Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Họa Sĩ trứ danh

      

Âu Dương vốn là một họa sĩ tài hoa, nhưng mãi đến năm sáu mươi tuổi mà vẫn chưa thể nào nổi danh được. Làng hội họa đã có quá nhiều những tên tuổi gạo cội, giữa muôn vàn tinh tú ấy, dĩ nhiên là chẳng mấy ai để ý đến một ngôi sao bé nhỏ đang khiêm nhường tỏa sáng ở bên ngoài bầu trời rộng lớn kia. Mặc dù sống bằng nghề vẽ và có danh xưng hẳn hoi, nhưng đối với giới họa sĩ, ông vẫn bị coi như là một kẻ ngoại đạo. Quy luật của nghề hội họa vốn khắc nghiệt, giá trị của những bức tranh luôn tỉ lệ thuận với với tên tuổi và sự nổi tiếng của tác giả đã vẽ ra nó. Lịch sử thế giới cũng không hiếm những trường hợp họa sĩ tài danh, nhưng chỉ sau khi chết đi thì tranh của họ mới trở nên đắt giá và được công chúng biết tới. Có phải người đời thờ ơ, hay là vị thần nghệ thuật đánh giá cái đẹp theo cảm tính hay không, mà những họa sĩ có tài nhưng vô danh như Âu Dương luôn phải chịu những sự thiệt thòi và bất công lớn như vậy. Tranh vẽ ra khó bán, đời sống của gia đình ông cũng vì thế mà hết sức khó khăn, khổ cực. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn vùng ngoại ô, họa sĩ Âu Dương cùng vợ con mình đã phải sống và trãi qua những tháng ngày đầy vất vả và gian nan ở đó. Vì không có tiền để thuê xưởng vẽ, ông sử dụng căn phòng khách để làm việc, ở đó ngoài bộ bàn ghế đơn sơ để tiếp khách, còn thì chỗ nào cũng thấy bày bừa bộn những giá vẽ, bảng màu và các bức tranh lớn nhỏ đủ mọi thể loại.

- Tôi mặc kệ ông làm sao đó thì làm! Ngôi nhà đã quá sập sệ cần phải sửa chữa lại rồi. Bữa trước thằng cả lại mới mất việc, mấy đứa cháu nội cũng thiếu cả tiền đóng học phí nữa. Cả nhà phải điêu đứng khổ sở thế này, cũng tại cái nghề họa sĩ chết tiệt của ông cả đấy! Suốt ngày chỉ chúi mũi vào vẽ và vẽ thôi. Quỷ tha ma bắt ông đi! – Đó là những lời chì chiết mà hằng ngày ông phải nghe từ miệng bà vợ lắm lời. Những lúc ấy, ông chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc bịt mắt bưng tai để chờ cho cơn thịnh nộ của vợ qua đi. Cũng may là tính bà ta tuy nóng nảy và sồn sồn như vậy, nhưng được cái là luôn chiều chuộng và yêu thương ông hết mực.

Mấy chục năm trong nghề vẽ, tuy là không mang lại cho họa sĩ Âu Dương danh tiếng và tiền bạc, nhưng cũng đã khiến cho ông hiểu được tâm lý và thị hiếu của khách hàng. Ông nhận ra rằng: Đa phần những người yêu thích và am hiểu hội họa thì thường không có tiền để mua tranh. Trong khi những người sẵn sàng chi ra một món tiền rất lớn để có được những bức tranh chẳng có mấy giá trị nghệ thuật thì lại không hiểu gì về hội họa cả. Họ là những đại gia, ông chủ, hoặc là những người có địa vị cao trong xã hội. Họ mua tranh vì hiếu kỳ, để đánh bóng tên tuổi và để chứng tỏ mình cũng là một người trí thức sành điệu.

Suốt cả tuần nay người ta chẳng thấy họa sĩ Âu Dương đi đâu cả, hầu như ngày nào ông cũng đóng cửa và ngồi lỳ ở trong phòng một mình. Trên chiếc ghế bành bọc da quen thuộc, trước mặt là bao thuốc lá và ly cà phê đen, cứ thế ông ngồi ở đó mà trầm ngâm hằng giờ. Ông lặng lẽ hút thuốc, nhâm nhi cái vị đắng khổ hạnh của thứ nước uống đen đen, đặc sánh ấy và bóp trán suy nghĩ rất lung. Điều mà ông đang nghĩ đến chính là những ý tưởng nghệ thuật cứ dần hình thành trong đầu như một dòng chảy sáng tạo không ngừng. Những khi dòng chảy ấy bị đứt đoạn, ông lại đứng dậy, bần thần chắp hai tay ra sau lưng mà đi lại trong phòng như một cái bóng. Bằng sự tập trung cao độ, họa sĩ đang cố gắng tìm kiếm cho mình một ý tưởng sáng tạo mới, và ông tự nhủ rằng đó nhất định phải là một khuynh hướng thật mới mẻ, một con đường mà chưa ai từng bước đi. Và rồi vì gắng sức và suy nghĩ quá độ mà chỉ qua mấy ngày râu tóc ông đã bạc thêm ra, thân hình thì trở nên tiều tụy như sau một cơn bạo bệnh. Sau khoảng thời gian thai nghén nhọc nhằn, rốt cục thì đứa con nghệ thuật được chờ đón nhất của ông cũng đã ra đời. Đến ngày thứ bảy, ông đã đưa ra được một quyết định hệ trọng, tự mình sáng lập ra một trường phái hội họa mới, với tên gọi: “Hư Vô”.

