới.

Mọi người vừa mới ở đây ra. Như đã thành thông lệ, cứ sáng thứ hai đầu tuần, mấy người vừa ở quê lên lại tập trung ở phòng Hành Chính của anh để ngồi uống trà và trao đổi với nhau một lúc rồi mới ai về phòng nấy. Và những câu chuyện mà họ mang đến đây cũng đủ sắc màu như hoa cỏ thiên nhiên. Người thì than phiền về chuyện bà vợ đang ốm ở quê, người khác lại khoe đứa con trai sắp cưới vợ, rồi thì cả những câu chuyện mắt thấy tai nghe trên đường đi nữa. Tóm lại là đủ thứ thông tin được chắt lọc ra từ mọi vấn đề và ngóc ngách của cuộc sống.

Xong việc chỗ tấm bảng, Phong quay lại bàn và ngồi vào máy tính, bắt đầu soạn thảo đơn dự thầu cho dự án sắp tới của công ty. Những nếp nhăn trên trán anh nhíu lại vì căng thẳng, trong khi ánh mắt vẫn chăm chú nhìn như thôi miên vào con trỏ đang nhấp nháy trên hình. Sau mỗi dòng suy nghĩ, hai bàn tay anh lại gõ liên tục, gian phòng lúc này chỉ còn vang lên những âm thanh lạch cạch của chiếc bàn phím máy tính cũ kỹ đã sử dụng lâu ngày.

Mãi làm việc, Phong không để ý thấy cô Văn thư đã đi vào phòng từ lúc nào, trên tay cô còn ôm cả một xấp hồ sơ dày cộp.

- Chào anh! Em mang đến những tài liệu theo yêu cầu của anh đây ạ!

- À!...Cô cứ để lên bàn hộ tôi! – Phong nhìn lên, chỉ tay vào chiếc bàn bên cạnh. Rồi lại cúi xuống tiếp tục cắm cúi với công việc của mình.

Cô văn thư đặt chồng hồ sơ lên bàn, và trong khi cô sắp lại cho ngay ngắn, vài lọn tóc đen mượt tuột ra khỏi chiếc khăn len bịt đầu, hai gò má đỏ bừng bừng vì lạnh. Xong rồi cô đứng im một lát, đôi mắt đen và sâu thăm thẳm nhìn anh như thể chờ đợi:

- Anh còn cần gì nữa không ạ?...

- Được rồi! Cảm ơn cô! Khi cần tôi sẽ gọi! – Phong vẫn không nhìn lên, đáp.

Cô văn thư chào anh rồi đi ra. Tiếng dày cao gót của cô gõ lộp cộp vào nền gạch men, cứ thế nhỏ dần, xa dần sau những bước chân vội vã.

Vừa khi ấy, bất chợt tiếng chuông điện thoại bàn reo lên leng keng. Phong nhíu mày, miễn cưỡng rời tay khỏi bàn phím, nhấc ống nghe lên:

- A lô! Tôi nghe đây!...

Có tiếng con gái nói rất nhỏ, xen lẫn âm thanh lẹt xẹt khó nghe, có lẽ là do đường truyền điện thoại không tốt.

Tiếp tục vẫn là tiếng con gái rụt rè ở đầu dây bên kia:

- Xin cho hỏi… có phải đây là phòng hành chính của công ty…không ạ?...

- Phải rồi! Nhưng cô gọi từ đâu? – Phong áp sát tai vào ống nghe, cố nói thật to để đầu bên kia có thể nghe thấy được.

- Có phải anh Phong đó không? – Giọng người con gái như reo lên.

- Tôi, Phong đây! Nhưng cho hỏi cô là ai?…

- Em là Hương đây!...

Phong giật nảy mình như bị ong châm:

- Hương đấy ư?...

Một thoáng im lặng, có vẻ như cả hai người đều cảm thấy khó xử. “Mình mới đi làm ở đây, vả lại cũng chưa cho ai số điện thoại cả. Vậy làm sao mà Hương có thể biết để gọi được nhỉ?” – Phong bồi hồi tự vấn. Cảm giác hồi hộp khiến cho anh gần như mất hết tự chủ. Cô là người yêu ở quê của anh trước đây, nhưng vì hoàn cảnh xa cách, giờ đây họ đã phải chia tay nhau.

- Hương gọi cho Phong có việc gì không? – Anh hỏi, sau khi đã trấn tĩnh lại.

Lại im lặng. Lát sau, giọng Hương vang lên buồn buồn:

- Hương gọi điện để mời Phong về dự đám cưới của Hương!...

