Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Lời tiên tri ứng nghiệm

 

   Những đám giấy gói kẹo và túi ni lông hãy còn vương vãi trên nền gạch hoa của căn phòng ký túc xá. Từ hôm qua, người ta đã quét chúng thành một đống vào chỗ góc phòng này nhưng vẫn còn chưa kịp thu dọn và hót đi. Trên chiếc bàn hẹp và dài kê cạnh cửa sổ, một bình hoa sặc sỡ để ngay ngắn, sắc màu hãy còn tươi mới, có vẻ như chúng cũng chỉ vừa mới được cắm vào đây chưa được bao lâu. Tối hôm qua, mấy anh sinh viên năm cuối trong phòng đã tổ chức buổi liên hoan chia tay ra trường. Bữa nay họ đã về quê hết, chỉ còn mỗi mình anh Nam là ở lại, phần vì anh có công việc ở Hà Nội cần giải quyết, phần để đợi đến hôm nhận bằng tốt nghiệp luôn một thể. Cái quang cảnh có vẻ bừa bộn, hoang tàn của sự kết thúc ấy ngay lập tức lại được thay thế bằng cảnh tượng gọn gàng, sạch sẽ của một sự khởi đầu tuần hoàn mới. Các sinh viên năm nhất mới nhập học đã vào đây ở để thay thế những sinh viên sắp tốt nghiệp. Họ dọn vào đây đã được vài hôm, sau đợt tập dượt quân sự suốt cả tháng trời vừa qua. Lúc này đang là đầu giờ chiều, mấy thành viên trong phòng, người đọc sách, kẻ hí húi dán họa báo lên tường, người khác nữa thì lại đang lạch cạch đóng cái móc áo vào cạnh chỗ giường nằm của mình.

Trên chiếc giường tầng hai, anh Nam đang nằm nghe một bản nhạc tiếng anh và nghêu ngoao hát theo, đôi mắt anh lim dim đầy vẻ đam mê, tâm trạng. Có vẻ như anh chẳng mấy bận tâm đến công việc của đám sinh viên đàn em cho lắm, vì đối với anh, những việc đó đã quá đỗi quen thuộc trong suốt cả mấy năm học vừa qua rồi.

Người nào làm việc của người nấy, không khí trong phòng bấy giờ có vẻ tập trung và nghiêm túc lắm.  

Vừa khi ấy, bất chợt có tiếng gõ cửa gấp gáp vang lên không ngớt. Mọi người trong phòng đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau, tựa như để tự hỏi xem đang có chuyện gì xẩy ra. Tiếng gõ cửa rất mạnh và gắt gao, xem ra người khách này không được lịch sự và thiện cảm cho lắm thì phải. Tiếng gõ cửa ấy cũng gây ra cho anh Nam một phản ứng rất khác thường. Như một phản xạ có điều kiện, anh vội tắt đài, rồi nằm áp sát vào tường, im lặng và bất động hệt như đang lúc ngủ say vậy. Sự ngụy trang của anh hoàn hảo đến nổi, nếu đứng ở bên dưới nhìn lên thì người ta sẽ tưởng là trên đó không có người.

Hoài đang ngồi học ở chỗ chiếc giường gần cửa, nghe tiếng gõ mỗi lúc một dồn dập bèn thò tay ra để mở chốt. Một người phụ nữ trung niên, to béo và ăn mặc diêm dúa ló đầu vào, mùi nước hoa xông lên nồng nặc. Lớp phấn trang điểm dày, làn môi đỏ chót và đôi lông mày kẻ đậm, càng khiến cho khuôn mặt bà ta nom giống như một chiếc mặt nạ trên sân khấu diễn tuồng. Người phụ nữ đó khoác cái túi da cá sấu màu đen, đôi bông tai vàng đeo lủng lẳng, nom ra dáng một bà chủ lắm.

- Cho cô hỏi, đây có phải phòng 102 không vậy? – Người phụ nữ hỏi, giọng vang vang và có vẻ như dọa nạt.

