Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Cao Nhân

Trong không gian chật hẹp của ngôi hàng chè chén lúc này - dăm ba người khách đang ngồi lố nhố trên những chiếc ghế nhựa con con được đặt sát cạnh nhau. Người hút thuốc, kẻ uống trà, rồi họ vừa ngắm nhìn phố xá đầu ngày vừa chuyện vãn với nhau cho vơi bớt thời gian. Phương thì chẳng để ý đến mấy người khách kia đang nói những gì, vì giọng của họ hòa lẫn với tiếng ồn ào trên phố tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn không đầu không cuối, khiến chẳng thể nào mà nhập tâm cho đặng. Anh chậm rãi hút thuốc, ánh mắt lơ đãng nhìn chén nước chè được đặt trên bàn với một tâm trạng thú vị. Cái chén màu da lươn, có quai cầm và thấp bèn bẹt áng chừng chỉ độ vài đốt ngón tay. Thời nay chẳng thiếu gì những loại chén sứ men trắng và có hoa văn thanh lịch cả. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao người ta lại cứ thích chọn lựa kiểu chén nom vừa dân dã vừa có vẻ quê mùa cục mịch như thế. Nhưng chính anh cũng cảm thấy ưa thích cái loại chén ấy tự lúc nào mà chẳng hề hay biết, giống như một món đồ thời trang theo phong cách hoài cổ đã được khách hàng ưa dùng và chấp nhận theo thói quen sinh hoạt thường ngày vậy.
Đang lúc ấy, chợt có một giọng lanh lảnh như xé vải của phụ nữ vang lên gần đó, khiến cho dòng suy nghĩ của anh bị cắt ngang:
- Này! Cái ông nhà quê kia! Đứng xê ra một chút xem nào! Để cho người ta còn bán hàng nữa chứ…
Qua tấm lưng to bè, với chiếc áo bảo hộ lao động có hai vạch sơn phản quang màu cam của anh công nhân môi trường ngồi cạnh, Phương nhìn thấy chị hàng phở lúc này đang giận dữ la mắng một người đàn ông cao niên. Người này cỡ ngoài sáu mươi tuổi gì đó, ăn mặc lôi thôi, trên vai khoác một chiếc túi dết giống như hành khất, đầu thì đội mũ lá rộng vành đã rách te tua vài chỗ. Cũng chẳng khó để người ta biết được ông là một người nhà quê mới lên thành phố. Vì ngoài cách ăn mặc ra, thì nét  mặt ngơ ngác, nhìn cái gì cũng thấy lạ, đi đứng lại thiếu vẻ tự nhiên của ông cũng đã đủ nói lên tất cả.
- Cái chị này lạ nhỉ! Vỉa hè là để dành cho người đi bộ kia mà. Tôi đi trên vỉa hè thì có ảnh hưởng gì đến nhà chị kia chứ? – Người đàn ông quay sang phía cô hàng phở phân bua.
Chị chàng kia nghe vậy thì lại càng điên tiết, mặt đỏ dừ như gấc, phần do tức giận, phần có lẽ do sức nóng của cái lò than đặt cạnh bên thì phải. Chị ta quắc cặp mắt to tròn như hai ánh đèn pha, rồi tức thì gõ mạnh chiếc môi vẫn cầm sẵn trên tay vào thành nồi nước dùng đang sôi sùng sục nghe đánh keng một cái, miệng sa sả:
- Nhưng tôi bán hàng ở đây. Mọi người lại đang ăn nữa. Ông biết chửa? Người gì mà lôi thôi lếch thếch. Nhìn đến phát gớm! – Rồi cô bỉu môi, đưa cánh tay béo núc ních mà xua người đàn ông như đuổi tà - Thôi! Xéo nhanh đi để cho người ta còn nhờ.
Thì ra nguyên nhân dẫn đến cuộc cãi vã cũng chẳng có gì là phức tạp cả. Số là ông lão kia đang đi thì dừng lại để quan sát vì không quen đường. Trong khi cô hàng phở đanh đá thì lại cho rằng ông đã làm vướng chân khách hàng của mình, cho nên mới nổi đóa mà làm ầm ĩ lên như thế.
Trong lúc tranh cãi, chẳng hiểu người đàn ông luống cuống thế nào mà vô ý chạm chân vào lưng một cô sinh viên đang ngồi ăn phở ở đó. Thế là cô ta lập tức quay ngoắt lại, khuôn mặt xinh đẹp nhìn ông đầy vẻ tức tối. Rồi cô nhăn nhó vòng tay ra sau lưng mà phủi áo sột soạt, cùng lúc cặp môi thoa son đỏ chót cũng văng ra những lời chua loét:
- Đi đứng vô ý vô tứ vừa vừa thôi chứ, làm bẩn hết quần áo của người ta rồi đây này. Rõ là cái lão nhà quê đáng ghét!