- Thật vậy ư? – Phong thốt lên ngạc nhiên. Rồi anh cúi đầu, nhay nhay cặp môi, như để tự cười diễu với phản ứng thiếu kiềm chế và hơi trẻ con đó của mình.

Đó thực sự là một tin tức bất ngờ đối với Phong. Vì lâu nay anh vẫn chưa hề nghe tin Hương yêu ai kể từ khi họ chia tay nhau. Trong giây phút này, biết bao nhiêu thắc mắc, bao điều muốn nói, nhưng rồi anh cũng ghìm lại được. Sau cùng, anh hỏi:

- Bao giờ thì Hương cưới?

- Cuối tuần này Phong ạ!

Hương dừng lại vài giây, rồi nói tiếp:

- Phong về dự đám cưới của Hương nhé!...

Phong hứa với cô là sẽ cố gắng về dự đám cưới, nhưng trong thâm tâm, anh biết rằng mình chẳng thể nào làm như thế được. Phần vì bận công việc, phần sẽ rất khó xử nếu như anh và cô gặp lại nhau.

 Cuộc gọi kết thúc, Phong bỏ ống nghe và gieo mình xuống ghế như một kẻ mất hồn. Anh chống tay vào cằm, ngồi bần thần suy nghĩ một hồi rất lâu. Dòng hồi tưởng như những sợi dây ràng buộc, kéo anh trở về với những kỷ niệm của cuộc tình năm ấy. Bên trong con người của anh lúc này, những tâm trạng buồn vui cứ không ngừng lẫn lộn, giằng xé và mâu thuẫn như một mớ bòng bong khó bề tháo gỡ. Anh vui vì nàng đã có được hạnh phúc, điều mà một người con gái tốt đẹp như nàng hoàn toàn xứng đáng được hưởng. Nhưng nổi buồn thì lại nằm ở một chiều hướng khác của vấn đề, khi anh chợt nhận ra rằng, tình yêu và thời thanh xuân tươi đẹp đã trôi qua tự lúc nào mà mình chẳng hề hay biết, vô tình như nước chảy hoa trôi.

Cảm thấy trong lòng trống trãi và đầy muộn phiền, Phong bồi hồi quay nhìn ra phía bên ngoài khung cửa.

Ở đó, thảm cỏ được cắt tỉa vuông vắn phía trước thềm vẫn ngăn ngắt một màu xanh. Xa chút nữa, chỗ cuối bức tường cơ quan, mấy cây nhãn lồng vẫn đang vươn những đám cành lá rậm rì, đìu hiu trong tiết trời giá lạnh. Cạnh đó, dãy nhà kho với những bức tường sơn màu vàng chạy dài. Phòng đầu hồi nhà kho đang mở, có mấy người công nhân mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh lá cây đang hì hụi khuân những máy móc gì đó ra chỗ chiếc xe tải nhỏ đậu sẵn trước sân. Người thủ kho nhỏ thó đứng ở ngay lối ra vào, ghi ghi chép chép luôn tay vào một cuốn sổ nhỏ đang cầm trên tay. Có lẽ một tổ đội nào đó vận chuyển máy móc đến chỗ công trình đang thi công thì phải.

Những hình ảnh của hiện tại và quá khứ cứ nhập vào nhau, hòa làm một trong tâm trí Phong. “Đến một ngày nào đó, những phút giây này đây rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Cả những con người mà ta đã từng gắn bó, yêu thương, cả những kỷ niệm buồn vui rồi cũng sẽ rời xa ta. Năm tháng qua đi, rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả, quá khứ, hiện tại lẫn tương lai!” – Phong thầm thì như đang tự nói với chính mình. Rồi anh bất giác thở dài, tiếng thở dài ấy, như một tiếng vọng đầy tiếc nuối về tất cả những gì đã bị năm tháng thời gian phủ lên đó một màn sương nhạt nhòa, hư ảo.  

____________________________________________________________________

(*): Một điển tích cổ của Trung Quốc: Có hai vợ chồng nọ làm nghề bện dép và đan mũ. Họ đang có ý định chuyển đến nước Việt để sinh sống và hành nghề. Một người bạn thấy vậy thì ra sức khuyên can. Hai vợ chồng hỏi tại sao. Người bạn đó đáp: “Nước Việt là một nơi mà người ta đi chân đất và để đầu trần. Vậy mà hai người lại đem cái nghề bện dép và đan mũ đến đó để thực hành thì e không ổn chút nào. Mang cái sở trường của mình đến một nơi không sử dụng sở trường ấy. Thứ hỏi không khốn sao được?”. Hai vợ chồng kia nghe nói vậy thì từ bỏ ý định mà không đi đến nước Việt nữa.