- Dạ phải! – Hoài đáp, mắt vẫn nhìn người khách một cách dè chừng, ý muốn hỏi lại bà ta là ai và đến đây có việc gì.

- Nam nó có ở nhà không cháu? – Bà ta lại hỏi ngay, không để cho Hoài kịp suy nghĩ gì thêm.

Đoán là người nhà của anh Nam đến tìm, Hoài chỉ tay lên chỗ anh đang nằm, nhanh nhảu:

- Dạ có! Anh Nam kia!...

Người đàn bà nghe vậy thì cả mừng, đẩy mạnh cánh cửa một cái rồi xông thẳng vào phòng như một cơn lốc. Sau khi dừng lại giữa phòng và đưa cặp mắt to hung dữ để quan sát một lúc, bà ta bước thình thịch đến chỗ giường anh Nam đang nằm, cất tiếng rổn rảng:

- Nam ơi! Dậy cho u gặp tí!

Anh Nam ú ớ lên vài tiếng, rồi miễn cưỡng ngồi dậy, vươn vai ngáp vặt như thể vừa mới tỉnh ngủ. Với một vẻ mặt buồn rười rượi, anh bám tay vào thành giường, chậm rãi tụt xuống và đứng khúm núm trước mặt người đàn bà kia. Anh ngượng ngùng đưa tay sửa lại cái áo phông cổ bẻ màu cháo lòng cho ngay ngắn, thái độ lấm lét chẳng khác nào một đứa trẻ bị bắt quả tang khi đang trộm trái cây trong vườn nhà người ta vậy.

Đến lúc này, những người trong phòng vẫn còn thắc mắc và chưa thể xác định được mối quan hệ giữa anh Nam và người đàn bà kia là như thế nào. Đã xưng hô thân mật như thế, hẳn là phải quen biết từ lâu, và cũng có thể là người nhà. Nhưng nếu là người nhà, thì tại sao anh Nam không vui mừng mà lại tỏ ra sợ sệt như thế?

- Chào u! – Anh Nam chào người đàn bà kia bằng một giọng lí nhí, mắt vẫn nhìn như dán xuống nền nhà.

- Ờ!...Thế nào! Đã có tiền trả cho u chưa con?...

Câu hỏi bất ngờ khiến cho anh Nam giật thót mình, mặt anh tái dần đi. Như một chú Khỉ con tăng động, anh đưa tay lên gãi đầu sồn sột, rồi cất giọng khẩn khoản:

- U cho con khất thêm ít nữa! Thời gian này con bận quá!...

Người đàn bà lập tức trợn tròn mắt, hai hàng lông mày xếch lên nom rất dữ tợn:

- Không khất nữa! Mày đã lừa tao bao nhiêu lần rồi hả! – Bà ta đột ngột thay đổi cách xưng hô – Mày đã sắp tốt nghiệp đến nơi. Thử hỏi ra trường rồi thì tao biết đi đâu mà tìm bây giờ? Bữa nay may là tao còn run rủi gặp được mày đấy. Chứ nếu mày biến đi chỗ khác rồi thì tao còn biết làm sao kia chứ?...

 Chỉ là chuyện đòi nợ, nhưng hai bên cứ lời qua tiếng lại, đôi co một lúc rất lâu. Người đàn bà kia thì lớn tiếng dữ tợn, còn giọng điệu của anh Nam thì khẩn khoản, van nài, nghe đến là thống thiết. Hoài nghe anh gọi bà ta là “U Tình”. “Có nghĩa là bà ấy tên Tình!” – Hoài nghĩ thầm.

Cả phòng im lặng, nín thở lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai người với một sự tò mò khó cưỡng. Đối với các tân sinh viên, cái gì, chuyện gì cũng mới lạ, cũng gây cho họ sự tò mò và ngạc nhiên cả.

Lúc này u Tình nhìn thẳng vào mắt anh Nam, hỏi rành rọt như đang thẩm vấn:

- Thế nào hả? Con có muốn u báo cáo lên phòng đào tạo của trường không?...

