Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Một thủa yêu Đài

       

Con đường đất đỏ chạy quanh co, nom xa như một dải lụa màu nằm vắt ngang cánh đồng lúa chín vàng. Mặt trời đã khuất sau những rặng tre, không gian phút chốc trở nên bừng sáng trong ánh hoàng hôn rực rỡ lan tràn lên khắp mọi cảnh vật. Cánh đồng thôn đang vào vụ gặt, khắp đồng trên bãi dưới lúa trổ chín vàng, trĩu hạt, sai bông. Ở chỗ những đám ruộng vừa mới gặt xong, cò trắng, sếu và cả lũ chim se sẻ liền sà ngay xuống để nhặt những hạt rơi hạt vãi, chúng tranh giành thức ăn, quàng quạc gọi nhau ầm ĩ cả một vùng. Những người thợ gặt lúc này đã bắt đầu từ ngoài cánh đồng lục tục trở về trong thôn. Trên con đường đất đỏ bụi mờ, người, xe trâu, xe kiến an đi thành một hàng dài, chậm chạp và uể oải như một đoàn quân thất trận.

Trong ngôi nhà của mình ở rìa thôn, ông Thái đang đứng bên bụi hoa giấy nhìn cảnh tượng đó với một thái độ bình tâm, lơ đãng. Cây hoa giấy nở đỏ cả một góc sân, che kín đến nửa thềm gạch hoa, khiến cho ngôi nhà trở nên đầy màu sắc, từ đằng xa đã có thể dễ dàng trông thấy. Nhà ông là công chức, không có ruộng, vì vậy mà ngày mùa không phải vất vả bận bịu như những nhà làm nông khác. Giờ này, tranh thủ lúc bà vợ đang bận nấu cơm dưới bếp, ông tự dành cho mình một khoảng thời gian riêng tư để có thể nhởn nhơ ngắm nhìn cảnh vật lúc chiều buông.

Vừa lúc nhìn thấy ông bạn hưu trí trong xóm đi qua, ông Thái liền cất tiếng gọi lớn:

- Ông Vũ đi đâu đấy? Mời vào trong này chơi uống hớp nước đã!

Đang cặm cụi bước đi, ông Vũ giật mình sững lại, đưa mắt nhìn lên, ngơ ngác. Nhận ra ông Thái đang đứng trên thềm tươi cười nhìn mình, ông buộc miệng “à” lên một tiếng đầy thú vị. Sau một thoáng lưỡng lự, ông quyết định quay lại, đưa tay đẩy nhẹ cánh cổng rồi bước vào trong sân.

- Ông ngồi xuống đây! ... Ngồi xuống đây! – Chủ nhà vui vẻ chìa tay vào chiếc ghế salon được làm bằng gỗ mun đen bóng, rồi sốt sắng rót nước.

- Chà! Chà! Mùa hè năm nay đến là nóng! – Khách ngồi xuống, miệng vẫn không ngớt lời phàn nàn về thời tiết, vừa nói vừa đưa ống tay áo lên để lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt gầy gò, rám nắng.  

- Mời ông xơi nước!

- Ông cứ để mặc tôi!

Nhấp xong ngụm nước chè, ông Vũ vớ lấy cái điếu thuốc lào, tra thuốc, rồi châm lửa rít một hơi thật sâu đầy sảng khoái.

- Vừa rồi ông định đi đâu mà nom hấp tấp làm vậy? – Ông Thái nheo mắt nhìn khách qua làn khói trắng mờ ảo, tò mò hỏi.

- Chà! Chuyện là thế này: Nhà tôi có mấy sào ruộng tiêu chuẩn của bà nhà nó, vì vậy mà phải đi thuê người gặt. Tôi đang định đi nhanh để tối về còn kịp nghe đọc truyện “Tây Du Ký” đây. Cái chuyện này hấp dẫn quá, tôi nghe mà chưa  bỏ buổi nào đâu đấy!...

Bị gãi đúng chỗ ngứa, ông Thái phấn chấn ngồi thẳng người lên, tặc lưỡi:

- Tôi cũng vậy. Nhưng tôi thì lại nghiện tin tức của cái anh BBC. Nghe hay và hấp dẫn lắm. Những người già như chúng mình, nếu quanh năm chỉ quanh quẩn với những thứ cũ kỹ thì đến là lạc hậu mất thôi. Phải luôn cập nhật kiến thức và làm mới mình để còn theo kịp thời đại ông ạ!…

Mặc dù lúc này chỉ có hai người, nhưng ông Vũ vẫn đảo mắt nhìn quanh như sợ có ai đó nghe thấy, rồi hạ thấp giọng:

- Sao cái đài BBC họ giỏi thế ông nhỉ? Ở mãi tận đẩu tận đâu bên trời tây mà người ta đưa tin tức trong nước mình đến là chính xác. Nói ông bỏ quá đi cho…chứ theo tôi thì họ nói còn đúng hơn cả đài của ta ấy chứ!….

- Vì họ là kênh truyền thông quốc tế, họ làm việc theo đúng nguyên tắc trung thực, không thêm thắt, không chụp mũ hay đổ oan cho ai cả!…Tóm lại là họ làm việc có luật lệ! - Ông Thái vui vẻ giải thích. Mỗi khi đả động đến chủ đề này, bao giờ ông cũng nói với một thái độ hết sức tâm huyết và nhiệt tình như thế.

Ông vũ vỗ hai bàn tay vào nhau nghe đánh “đét” một tiếng, rõ ràng là ông đang rất tâm đắc, nét mặt rạng rỡ hẳn lên:

- Tôi cũng thích thế ông ạ! Giống như con người ta sống ở trên đời, phải khách quan trung thực. Có sao nói vậy, không thiên vị, không đặt điều cho ai!…

- Đúng quá đi chứ lị!

Trước khi châm lửa để hút thêm điếu nữa, khách còn tì cằm vào miệng cái ống điếu tròn tròn, hé mắt nhìn chủ nhà:  

- Cả thằng cháu nội mới lớn của tôi cũng mê nghe đọc “Tây Du Ký” ông ạ. Tối nào hai ông cháu cũng nằm cùng nhau để nghe đài. Tại sao Trung Quốc họ lại có những tác phