Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Mối tình Quê

Màn sương đang lãng đãng tan dần trên những ngọn đồi nhấp nhô của miền trung du. Phía dưới triền đồi, chỗ đám cây keo lá tràm và cây bạch đàn đua nhau mọc san sát, sương trắng bồng bềnh trôi xuống thấp, rồi bắt đầu lan tỏa vào những ngõ ngách của xóm thôn gần đó. Xóm Trại giờ đây được bao phủ bởi một làn sương mỏng đang là là bay, cảnh vật phút chốc trở nên mơ màng, ẩn hiện như trong mơ. Sương chuyển động nhẹ nhàng trên những mái nhà rêu phong, quấn quýt bên hàng cây Duối cổ thụ nơi bãi đất trống cuối làng. Một lúc thì hơi sương cũng nhạt bớt, rồi dần nhường chỗ cho ánh ban mai xuất hiện và chiếm lĩnh các tầng không gian.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Người Họa Sĩ già


Khánh dừng lại chỗ phòng tranh bên đường, rồi cứ thế mà tần ngần đứng ngắm hồi lâu. Những bức họa khổ lớn vẽ phong cảnh đồng quê được dựng ngay trước cửa đã cuốn hút lấy tâm trí anh. Nét vẽ thật đẹp và tài tình, nếu không tinh ý, người ta dễ mà nhầm tưởng rằng nó đã được chụp bởi một loại máy ảnh hiện đại của thời nay. Đường nét sắc sảo, màu sắc lại hài hòa, cứ như thể là bê nguyên cả phong cảnh thật ở bên ngoài mà đặt vào trong tranh vậy. Phía trên lại treo thêm mấy bức tranh cỡ nhỏ vẽ hoa lá, chim muông cũng hết sức tự nhiên và sinh động. Chẳng khác nào hoa kia đang nở, còn chim chóc thì bay nhảy và ca hót líu lo vậy. Cạnh đó, còn có cả những bức thư họa được viết bằng lối chữ bay bổng rất chi là đẹp mắt nữa. Vốn cũng là người yêu nghệ thuật, Khánh cứ tấm tắc mà thán phục cái tài năng vẽ tranh của người họa sĩ hoài. Từ chỗ hâm mộ như thế, tự nhiên anh lại tò mò muốn biết xem danh tính đích thực của chủ nhân phòng tranh kia là ai. Khánh đưa mắt nhìn quanh, rồi bất chợt dừng lại ở tấm biển được treo ngay ngắn phía trên cao: “Họa sĩ Trúc Mai”.

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Hoa nở bên Đồi


- Cô Thu vừa ra trường, mới về đây dạy được một tháng nay có phải không? – Ông trực trường(1) vừa nhìn chằm chằm vào người khách vừa dò hỏi.

- Dạ phải đó bác!

- Vậy anh hãy ngồi đây chờ. Lát nữa đến giờ ra chơi tôi sẽ vào gọi dùm cho – Ông chìa tay về phía khách, giọng vui vẻ. Một thái độ xuề xòa, thể hiện cái bản tính hiếu khách vốn dĩ của người miền núi mà ta vẫn thường thấy.

Phương lịch sự ngồi xuống chiếc ghế đẩu duy nhất trong phòng dành cho khách, lòng những phấp phỏng, bồn chồn. Lúc này anh mới có thời gian để ý đến mọi thứ trong phòng và cả người ngồi đối diện với mình nữa. Ông trực trường là một người đã lớn tuổi, tuy cái dáng vẻ bề ngoài gầy gò nhưng nom vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Trên mình ông mặc một chiếc áo Bờ lu dông(2) màu xanh đậm có hai túi trước ngực, loại áo giống như của những người công nhân vẫn thường hay mặc mỗi khi làm việc trong công xưởng.