Một đốm sáng xanh lè như tia chớp lóe lên trong ánh mắt anh Nam đầy vẻ sợ hãi, giống như mắt của một con nai rừng khi bị sư tử dồn vào ngõ cụt, đường cùng. Dáng điệu của anh nom càng khúm núm hơn, chẳng còn vẻ gì là một anh cử nhân tương lai nữa. Anh cứ nuốt nước bọt, ậm ừ trong cổ họng như bị mắc nghẹn hoài mà không nói nên lời. Có vẻ sự sợ hãi và lo lắng đã làm cho anh mất hết tự chủ rồi thì phải.

- Con van u!...Xin u đừng báo!...Con hứa là ngày mai sẽ kiếm tiền để trả cho u ngay! – Anh Nam chắp hai tay trước ngực, miệng méo xệch đi như sắp khóc.

Được lời như cởi tấm lòng, người đàn bà kia nghe thấy vậy thì lập tức tươi cười mà tỏ vẻ hài lòng lắm. Lúc ra về, cầm lấy nắm đấm cửa rồi, bà ta còn quay người lại, dọa:

- U giao hẹn cho con lần cuối. Nội trong ngày mai, làm cách nào thì u không cần biết, nhưng con phải mang tiền trả cho u. Nếu không thì đừng có trách u nhé!...

- Vâng! Vâng! U cứ yên tâm!…

Anh Nam chẳng biết nói gì thêm, cứ thế vâng dạ liên hồi. Cánh cửa đã khép lại, và người đàn bà kia cũng đã ra về, nhưng anh thì vẫn đứng đó, thẩn thờ như người mất hồn. Rồi trong nổi thất vọng ê chề, bất giác anh hét to lên một tiếng khiến cho ai nấy đều phải giật mình, hai cánh tay thì vung lên loạn xạ như một người say rượu. Có lẽ là anh đang rất tức giận, cả lo lắng và xấu hổ nữa. Cuộc chạm mặt bất ngờ với người chủ nợ đã đẩy anh vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, và rồi bao nhiêu uy phong của anh trước các tân sinh viên trong phòng cũng theo đó mà mất hết.

Sẵn có lòng trắc ẩn, Hoài cảm thấy tương hại anh lắm. Tự nhiên cậu muốn nói với anh một vài câu gì đó để an ủi, nhưng rồi lại im lặng, vì cậu nghĩ mình còn quá non nớt để có thể khuyên nhủ một người già dặn và có nhiều kinh nghiệm sống như anh.

Rồi ánh mắt như ngây dại của anh Nam lại đột ngột chuyển hướng về chỗ Hoài đang ngồi.

- Tại sao cậu lại mau miệng thế? Sao lại nói anh đang có mặt ở phòng? – Anh Nam nói và giận dữ bước về phía Hoài.

- Thì em có biết gì đâu? Thấy bà ấy hỏi thì em cũng trả lời thế thôi! – Hoài cãi, tuy vậy cậu vẫn cúi mặt xuống vì cảm thấy mình cũng phần nào có lỗi trong chuyện này.

- Cậu có biết là đã làm hỏng bao nhiêu là việc của tôi rồi không? Ngày mai nếu mà không có tiền trả thì bà ta sẽ báo cáo lên phòng đào tạo. Như thế cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ không được xét tốt nghiệp nghe chửa!

Sự tức giận khiến cho mắt anh Nam long lên như ánh đèn pha, rồi bất thình lình anh xoay người, chộp lấy hai vai Hoài, gào lên:

- Giờ thì biết xoay đâu ra tiền để ngày mai trả cho bà ấy bây giờ. Về quê thì không kịp. Mà cũng không thể vác mặt về quê lấy tiền được nữa, vì mới về tuần trước rồi!...

Rồi cũng bất chợt như hành động của mình vừa rồi, anh lại buông Hoài ra và ngồi phịch xuống giường, gục đầu ủ rũ. Cái dáng điệu gầy gò của anh vì thế mà nom càng thêm thiểu não, tội nghiệp như gà dưới mưa.

Mấy người trong phòng thấy thế thì cũng tỏ ra bênh vực anh Nam, họ quay ra phản đối Hoài, mỗi người một câu trách cứ.