Cũng giống như tên gọi, tranh của trường phái “Hư vô” sẽ không có một hình vẽ nào trên đó hết, tất cả chỉ là một tấm vải màu duy nhất, không hơn không kém. Tấm vải đó có thể là màu đen, màu xanh hoặc màu vàng…, và dĩ nhiên, bên ngoài cũng phải được lồng khung cẩn thận.Vì nếu như không có khung, tấm vải cũng chỉ là một tấm vải bình thường, không thể nào gọi là tranh được.

Sau đây là chân dung tự họa của người sáng lập ra trường phái hội họa “Hư Vô”: Thân hình cao và mảnh dẻ. Trên khuôn mặt trắng trẻo và thư sinh ấy, chòm râu dài lưa thưa đã nhuốm màu phong sương, cho thấy một tâm hồn khoáng đạt và đầy nghệ sĩ tính. Đôi mắt ngài hiền từ nhưng có ánh nhìn sắc sảo và tinh anh. Đặc biệt là khuôn miệng rộng, giọng nói trầm ấm như tiếng chuông đồng. Mỗi khi xuất hiện ở đâu đó, họa sĩ thường diện một bộ đồ lụa màu mỡ gà với cái mũ bê rê đội lệch trên đầu. Mùa hè ngài đi dép nhựa đơn sơ, mùa đông thì cũng chỉ đi một đôi dày vải có đế được làm bằng nhựa cao su. Với những bước đi nhẹ nhàng, khoan thai, phong thái của ngài luôn toát lên cái vẻ tiên phong đạo cốt của một bậc chân nhân thoát tục.

o0o

Để bắt tay vào việc, họa sĩ Âu Dương mượn được một căn nhà xưởng mà người ta bỏ hoang nằm ở gần nhà để làm nơi giới thiệu sản phẩm của trường phái “Hư Vô”. Cùng với mấy người bạn nữa, họ sơn mới các bức tường, dọn dẹp và trang trí lại như một phòng tranh thực thụ. Nhà xưởng rộng tạo thành một không gian khá mở, vì thế mà thật phù hợp để cho các họa sĩ tha hồ thể hiện những ý tưởng nghệ thuật phong phú của mình. Những bức tranh trưng bày như đã nói, chỉ có khung viền bên ngoài, còn trong thì được lồng những tấm vải lụa đủ màu sắc sặc sỡ.

Đến ngày chủ nhật của trung tuần tháng ba thì phòng tranh “Hư Vô” được mở cửa khai trương, lúc này tiết trời mùa xuân ấm áp, ánh nắng rực rỡ chan hòa khắp nơi. Nhiều bạn hữu, nhà báo, quan khách và cả những người hiếu kỳ khác cũng đã có mặt. Mặc dù chưa biết Âu Dương là ai, nhưng họ đến đây vì tin tưởng vào sự hiện diện của những họa sĩ tên tuổi nước nhà, phần nữa cũng vì bản tính tò mò khó cưỡng lại.

Người ta vui vẻ bàn tán, rồi cùng háo hức rủ nhau đi xem khắp lượt phòng tranh. Nhưng đến khi xem xong, tất cả đều lắc đầu ngán ngẩm vì chẳng ai hiểu được gì cả. Một số người tưởng mình nhầm, nghĩ là sẽ có những ẩn ý hay nét vẻ mờ ảo nào đó trên bức tranh để đánh lừa thị giác chăng, bèn dụi mắt nhìn lại cho thật kỹ. Nhưng rồi dù đã nhìn đi nhìn lại ở dưới mọi góc độ, rốt cục bức tranh cũng chẳng có hình thù gì khác ngoài nhưng tinh thể màu sâu thăm thẳm. Rồi người ta bực mình, người ta văng tục. Nhiều người nỏng nảy, còn chửi họa sĩ Âu Dương là kẻ háo danh lừa đảo. Nhưng họa sĩ thì vẫn điềm nhiên như thường. Ở góc phòng đầu kia, trong bộ đồ vải lụa giản dị và lịch thiệp, đầu đội mũ bê rê, ngài vẫn đang tươi cười, chậm rãi giới thiệu tranh của mình cho những khách tham quan.

Không khí trong phòng tranh lúc này thật ồn ào, náo nhiệt. Người đứng vòng trong vòng ngoài, chen lấn đến bở cả hơi tai. Một phóng viên len được đến trước mặt họa sĩ Âu Dương - chủ nhân của phòng tranh hôm nay. Tấm áo vét màu xám có gắn thẻ phóng viên trên người anh ta trễ xuống, cả cái cổ áo sơ mi cũng xộc xệch vì bị chen lấn, xô đẩy. Người phóng viên lúng túng sửa lại cặp kính cận to đùng đang đeo trên khuôn mặt trái xoan linh lợi và tự giới thiệu về bản thân. Rồi sau khi đã lịch sự xin phép được phỏng vấn, anh ta chìa cái máy ghi âm nhỏ bằng bàn tay ra trước mặt họa sĩ Âu Dương, bắt đầu câu hỏi của mình:

- Thưa họa sĩ! Xin ngài hãy tuyên bố lý do của cuộc triển lãm hôm nay?