- Xin lỗi cô! Tôi sơ ý  – Người đàn ông vội vàng đứng né ra một bên, chắp tay bối rối.
Cô sinh viên chẳng thèm để ý đến lời xin lỗi đầy thành ý kia, thản nhiên quay lại ăn tiếp, cứ như thể là ông lão không hề có mặt trên cõi đời này vậy. Mấy cô bạn của cô ta ngồi đó cũng a dua theo, mỗi người một câu nhiếc móc, khiến cho người đàn ông cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Một lúc rồi ông cũng dứt ra khỏi được cái mớ bùi nhùi đó. Chân ông bước đi một cách chậm chạp, nom thê thảm đến tội nghiệp. Đến chỗ quán nước chè chén thì người đó dừng lại, đưa tay lên lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm hai bên thái dương. Có vẻ như ông đang rất mệt nhọc vì vừa mới trãi qua một cuộc hành trình vất vả lắm thì phải. Dường như cũng muốn nghỉ ngơi một lúc cho thư giãn gân cốt, bởi vậy mà sau thoáng phân vân, người đàn ông bèn quyết định ngồi xuống ghế.
- Ông uống nước chè nhé? – Bà lão chủ quán nhìn người khách mới đến và hỏi bằng một giọng ôn tồn.
- Vâng! Bà cho chén nước – Người kia thủng thẳng đáp. Rồi bỏ mũ lá ra, sau đó luồn tay tháo chiếc túi đặt xuống đùi, tỉ mẩn lần xem những gì trong đó không rõ.
Lúc này thì Phương mới có dịp để quan sát kĩ người đàn ông nọ. Ông ta có một khuôn mặt hơi dài, nước da trắng mai mái, với  những đường gân xanh nổi rõ trên vầng trán cao rộng. Trên mình ông mặc một chiếc áo bằng vải nâu rộng thùng thình, phía dưới có hai túi nhỏ được may theo kiểu cách thời xưa. Chân thì đi đôi giày vải - kiểu giày vẫn thường dành cho những người cao tuổi - nom thanh thoát và nhẹ nhàng. 
Sau lúc hồi tâm và lấy lại sức lực, người đó ngước lên hỏi bà bán hàng:
- Phiền cụ cho biết phố Yên Trang ở đâu?
- Thế ông đi thăm bà con hay hỏi nhà ai ở đấy? – Bà cụ tò mò, đôi mắt đầy những vết chân chim nhìn ông khách như dò hỏi.
- Tôi muốn tìm đến chùa Trúc Sơn.
- À! Nếu vậy thì đúng rồi – Bà cụ ngồi thẳng người lên, thở phào. Rồi đưa tay chỉ vào con ngõ đối diện – Ông đi theo lối này…
Người đàn ông nhìn theo hướng tay chỉ của bà lão, ngập ngừng:
- Ngõ này?....
- Con ngõ ấy đấy! Ông cứ đi hết ngõ này, rồi rẽ phải chừng dăm chục mét nữa thì sẽ đến được chùa Trúc Sơn.
- Cảm ơn bà! – Người đó nói, rồi nâng chén nước chè lên nhấp một ngụm. Dáng vẻ ra chiều thư thái lắm.
Người khách lại im lặng, và bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh một cách chậm rãi. Ánh mắt hiền từ, ấm áp như những tia nắng mùa thu của ông bất chợt dừng lại nơi khuôn mặt Phương.
- Anh vừa gặp chuyện buồn về tình duyên phải không?
- Ông đang nói đến cháu? – Phương ngơ ngác trỏ tay vào người mình.
- Phải! Tôi đang nói với cậu đấy – Người đàn ông mỉm cười thân thiện.
- Sao ông lại biết được? – Phương ngạc nhiên. Vì quả đúng như người kia đã nói, anh vừa mới chia tay với người yêu được mấy bữa nay. Bởi vậy mà ngay lúc này, trong lòng anh đã cảm thấy bội phục người khách già ăn mặc có vẻ xoàng xỉnh kia lắm.
- Nhìn sắc diện của anh thì tôi biết – Ông lão nói, nét mặt vẫn tỏ ra bình thản.
Có vẻ như vẫn còn muốn biết thêm điều gì đó, ông lão nhìn Phương và nói:
- Hãy đưa tay tôi xem nào!