Thấy mình bổng dưng trở thành kẻ tội đồ, lại bị miệt thị chê trách, ức không chịu được, Hoài đỏ mặt tía tai, phụng phịu:

- Ai bảo anh nợ! Nợ thì người ta đến đòi chứ sao?...

Anh Nam cười gằn, ngẩng lên nhìn chằm chằm vào mặt Hoài với một ánh mắt đầy vẻ hiểu biết:

- Rồi cậu xem. Không nợ không phải là sinh viên đâu nhé!

- Em thì chẳng bao giờ nợ!

- Hừ! Để rồi xem cậu được bao lâu! Chắc là cũng chẳng lâu lắm đâu! - Anh Nam hậm hực vỗ mạnh tay vào thành giường, nhe nanh gầm gừ.

 o0o

Quán cơm u Tình nằm ngay phía đối diện với cổng ra vào ký túc xá của trường đại học. Đó là một ngôi quán nhỏ, diện tích chỉ khoảng chưa đầy ba chục mét vuông gì đó. Bước vào bên trong, sẽ nhìn thấy các bức tường được quét ve màu xanh, không đến nổi cầu kỳ, nhưng nó cũng gợi lên cho người ta cái cảm giác sạch sẽ và thoáng mát. Trần nhà thì loang lổ những vệt màu nâu nâu vì ám khói bếp, tuy không được thẩm mỹ cho lắm, nhưng sinh viên vốn đơn giản, cho nên cũng chẳng mấy ai để ý và phàn nàn về điều này cả. Hai bên bức tường phía đối diện, mấy cây quạt tường cứ thế chạy hết tốc lực suốt ngày, nhất là vào những ngày hè nóng bức, đông người. Quán được ngăn ra làm hai phần, phần nhỏ hơn ở phía trong thì dùng làm bếp nấu và nơi đựng rau củ, thực phẩm, ngăn phía ngoài là chỗ ngồi cho thực khách. Để tiết kiệm diện tích, bàn ghế được người ta kê san sát vào nhau, đến chỗ để len chân cũng khó. Bên hông quán còn có một ngôi hàng chè chén con con. Sau bữa ăn, thường thì khách lại tạt qua đó, ngồi uống nước chè, hút điếu thuốc, hoặc có thể ăn thêm bánh, trái cây gì đó tùy ý. Quán do một cô bé người nhà chừng mười sáu tuổi trông nom. Như vậy là ngoài tiền chẵn để đóng quán ăn, những đồng tiền lẻ của cánh sinh viên cũng được tận thu và chảy vào túi nhà u Tình hết. Vì vị trí đắc địa và tiện lợi như vậy mà quán u Tình luôn tấp nập sinh viên vào ăn. Vả lại ở đây  giá bán cũng phải chăng, thức ăn lại ngon và hợp khẩu vị. Điều quan trọng nữa là quán cho sinh viên nợ tiền, dĩ nhiên là hai bên sẽ phải thõa thuận và sòng phẳng với nhau. Nước chảy chỗ trũng, với nhiều lợi thế như vậy, quán u Tình đã nghiễm nhiên trở thành sự lựa chọn lý tưởng của sinh viên, nhất là cánh đàn ông, con trai.

Thường cứ đến chiều thứ bảy thì ký túc xá lại vắng người, lúc này đa phần sinh viên đều đi chơi bạn bè hoặc thăm nom người thân ở trong thành phố. Bữa nay Hoài không đi chơi đâu, anh định đi ăn xong rồi về phòng nghỉ một lúc để còn lên thư viện đọc sách. Anh đóng cửa phòng, rồi chậm rãi men theo những bậc cầu thang ốp đá rửa mài nhẵn để đi ra ngoài. Sân ký túc xá giờ này chỉ lác đác mấy bóng người qua lại, lẻ loi bên những ngôi nhà lừng lững in bóng một cách ngạo nghễ xuống nền gạch màu trắng xám. Cái khung cảnh vắng vẻ ở một nơi vốn đông vui tấp nập luôn khiến cho người ta có cảm giác được tận hưởng những phút giây yên tĩnh hiếm hoi thật tuyệt vời. Những cây bàng và bằng lăng rủ bóng âm thầm, lá rụng xuống xào xạc sau mỗi bước chân. Hoài lui cui bước đi, tiết trời se lạnh, chiếc áo Blu khoác hờ cứ đập phần phật lên tấm thân mảnh dẻ nom giống như một đôi cánh mỏng phất phơ. Gần ra đến cổng ký túc xá, anh bắt gặp cậu Long học cùng lớp đang thất thểu từ đằng xa đi lại. Cậu ta đút hai tay vào túi quần bò, kéo lệt sệt đôi giày da há mõm đã từ lâu không đánh xi, vẻ mặt thì nom tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.