Dù đã quen với phong thái điềm đạm, nhưng bữa nay họa sĩ Âu Dương cũng không tránh khỏi những sự căng thẳng, hồi hộp. Vì chính cái giây phút này đây, nó sẽ quyết định một bước ngoặt hết sức quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ông trịnh trọng đưa tay lên sửa lại cổ áo, đằng hắng một tiếng rất vang rồi hướng ánh mắt về phía phóng viên, cất giọng hào hứng:

- Kính thưa quý vị! Tôi là một người hoạt động trong lĩnh vực hội họa đã mấy chục năm nay. Những lối mòn nghệ thuật lúc này đã không còn đủ sức hấp dẫn tôi được nữa, vì vậy mà tôi quyết định sẽ tự tìm ra cho mình một lối đi riêng. Và đó cũng chính là lý do mà tôi lập ra trường phái hội họa “Hư Vô” như quý vị đã thấy ngày hôm nay!

- Đồng ý với ông! Nhưng có vẻ như chẳng có bức tranh nào, ngoài những cái khung rất đẹp và những tấm vải lụa màu. Có thể nói đây là một cuộc triển lãm khung ảnh thì đúng hơn? – Phóng viên hỏi tiếp, sau khi đã nháy mắt và mỉm cười đầy ẩn ý với những người đứng xung quanh.

Họa sĩ Âu Dương vẫn tỏ ra điềm tĩnh:

- Tranh của trường phái “Hư Vô” chỉ dành cho những người có thiên khiếu nghệ thuật và có óc tưởng tượng phong phú. Đối tượng phục vụ của nó là những người có văn hóa cao, có khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt. Trên bức tranh không hề có nét vẽ nào cả, khi xem, người ta sẽ tự hình dung ra những hình hài và sắc thái trong đó. Tóm lại là họ sẽ phải dùng ý niệm để cảm nhận nội dung bức tranh!...

Tiếng vỗ tay và tiếng xì xầm rộ lên.

Người phóng viên tươi cười, kiên nhẫn chờ cho tiếng ồn ào lắng xuống, rồi tiếp tục hỏi:

- Vậy tuyên ngôn của trường phái “Hư Vô” là gì? Thưa ông!

- Trường phái hư vô có ba “Không”. Đó là: “Không có gì”, “Không thấy gì” và “Không hiểu gì”. Chỉ những người đạt đến cảnh giới cao trong nghệ thuật thì mới biến được những từ “Không” kia trở thành “Có”. Khi ấy họ sẽ thấy nó đẹp và lộng lẫy vô cùng. Họ sẽ rơi vào một trạng thái mê ly, ngất ngây mà những người tầm thường khác chẳng thể nào có được!...

- Vậy ông có thể nói cho mọi người biết nội dung bức tranh này là gì không? – Phóng viên chỉ vào bức tranh treo ngay trên đầu mình, rồi hướng ánh mắt ranh mãnh về phía họa sĩ Âu Dương, láu lỉnh hỏi. Rõ ràng là anh ta đang dồn người được phỏng vấn vào một thế bí khó chống đỡ.

Nhưng xem ra họa sĩ Âu Dương chẳng có vẻ gì là khó xử cả. Sau câu hỏi của phóng viên, ông chậm rãi quay người về phía bức tranh, đầu hơi cúi xuống và bắt đầu nhắm nghiền hai con mắt lại giống như một nhà sư đang nhập thiền. Chừng vài giây sau, ông mở bừng mắt ra, cất giọng từ tốn:

- Bức tranh này miêu tả phong cảnh của một làng quê trù phú. Ở đó có những mái nhà lấp ló sau rặng tre xanh, xa xa là đồng lúa chín vàng, và cả những cánh diều đang bay lơ lửng trên không trung!…

- Ồ! Thì ra vậy! – Anh chàng phóng viên không kìm được nữa, kinh ngạc thốt lên.

Nói rồi anh ta cũng bắt chước họa sĩ, quay người về phía bức tranh, rồi nhắm nghiền hai con mắt lại vài giây như để nhập thiền.

- Tôi cũng nhìn thấy như vậy! Chúc cho trường phái tranh trứ danh của ngài ngày một phát triển và không ngừng thăng tiến trên con đường nghệ thuật! – Anh chàng phóng viên hồ hởi bắt tay họa sĩ và nói.