Tuy chưa hiểu sự thể thế nào, nhưng Phương vẫn đưa tay ra theo yêu cầu của ông ta.
- Không! Tay trái kia.
Phương lại chìa bàn tay trái ra.
- Ông là thầy bói hả? – Phương hỏi. Giọng nửa đùa nửa thật.
- Tôi cũng có biết xem qua – Người kia đáp, rồi nắm lấy bàn tay anh. Bàn tay ông ta với những ngón dài, ở chỗ các gút ngón tay nổi u lên, nom nhăn nheo và khổ hạnh.
- Ông không cần biết ngày tháng năm sinh sao? – Phương mỉm cười
- Đó là tử vi.
- Ông cũng biết xem tử vi chứ? – Phương lại vui miệng hỏi.
- Biết! – Ông lão đáp gọn lỏn.
Phương nghe thế thì không dám hỏi gì thêm nữa, vì sợ lại làm mất đi sự tập trung của ông trong lúc này.
Ông lão xem chỉ tay và còn nói thêm mấy chuyện về gia cảnh, tình duyên nữa. Khiến cho Phương cứ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì cảm thấy lời nào của ông cũng hay, cũng đúng cả. Cứ như thể ông ta đọc được suy nghĩ của người khác vậy, thậm chí là còn biết hơn cả bản thân anh nữa là đằng khác. Trái với cái vẻ bề ngoài hèn mọn, giờ đây ông lão nói năng một cách mạch lạc và khúc chiết, giống như là một triết gia có kiến thức uyên thâm lắm vậy. Mấy người khách trong quán bấy giờ cũng ngồi chăm chú theo dõi cuộc trò chuyện với một vẻ tò mò hết sức. Trên khuôn mặt của họ hiện rõ một thái độ tôn trọng và nể phục ông lão tự đáy lòng. Cái người mà chỉ mới mấy phút trước đây thôi, còn phải chịu sự ghẻ lạnh và khinh khi của xã hội ngoài kia.
Kết thúc cuộc nói chuyện, Phương muốn biếu ông lão một ít tiền gọi là, giống như người ta vẫn thường trả công cho những người xem bói dạo trên phố vậy. Nhưng ông đã vội xua tay:
- Ấy! Không cần phải như vậy!
Nói rồi ông lão thanh toán tiền nước, đội mũ, khoác túi dết và chậm rãi đứng lên. Trước sự ngỡ ngàng của hết thảy mọi người trong quán lúc này, ông vung vẩy hai cánh tay mà bước đi một cách thoải mái, miệng thì lẩm nhẩm như đang đọc khẩu quyết: “Xả đắc! Xả đắc!”. Sự thể khiến cho cặp mắt ốc nhồi của anh công nhân ngồi cạnh Phương cứ thế trố hết ra, còn miệng thì há hốc đến cả nửa phút sau vẫn chưa tài nào ngậm lại được. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh ta được chứng kiến một con người lạ lùng đến như vậy. Phương thì vẫn dõi ánh mắt nhìn theo cái dáng đi đặc biệt của ông lão, cho đến khi khuất hẳn sau đám người nhộn nhịp trên phố mới thôi. Thực là một con người có hành tung kỳ bí, y hệt như đạo sĩ tu tiên vừa mới hạ sơn xuống phố vậy.
Bà lão chủ quán tay vẫn tráng rửa cốc chén lách cách, miệng lẩm bẩm:
- Đến là lạ cho cái ông nhà này! Toàn nói những chuyện chẳng ai hiểu gì cả.
o0o
Tối hôm đó khi về đến phòng trọ, Phương vẫn còn có cảm giác kỳ lạ về ông lão mà mình đã gặp hồi sáng. Trong lúc ngồi uống trà, anh mới đem câu chuyện mà kể lại cho anh bạn sinh viên cùng phòng nghe. Vốn có nghiên cứu chút ít về tử vi, tướng pháp, cho nên khi nghe bạn kể, Hùng tỏ ra hứng thú lắm. Ngày thường Hùng vẫn được các sinh viên khác gọi vui là “Giáo Sư”, để ghi nhận cái vốn kiến thức khổng lồ mà cậu đã dày công tích lũy được. Qua giọng kể đều đều của Phương, Hùng ngồi chống cằm mà lắng nghe một cách chăm chú lắm. Mỗi khi bắt gặp những chỗ tâm đắc quá, cậu lại đưa tay lên mà gãi gãi mớ tóc bù xù trên đầu nghe sồn sột, nom hiếu động hệt như là một đứa trẻ vậy.