Vừa thoáng thấy Hoài, Long đã nhướn cặp lông mày đẹp như vẽ, hỏi ngay:

- Cậu đi ăn đấy à?

“Đến là buồn cười cho cái cậu này! Tếu thế là cùng. Giờ này chẳng đi ăn thì đi đâu mà còn phải hỏi” – Hoài vui vẻ nghĩ thầm. Tuy vậy nhưng cậu vẫn làm bộ mặt nghiêm chỉnh, đáp:

- Ừ! Tớ đi ăn.

Long bước đến đứng chắn trước mặt Hoài, hoa chân múa tay trò chuyện áng chừng thân thiện lắm. Một lúc sau, cậu ta gãi đầu gãi tai, rồi thẹn thùng, lắp bắp:

- Tớ nói thật này!...Cho tớ đợ một bữa nhé!...Tiền gia đình chưa kịp gửi. Tớ đã đến hạn thanh toán từ bữa kia, u Tình chỉ cho nợ mấy hôm. Bữa nay nếu không trả thì u nhất quyết không cho ăn nữa!…

Hoài cúi đầu, dí dí mũi giày xuống sân, nhíu mày nghĩ ngợi.

- Chuyện này thì!...

Long vội nắm lấy tay Hoài, nhìn như dán vào khuôn mặt trắng trẻo, xinh trai của bạn mình, năn nỉ:

- Cậu giúp tớ, chừng vài ba hôm thôi. Gia đình gửi tiền ra là tớ sẽ thanh toán ngay cho cậu!...

Giọng của Long khẩn thiết, van nài như khi đang khất nợ. Hoài cảm thấy động lòng, ngước lên thì thấy Long vẫn đang đứng yên mà nhìn mình với nét mặt đầy vẻ lo lắng, chờ đợi.

- Thôi được! Nếu vậy thì cậu cứ đi ăn với tớ cho vui. Chẳng cần phải tiền nong gì đâu! – Hoài phẩy tay rồi bước nhanh về phía trước.

Long hớn hở như bắt được vàng, cậu đi như chạy để theo kịp bạn mình, rồi vừa đi vừa liếng thoắng liên hồi cho tới lúc ra đến tận quán ăn.

Vài hôm sau, lại có thêm mấy người bạn cùng phòng đi ăn ké với Hoài nữa, lý do cũng vì hết hạn đóng tiền quán như Long đã kể. Được vài tuần như thế, một bữa trong lúc Hoài đến ghi sổ, u Tình đã nói với cậu bằng một vẻ mặt khổ sở:

- Tiền đóng tháng trước của cháu đã hết rồi. Bây giờ đã sang tháng khác, có nghĩa là cháu đã bắt đầu phải ăn chịu. Một mình Hoài thì u châm chước cho, nhưng nếu cháu cứ dẫn cả đoàn đến ăn như thế thì u không đồng ý đâu! Quán u nhỏ, lại thiếu vốn. Cháu thông cảm cho u nhé!...