Sau cuộc phỏng vấn quan trọng ấy, đã có rất nhiều người tự nhận là mình có thể sử dụng ý niệm để hiểu được nội dung trong các bức tranh. Họ khen tranh của trường phái “Hư Vô” đẹp, nhiều màu sắc và đặc biệt là chứa đựng trong đó cả một triết lý hội họa sâu xa, mặc dù chẳng ai nhìn thấy gì và cũng chẳng hiểu gì cả.

o0o

Với những quy luật chẳng bao giờ định sẵn, cuộc sống luôn mang lại cho con người ta những đổi thay thú vị đến không ngờ. Giống như trong một phép màu kỳ diệu, kể từ khi tuyên bố sáng lập trường phái hội họa “Hư Vô”, cuộc đời của họa sĩ Âu Dương cũng theo đó mà thay đổi hẳn. Đã có rất nhiều những nhà tài trợ và khách hàng tìm đến với ông. Họ toàn là người giàu, những người tự nhận mình có văn hóa và học thức cao. Họ mua những bức tranh của ông với cái giá vô cùng đắt đỏ, nhưng lại hoàn toàn vui vẻ và tự nguyện. Chính quyền thành phố thì tổ chức những cuộc triển lãm để cho ông giới thiệu và khuếch trương dòng tranh của mình. Người ta đưa ông lên truyền hình, đọc các bài diễn văn ca ngợi ông. Họ tung hô ông, nâng ông lên, đơn giản chỉ vì không ai muốn tự nhận mình là một kẻ kém văn hóa và không có óc cảm quan nghệ thuật cả. Danh tiếng của họa sĩ Âu Dương cũng vì thế mà bổng dưng nổi lên như cồn. Các họa sĩ gạo cội từ chỗ không biết đến cái tên Âu Dương là ai, nay bắt đầu chào đón ông, nhìn ông với ánh mắt vị nể và thán phục như là một người anh cả trong nghề. Vậy là cuộc đời ông từ nay đã thực sự bước sang một trang mới. Ông ngập ngụa trong những lời tán tụng, những buổi hội nghị và ánh hào quang sáng chói do sự nổi danh mang lại.

Lúc này, trường phái hội họa “Hư Vô” đã trở thành một hiện tượng xã hội hết sức phổ biến. Danh tiếng của họa sĩ Âu Dương cũng vì thế mà ngày một bay xa, không một nhân vật quyền thế và có máu mặt nào trong thành phố lại không biết đến ông cả, kể cả ngài tỉ phú Sơn Mozart đáng mến cũng vậy.

Đến đây, kể cũng nên sơ qua một chút về tiểu sử của ngài tỉ phú Sơn Mozart. Sở dĩ người ta gọi là tỉ phú, vì ngài rất giàu, có thể nói là giàu nhất nhì cái thành phố này vậy. Thủa hàn vi, nghe nói là ngài chỉ học hết lớp năm lớp sáu gì đó rồi bỏ nhà đi làm thuê biền biệt. Đến năm ngoài hai mươi tuổi, sau khi đã lang bạt kỳ hồ, ngài bắt đầu dừng lại và trú chân ở thành phố này. Với nghề buôn bán sắt vụn, tích tiểu thành đại rồi ngài cũng có được một số vốn kha khá. Sau đó thì ngài chuyển sang kinh doanh đủ thứ mặt hàng, từ điện tử điện lạnh cho đến bảo hiểm và kể cả lĩnh vực bất động sản nữa. Nhờ có nhiều mánh mung cũng như các mối quan hệ rộng, ngài giàu và phất lên rất nhanh. Người ta ước lượng sự giàu có của ngài thông qua số lượng tài sản chìm nổi, những cơ sở kinh doanh mà ngài sở hữu, những tài khoản kếch xù gửi trong ngân hàng. Và họ nhận ra rằng, ngài rất, rất giàu. Để tương xứng với cái sự giàu đó, không có cái tên nào phù hợp hơn để đặt cho ngài ngoài danh xưng tỉ phú cả. Dĩ nhiên là người nổi tiếng nào thì cũng có người yêu kẻ ghét. Những người thiếu thiện cảm thì gọi ngài là trọc phú, nguyên nhân cũng bởi cái sự ít học và xuất thân hàn vi của ngài. Ngài tỉ phú có một thói quen rất thượng lưu, ấy là thích nghe nhạc giao hưởng. Mặc dù ngài chẳng hiểu mô tê gì về âm nhạc cả, nhưng mỗi khi nghe nhạc giao hưởng thính phòng, ngài lại lim dim con mắt, một tay thì đánh nhịp, tay kia thì vung vẩy như một vị chỉ huy dàn nhạc đại tài mà người ta vẫn thường hay thấy trên ti vi vậy. Trong số các nhạc sĩ của dòng nhạc giao hưởng, ngài tỉ phú đặc biệt hâm mộ nhạc sĩ thiên tài Mozart của nước Áo. Chính vì vậy mà người ta gọi ngài là Sơn Mozart cho dễ nhớ. Từ đó, cái tên Sơn Mozart này cũng được thiên hạ ưa thích và sử dụng phổ biến hơn cả.