- Vậy là cậu đã may mắn gặp được cao nhân rồi đó! – Hùng cao giọng tuyên bố, khi Phương vừa kết thúc câu chuyện. Như thể chính cậu ta mới là người có mặt ở đó vậy.
Thấy bạn mình khẳng định một cách chắc nịch như thế, Phương không khỏi ngạc nhiên:
-  Tớ nghĩ cao nhân phải là những người học vấn cao, có địa vị và thành đạt trong xã hội chứ?
- Nếu vậy thì cậu lại càng lầm to rồi – Giọng Hùng kéo dài ra như dè bỉu - Ngược lại, họ sống ẩn mình, thậm chí còn làm những công việc thấp kém nữa là đằng khác.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, Hùng bèn đứng ngay dậy, rồi đi lại chỗ giá sách đặt ở góc phòng. Sau một hồi lục lọi, cậu cầm đến một cuốn sách đã sờn mép và đặt mạnh lên bàn:
- Cậu nhìn đây! Cuốn sách này viết về những danh nhân thời xưa. Họ đều là những con người có nhân phẩm cao quý, trí tuệ cao siêu, nhưng lại ưa thích lối sống thanh cao mà xa rời thế tục. Tuy vậy, họ đã có những đóng góp rất to lớn vào kho tàng tri thức nhân loại…
Phương tò mò nhìn vào bìa cuốn sách. Trên đó thấy in hình một người đàn ông với mái tóc bạc phơ, đang ngồi thiền định trên mỏm núi có hoa lá bao quanh.
Trong khi bạn mình vẫn chưa thể nào rời mắt khỏi cuốn sách, Hùng lại tiếp lời:
- Đọc sách xưa, thường thấy cao nhân là những người có trí tuệ hoặc một sở trường nào đó vượt hẳn người thường. Trái ngược với những công phu mà bản thân có được, họ lại thích chọn lối sống giản dị, thậm chí là ăn mày khổ hạnh trong xã hội. Cái người mà cậu gặp hôm nay, có thể là một người như thế đấy!
Phương chột dạ, bèn vận hết trí nhớ trong đầu ra để mà liên tưởng đến cái dáng vẻ lôi thôi lếch thếch của ông cụ hồi sáng. Rồi dường như càng suy nghĩ, anh lại càng cảm thấy Hùng nói đúng lắm.
Trong khi chờ đợi ý kiến phản hồi từ Phương, Hùng rút một điếu thuốc lá ngậm trên môi, rồi đưa mắt nhìn quanh tìm bật lửa. Phương vội thò tay lấy cái máy lửa trong túi quần của mình ra, châm lửa cho cậu ta.
- Cảm ơn! – Hùng lịch sự. Mùi khói thuốc lá thơm thơm bay khắp căn phòng.
Giáo sư rít một hơi thuốc dài, rồi tiếp tục mạch tư duy vẫn còn dang dở:
- Cao nhân là người nhìn rõ quy luật vận động của sự vật, chứ không phải khuôn sáo hẹp hòi như những hạng phàm nhân. Đối với cao nhân thì: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Cho nên họ đưa ra lời khuyên không phải vì vụ lợi, càng không vì nịnh nọt bao giờ. Phải là những người cảm thấy quý mến thì họ mới tặng lời. Được nghe cao nhân bàn luận, có thể nói là còn hơn mười năm đọc sách vậy. 
Những lời kia khiến cho Phương như vén được đám mây mù đang che khuất. Tuy nhiên vẫn còn có một điều mà anh đang cảm thấy băn khoăn trong lòng, bèn hỏi:
- Vậy cậu có hiểu được ý nghĩa của câu cuối cùng mà người kia đã nói hay không?
Giáo sư nhíu mày mà suy nghĩ rất lung, lúc sau mới cất giọng chậm rãi:
- “Xả đắc” vốn là một từ cổ, xuất phát từ thời nhà Minh – Giáo sư vỗ tay lên trán – Nếu tôi nhớ không nhầm thì… ở trong cuốn “Liễu phàm tứ huấn” của Viên Liễu Phạm thì phải?...
- Nhưng nội dung của nó là gì? – Phương sốt ruột.
- Ý nghĩa của nó là: Cho đi là nhận lại. Xả chính là Đắc, mất mà được, được lại mất. Nó cũng giống như: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” vậy.
Nghe đến đây, Phương chợt hiểu, bèn hớn hở vỗ tay mà rằng:
- Đúng là những tư tưởng cao siêu! Cao nhân. Cao nhân vậy!