o0o

Thế rồi lời tiên tri mà anh Nam từng nói trước đây đã không phải đợi lâu để được ứng nghiệm. Đến cuối năm thứ nhất, Hoài đã bắt đầu phải ghi nợ quán ăn một cách thường xuyên. Cứ tháng nọ nợ đặp vào tháng kia, tháng sau trả cho tháng trước, chứ chẳng thể nào thanh toán ngay trong tháng như trước kia được nữa. Có đợt, phải vài ba tháng cậu mới thanh toán được một lần. Thời gian đầu mới vào học, cậu chi tiêu rất chừng mực và đúng kế hoạch, gia đình cũng gửi tiền đều, không phải thiếu thốn thứ gì cả. Nhưng rồi những khoản chi tiêu khác cứ lần lượt phát sinh như sinh nhật, đi chơi dã ngoại, chiêu đãi bạn bè…Tất cả đều nằm ngoài kế hoạch mà cậu đã dự kiến ban đầu. Nó khiến cho cậu phải chi tiêu nhiều hơn số tiền định mức mà gia đình đã gửi cho mình đều đặn hàng tháng.

Tình cảnh đó cũng khiến cho Hoài cảm thấy đôi chút lo lắng, nhưng rồi mọi thứ vẫn ổn, vấn đề chỉ là lùi lại thời gian thanh toán, còn thì bản chất vấn đề vẫn là như nhau cả. Nhưng điều cậu không ngờ tới, đó là những khoản nợ cứ thế dồn lại, đến một lúc nào đó sẽ mất dần khả năng thanh toán, điều mà trong kinh tế học người ta vẫn thường hay gọi là “Nợ xấu” vậy.

Hễ cứ đến giờ tan học thì quán cơm u Tình lúc nào cũng đông nghịt những người. Bữa nay người ta còn phải kê thêm mấy cái bàn nữa cho khách ngồi tràn cả ra vỉa hè để ăn cơm. Bên trong quán, tiếng trò chuyện, tiếng bát đĩa và thìa muỗng va vào nhau lách cách. Tiếng gọi thức ăn í ới từ bàn nọ lan sang bàn kia. Mùi xào rán, mùi thức ăn bốc lên thơm thơm, quyến rũ.

Lúc này Hoài cũng đang ngồi ăn ở góc phòng trong cùng. Đang ăn dở, anh ngẩng đầu lên gọi:

- U cho thêm đĩa rau, với lại bát canh nữa nhé!...

Lát sau, ông chủ quán bê rau và canh đến. Sau khi đã cẩn thận đặt những thứ Hoài vừa gọi xuống bàn, ông bắt đầu cất giọng rề rà:

- Đã đến hạn thanh toán từ lâu, hôm nay hoặc ngày mai cậu trả tiền dùm tôi nhé! – Ông dừng lại vài giây như để chờ xem phản ứng từ Hoài, rồi lại nói tiếp với vẻ mặt ỉu xìu - Cậu thương lấy tôi! Con mụ vợ tôi thì cậu biết rồi đấy, nó hung dữ như sư tử cái ấy. Tôi mà không đòi được tiền của cậu, lằng nhằng là mụ cắt tai tôi như cắt tai một con Thỏ ngay!

Ông chồng nói rồi đưa ánh mắt sợ sệt nhìn về phía bà vợ đang đứng sau quày bán hàng. U Tình tóc búi củ hành, tay cầm dao bầu chặt thịt, trước ngực đeo cái tạp dề như tấm áo giáp hộ thân, nom hùng dũng và uy nghiêm chẳng khác nào một hộ pháp kim cương cả. Ông chủ quán tuy cũng to béo chẳng khác gì vợ mình, nhưng dũng khí thì lại kém xa. Lúc nào ông ta cũng đi đứng khép nép, nhũn như chi chi và sợ vợ một phép.

Hoài đang định múc canh, thấy nói đến chuyện nợ nần thì mất hứng, liền đặt cái muỗng xuống nghe đánh keng một tiếng mà không ăn nữa. Anh mím chặt môi nhìn chằm chằm xuống chân bàn, vẻ mặt lầm lì khó chịu.

 - Cậu đã hứa với tôi nhiều lần rồi mà vẫn chưa thấy thanh toán. Lần này cậu phải chịu khó viết cho tôi tờ giấy nợ và cam kết ngày trả. Để tôi còn có cái mà ăn nói với mụ vợ nhé! –Ông chủ vẫn tiếp tục thẻ thọt. Rồi theo thói quen của một người sợ vợ kinh niên, nói xong ông lại đánh mắt lấm lét nhìn về phía bà vợ lúc này vẫn đang đứng ở mãi tận đằng xa.