Ngoài ngôi biệt thự mặt phố sang trọng mà cả gia đình hiện nay đang ở, cách đây vài năm, ngài tỉ phú Sơn Mozart còn cho xây thêm một tòa lâu đài nữa ở ngoại ô để cho mình dưỡng già. Tòa nhà được xây trên một mảnh đất mà trước đây ông mua lại từ một công ty nhỏ phá sản. Đó là một mảnh đất đẹp, nằm gần đường quốc lộ và rộng đến cả ngàn mét vuông. Tòa lâu đài cao ba tầng, có đến gần vài chục phòng và được kiến trúc theo lối tân cổ điển Châu Âu lộng lẫy. Nhằm trang trí cho công trình sắp hoàn thành của mình, ngài đã vung tiền ra để sưu tầm các đồ vật quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới mang về đây. Nào là tranh Ý, thảm Ba Tư, rồi thì gốm sứ Trung Quốc và còn có cả Ngà Voi từ lục địa đen Châu Phi nữa. Có thể nói, trong lâu đài của tỉ phú Sơn Mozart lúc này gần như đã có đầy đủ hầu hết các bảo vật đắt giá ở trong thiên hạ. Tuy vậy nhưng kho báu của ngài vẫn còn thiếu một thứ quan trọng, mà ngài cho rằng nếu không có nó thì những thứ kia cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngài muốn thứ quan trọng ấy phải được trưng bày ở một nơi sang trọng nhất, được nhiều người nhìn thấy nhất mỗi khi ra vào tòa lâu đài của mình. Cũng vì ý tưởng đó mà ngay từ khi xây dựng công trình, ngài đã cho thiết kế ở đại sảnh một chỗ để treo bức tranh khổ lớn của trường phái “Hư Vô” bất hủ.

Bữa ấy, sau khi đã dùng xong món điểm tâm buổi sáng tại nhà riêng, ngài cho gọi quản gia (là một người đàn ông đã lớn tuổi) đến hỏi:

- Ngươi biết họa sĩ Âu Dương chứ?

Viên quản gia cong người như con Tôm, đáp:

- Dạ, ngài ấy là người sáng lập nên trường phái “Hư vô”. Khắp cả thành phố này, ai mà chẳng biết đến tên tuổi của người họa sĩ trứ danh ấy ạ!

Ngài tỉ phú mỉm cười, gật đầu hài lòng.

- Nhà ngươi hãy mời ông ta đến đây ngay! Ta muốn gặp!

Quản gia nhíu mày, gãi đầu gãi tai định nói thêm điều gì đó, nhưng ông chủ của anh ta đã nóng nảy xua tay:

- Ta nói vậy thì nhà ngươi cứ thế mà làm theo! Chớ có hỏi nhiều!

Kể từ khi nổi danh, họa sĩ Âu Dương đã từng được tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều những nhân vật quyền quý của giới thượng lưu. Nhưng với ngài tỉ phú Sơn Mozart lần này thì lại khác hẳn, cầm tờ danh thiếp của ông ta trên tay mà ông không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ. Đến nổi khi người quản gia của ngài tỉ phú đi rồi mà ông vẫn cứ đứng mân mê mãi tờ danh thiếp trên tay, lòng những phân vân tự hỏi không biết ông ta muốn tìm gặp mình có việc gì? Xét về mặt xã giao, một họa sĩ nghèo như ông thì cũng không thể không nể mặt ngài tỉ phú được. Hơn nữa, chính ông cũng đang tò mò muốn tận mắt mục sở thị con người giàu có và nổi tiếng nhất nhì thành phố này. “Biết đâu lại bắt gặp một mối làm ăn lớn!” – Ông tặc lưỡi tự nhủ như vậy. Thế rồi sau khi đã lựa chọn cho mình một bộ comple phù hợp nhất để mặc vào, ông vội vàng thu xếp để đến gặp ngài tỉ phú ngay.

Chừng 15 phút sau thì taxi đã đưa họa sĩ Âu Dương có mặt tại tòa lâu đài của ngài tỉ phú Sơn Mozart.

Một nữ nhân viên xinh đẹp ra đón họa sĩ Âu Dương ở cổng và dẫn ông đi theo mình. Họ đi qua một khoảng sân rộng được trồng rất nhiều những giống cây hoa quý hiếm rất đẹp. Ở khoảng giữa sân, có một cái đài phun nước được bao quanh bởi những thảm cỏ xanh rì. Thấp thoáng sau rặng liễu rũ bóng, một nhóm người đang thi công lối đi quanh một cái hồ nước nhỏ. Cách đó một đoạn lại có mấy người nữa đang đúc chậu, tô tượng bên cạnh những đống vật liệu xếp chồng ngổn ngang. Tiếng cưa, xẻ, tiếng đục đẽo lách cách vang lên không ngớt. Cô gái bước đi với một dáng điệu khoan thai, làn eo thon lộ rõ trong bộ đồng phục màu xanh da trời được cắt may rất khéo và vừa vặn. Không chỉ xinh đẹp, mà mùi nước hoa đắt tiền trên người cô cứ không ngừng tỏa ra thơm lừng, quyến rũ. Họa sĩ Âu Dương hít một hơi dài cái hương vị ngất ngây ấy và bất giác có một liên tưởng thú vị. Ông cảm tưởng như mình đang lạc vào một khung cảnh thần tiên, mà cô gái kia chính là nàng tiên xinh đẹp đang dạo chơi thơ thẩn trong vườn đào. Lên đến tầng hai, họ đi qua rất nhiều lối rẽ quanh co có những chiếc cột tròn được ốp bằng đá cẩm thạch trắng. Những vòm hành lang rộng rãi được chạm khắc công phu cũng lần lượt hiện ra, cho thấy sự kỳ công, tỉ mỉ của một công trình thế kỷ. Cuối cùng, hai người dừng lại trước một căn phòng lớn ở vị trí chính giữa tòa nhà.