Sự sợ hãi của ông chủ quả là đã có sức lan truyền sang cả Hoài. Cậu đã nhiều lần bắt gặp u Tình cùng với vài ba người nhà nữa, túm áo, lôi cổ những người mắc nợ mà chửi rủa thậm tệ ngay trước cổng trường, trong khi các cô nàng xinh đẹp thì vẫn cứ nườm nượp  đi học qua như bươm bướm. Và cái gương tày liếp nhất chính là anh Nam hồi trước, suýt nữa thì anh đã không được tốt nghiệp vì bà vào tận phòng đào tạo để tố cáo chuyện nợ tiền. Hoài đưa tay lên dụi dụi mắt mà không dám nghĩ tiếp nữa, trán cậu lấm tấm mồ hôi, chẳng phải vì không gian bên trong quán nóng bức và chật chội, mà vì những viễn cảnh không mấy tốt đẹp mà cậu đang hình dung ra trong đầu mình.

Sau phút đắn đo, và dù có vẻ không hài lòng lắm, Hoài tặc lưỡi:

- Thôi được! Viết thì viết. Có gì đâu mà phải ngại!...

Rồi cậu quay sang nhìn ông chủ quán lúc này vẫn đang khom lưng và nghệt mặt ra vì chờ đợi:

- Phiền chú cho mượn giấy bút luôn một thể!...

Ông chủ quán mừng rỡ liền chạy đi lấy ngay. Lát sau ông ta quay lại với một tờ giấy kẻ ô li và cây bút bi trên tay. Hoài kê tờ giấy lên cuốn sổ nợ, rồi bắt đầu cắm cúi viết. Anh ngồi như thu mình vào góc tường, thi thoảng lại hé mắt nhìn lên như sợ người ta đang cười nhạo mình. Tay trái anh khum khum đè lên tờ giấy, mục đích là để đề phòng có ai đó tò mò mà đọc được những gì mình đang viết chăng. Chỉ chừng mấy phút sau, Hoài đã viết xong tờ giấy ghi nợ dài gần một trang.

Ông chủ quán cầm lên, đọc lướt qua, rồi gật đầu hài lòng:

- Đúng là chữ nghĩa của cử nhân tương lai có khác. Rõ ràng, khúc chiết. Cứ gọi là đâu ra đấy!...

Rồi ông ta đặt một bàn tay nặng chình chịch như đá lên vai Hoài, cười hề hề:

- Cậu thông cảm! Bất đắc dĩ mà tôi mới phải làm như vậy. Cũng tại vì con mụ vợ nhà tôi nó hung dữ quá!...

Trên đường trở về ký túc xá, Hoài cắm cúi bước đi nhưng trong lòng thì ngổn ngang với bao mối bận tâm và suy nghĩ. Lúc này cậu mới thấy lời của anh Nam đã nói trước đây là đúng. Cậu tự cảm thấy hổ thẹn trong lòng, vì chính mình đã là người thua cuộc. Rồi cái tình cảm rất người kia cũng nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự thán phục đối với tầm nhìn xa trông rộng của một bậc tiền bối đi trước. Giá như bây giờ về phòng mà vẫn gặp anh, cậu sẽ nắm lấy tay anh mà nói lời xin lỗi, mà bày tỏ sự khen ngợi hết lòng. Nhưng có lẽ giờ này anh đang bận bịu với công việc ở một nơi nào đó rất xa, chẳng thời gian đâu để mà để ý xem lời tiên đoán của mình trước đây có đúng hay không nữa. Hình ảnh anh Nam với cái nhìn đầy vẻ hiểu biết và cảm thông lúc này cứ hiện lên trong đầu Hoài  như một ngọn hải đăng soi sáng, dẫn đường. Và bên tai cậu lại văng vẳng lời tiên tri của anh hôm ấy: “Rồi cậu xem. Không nợ không phải là sinh viên đâu nhé!”.