- Mời ngài vào! Ông chủ đang đợi ở trong đó! – Cô gái nói và chìa bàn tay đeo găng trắng muốt, miệng cười như hoa đào hé nở.

Vẻ tráng lệ của căn phòng khiến cho họa sĩ Âu Dương choáng ngợp, tất cả đều rất đẹp, rất sang trọng và nằm ngoài trí tưởng tượng của ông. Một màu vàng rực rỡ chói lòa khiến ông bất giác phải đưa tay lên che mắt. Nhưng đó không phải là ánh đèn điện, mà là thứ ánh sáng được tỏa ra từ các đồ vật mạ vàng bên trong căn phòng. Họa sĩ Âu Dương có cảm tưởng như mình chính là anh chàng Alibaba nghèo khó thủa nào, ngay khi nhìn thấy cánh cửa của kho báu vừa được mở ra sau câu thần chú nhiệm mầu. Bối rối và hoang mang, ông quay lại toan hỏi thì thấy cô gái lúc nãy đã lui gót tự lúc nào.

Nhìn căn phòng bóng loáng, sạch như lau như li không một hạt bụi, họa sĩ ái ngại ngó xuống đôi giày lấm lem của mình, rồi sau phút lưỡng lự, ông cũng mạnh dạn bước vào bên trong. Căn phòng rộng đến nổi, họa sĩ Âu Dương có cảm giác những bước chân của mình như đang bơi ở trong đó vậy. Những chùm đèn bằng pha lê trong suốt, những đồ vật dát vàng óng ánh cứ thế lần lượt lướt qua mà ông chẳng thể nào đếm xuể. Đã vài lần họa sĩ đưa tay lên sửa lại vành mũ để cố dấu đi cái cảm giác hồi hộp, lo âu, và rồi chẳng biết từ lúc nào ông đã đứng trước bộ bàn ghế sang trọng được kê ở mãi tận góc phòng ấy. Một người đàn ông to béo ngồi ở đó, phía sau có hai vệ sĩ mặc áo vest đen đang đứng. Họ nhìn ông mà như không nhìn, vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm. Người đàn ông đang ngồi thấy họa sĩ xuất hiện thì nét mặt tỏ vẻ hơi vui, trên cặp môi dày và bóng nhẫy nở một nụ cười dè sẻn như để chào đón vị khách quý viếng thăm.

- Chào ngài! Ngài muốn tìm gặp tôi? – Họa sĩ bước tới, chủ động lên tiếng trước và chìa bàn tay của mình ra.

- Mời ngài ngồi! – Ngài tỉ phú nói bằng một giọng hơi the thé và bắt tay họa sĩ trong khi vẫn ngồi, bàn tay ông ta múp míp, mềm và lạnh như băng.

Khách cảm ơn chủ nhà và khép nép ngồi xuống. Lần đầu tiên trong đời, ông được ngồi trên một chiếc ghế vừa đẹp vừa sang trọng đến như vậy.

Lúc này, họa sĩ mới có dịp nhìn kỹ hơn con người đang ngồi trước mặt mình.

Đó là một người trạc tuổi ông, ăn vận toàn đồ tây và chân cũng đi một đôi dày tây màu đen bóng nhẫy. Thân thể ông ta phì nộn, đến nổi có cảm giác như những chiếc cúc của chiếc áo sơ mi đang mặc trên người vì thế mà có thể bị bung ra bất cứ lúc nào. Trong khi ngài tỉ phú cúi xuống, cái cằm có ngấn cứ bành ra giống hệt như một vòng đai bằng thịt đeo quanh cổ. Ngài đang ngồi trên một chiếc ghế mạ vàng được chạm rồng phượng, nom giống như ngai vàng trong cung điện của các vị hoàng đế thời xưa. Trên khuôn mặt hồng hào và béo tốt của con người thành đạt ấy, luôn toát lên một vẻ gì đấy của sự tự mãn, quyền uy.

Một nam phục vụ bóng bẩy trong bộ đồng phục trắng bê khay đồ uống từ phòng trong đi ra. Anh ta tiến đến trước mặt khách, lịch sự đặt lên bàn hai ly nước cam rồi lại lặng lẽ quay gót vào trong.

- Tôi mời ngài đến đây là vì có chút việc! Chẳng hay ngài có sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của tôi? – Ngài tỉ phú nói và đưa bàn tay có đeo nhẫn kim cương rút một điếu xì gà, châm lửa.

- Xin ngài cứ nói. Tôi đây xin nghe! – Họa sĩ chắp hai tay vào nhau, nhìn người đối diện một cách chăm chú. Trong thâm tâm, ông vẫn đang cố đoán thử xem vị chủ nhân kia muốn nhờ vả hay mong muốn điều gì ở mình.

Ngài tỉ phú khoát rộng cánh tay:

- Số là tôi đang chuẩn bị khánh thành tòa biệt thự của mình. Đó là một công trình nghệ thuật thực sự. Nó rất đồ sộ và tốn kém, có giá trị cả về mặt kiến trúc lẫn văn hóa, nghệ thuật. Và để xứng đáng với công trình thế kỷ ấy, tôi muốn đặt ngài một bức tranh được vẽ theo trường phái “Hư vô” để treo ở đại sảnh tòa nhà. Vì chỉ có tranh của ngài thì mới xứng đáng được gọi là đỉnh cao của hội họa – Ngài tỉ phú dừng lại giây lát, vỗ vỗ bàn tay vào trán như để cố nhớ ra điều gì, rồi nói tiếp - Cũng giống như thể loại giao hưởng trong âm nhạc vậy. Dù không lời, nhưng người ta sẽ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó thông qua giai điệu và nghệ thuật trình diễn nhạc cụ. Tranh của ngài cũng như vậy!...

- Ngài quả đúng là một con người am hiểu nghệ thuật! – Họa sĩ tươi cười đáp lễ, trong lòng cảm thấy vui vui.

Hai cánh mũi của ngài tỉ phú cứ thế phồng lên xẹp xuống, còn da mặt thì đỏ ửng lên như bị cảm nắng, rõ ràng là ngài đang rất cảm động. Sau khi dành vài giây để tiêu hóa lời khen ngợi chân thành đó, ngài bất giác thở dài rồi vỗ nhẹ bàn tay xuống mặt bàn mà than rằng:

- Đúng là thiên tài mới biết thiên tài! Chỉ có họa sĩ Âu Dương là người hiểu ta mà thôi!

Không gian quanh chiếc bàn lắng lại chừng vài phút như để sẻ chia và cảm thông với sự buồn rầu chính đáng của ngài chủ nhân tòa lâu đài.

- À! Suýt nữa thì tôi quên mất! – Ngài tỉ phú giơ bàn tay lên, nói thêm – Tôi muốn bức tranh phải được vẽ xong đúng dịp khánh thành tòa nhà vào tháng sau!

- Nếu vậy thì xin ngài hãy dẫn tôi đi xem ngay bây giờ! – Họa sĩ Âu Dương nhấp nhổm trên ghế, có vẻ như ông cũng đang rất sốt ruột muốn được đi khảo sát thực địa công trình.

Cả bốn người họ đều rồng rắn kéo nhau đi xuống đại sảnh. Ngài tỉ phú Sơn Mozart bước đi đường bệ, hai cánh tay ngài khuỳnh khuỳnh sang hai bên vì cái bụng to quá cỡ của mình. Họa sĩ Âu Dương gò lưng khiêm tốn đi bên cạnh, dáng điệu gầy gò và thư sinh. Hai người vệ sĩ lúc này cũng đi ngay phía sau, cách ngài tỉ phú và ông họa sĩ chỉ vài bước chân. Đại sảnh nằm ở tầng một, ngay lối cửa chính đi vào tòa lâu đài.

Ngài tỉ phú ngước mắt nhìn lên, chỉ tay vào vị trí treo bức tranh:

- Ngài xem! Một bức tranh khổ lớn, có chiều dài ba mét, chiều rộng hai mét lận. Ngài định tính chi phí bao nhiêu cho bức tranh vĩ đại này?

Tuy khá thú vị với cách dùng từ mang tính thậm xưng của của ngài tỉ phú, nhưng họa sĩ vẫn tỏ ra khiêm nhường:

- Tôi không dám nói bức tranh đó là vĩ đại. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Thưa ngài! Còn về mặt chi phí, xin tùy ngài định liệu!…

- Tôi trả cho bức tranh này hai triệu đô. Nếu làm tốt sẽ được thưởng thêm. Như vậy đã đủ cho ngài làm việc hay chưa?

- Dạ đủ! …Đủ lắm ạ!... – Họa sĩ Âu Dương lắp bắp như không tin vào tai mình. Đây là món tiền rất lớn đối với một họa sĩ nghèo như ông.

Họa sĩ Âu Dương đưa mắt quan sát khắp xung quanh một lượt, rồi nói thêm:

- Cứ theo ý tôi thì khung của bức tranh này phải được làm theo lối cổ điển thì mới phù hợp. Và để cho màu sắc tương quan với bối cảnh nơi này, nó cũng phải được mạ vàng!

- Phải! Phải! Vậy thì mong ngài họa sĩ cứ thế mà làm đi cho! – Ngài tỉ phú đưa tay vân vê cằm, tỏ vẻ hài lòng.

o0o

Tại buổi lễ khánh thành tòa lâu đài của ngài tỉ phú Sơn Mozart. Những chiếc bàn tròn được phủ khăn trắng muốt kê xen kẽ dưới những tán cây xanh tốt trước sân lâu đài. Thấp thoáng những nhân viên phục vụ đi lại giữa các hàng ghế nỉ sang trọng, tiếng loa, tiếng nhạc xập xình, quang cảnh như trong một buổi dạ tiệc ngoài trời. Có rất nhiều các quan khách thuộc giới thượng lưu đã có mặt ở đây. Ở hàng ghế đầu, họa sĩ Âu Dương đang ngồi trò chuyện vui vẻ cùng với mấy người quen và khách hàng cũ. Cũng như ngài tỉ phú Sơn Mozart, rất nhiều người trong số họ đã từng mua và treo tranh của trường phái “Hư Vô” trong nhà mình. Chỉ có điều là chưa ai từng dám bỏ ra một số tiền lớn như vậy cho một bức tranh như ngài tỉ phú đã làm. Bức tranh ấy lúc này đã được treo vào vị trí ở trên đại sảnh, bên ngoài phủ một tấm lụa màu hồng rất đẹp. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ giây phút xuất hiện của ngài chủ nhân tòa lâu đài nữa mà thôi.

Đúng 9 giờ 30 phút, một chiếc xe Mercedes màu đen bóng lộn từ phía ngoài cổng lâu đài chầm chậm chạy vào và đỗ xịch ngay trước thềm đại sảnh. Cửa xe mở, ngài tỉ phú bước ra trong bộ comple sang trọng, hai bên có vệ sĩ đi kèm. Sau khi giơ tay và mỉm cười để chào khắp lượt các vị quan khách hiện diện, ngài tỉ phú trịnh trọng ngồi vào chỗ ghế danh dự của mình. 

Người chủ trì mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng có thắt nơ ở cổ nhanh nhẹn bước lên sân khấu. Bằng một chất giọng cao và rất vang, anh ta bắt đầu đọc lời giới thiệu nội dung của buổi lễ khánh thành. Rồi khi tiếng vỗ tay của các quan khách vừa ngớt, người đó quay nhìn về phía hàng ghế danh dự, hào hứng cất cao giọng:

- Xin giới thiệu với quý vị một vị khách thật đặc biệt, đồng thời cũng là tác giả của bức tranh vĩ đại hôm nay: Họa sĩ Âu Dương!

Nghệ sĩ Âu Dương trong bộ đồ lụa màu mỡ gà quen thuộc, đầu đội mũ bê rê, chậm rãi đứng lên trong tiếng vỗ tay không ngớt. Ông bước đến bên ngài tỉ phú, lịch sự đưa tay lên mời. Ngài tỉ phú cũng hãnh diện đứng dậy, đưa bàn tay run run chỉnh đốn lại trang phục của mình rồi cùng sánh bước với họa sĩ trứ danh Âu Dương tiến về phía đại sảnh. Khi họ đã đứng bên dưới chỗ treo bức tranh, họa sĩ lại giơ tay lên mời lần nữa. Với một vẻ mặt hết sức nghiêm trang, ngài tỉ phú đưa tay cầm lấy sợi dây, giật mạnh. Tấm vải lụa màu hồng từ trên cao tụt dần xuống đất, để lộ ra bức tranh của trường phái “Hư Vô” vĩ đại. Đó là một bức tranh khổ lớn, khung mạ vàng rất đẹp, bên trong được căng một tấm vải màu xanh nước biển.

Giây phút ấy như bùng nổ, người ta ùa lên sân khấu, rồi người ta tung hô và tán tụng vẻ đẹp của bức tranh không ngớt.

Chẳng biết từ lúc nào, viên quản gia đã dẫn theo cả một đám gia nhân xúm xít vây quanh ngài tỉ phú Sơn Mozart để hầu hạ. Bằng một chất giọng xu nịnh đã được tôi luyện lâu năm, hắn ta khom người, xoa xoa hai bàn tay vào nhau, khúm núm:

- Bức tranh kia vẽ gì vậy, thưa ngài!

Ngài tỉ phú chắp hai ta ra sau lưng, quay người về phía bức tranh và nhắm nghiền mắt lại như đang thiền định. Vài giây sau, ngài mở bừng mắt ra, gật gù:

- Một bức tranh diễm lệ, chứa đựng hết thảy mọi vẻ đẹp ở trên đời! Nó thật là xinh đẹp và lộng lẫy! – Ngài thao thao bất tuyệt, rồi phẩy tay - Dĩ nhiên là chỉ mình ta hiểu được. Còn như các ngươi thì biết cái gì!...

Đám đầy tớ lại khom lưng, uốn lưỡi hót như khướu:

- Vâng! Vâng! Chỉ những bậc quyền quý và có văn hóa cao như ngài thì mới hiểu được thôi ạ!....

Được khen, ngài tỉ phú đứng thẳng người lên, ưỡn ngực và nở một nụ cười đầy mãn nguyện. Nhưng để có được nụ cười ấy, ngài đã phải bỏ ra mất hai triệu đô la. Cổ nhân nói quả không sai: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Ngài tốn cả núi tiền như vậy chỉ để mua một cái khung tranh mạ vàng và tấm vải tô màu, nhưng giả như bây giờ mà có đem biếu không thì chắc cũng chẳng có ai rước đi cho vậy.

Dĩ nhiên, chỉ có họa sĩ Âu Dương là người biết được nội dung của bức tranh ấy chứa đựng những gì. Đó chính là những thói hám danh, thói a dua và sĩ diện hão của những con người có danh vọng nhưng trí tuệ thì lại hết sức kém cỏi, tầm thường.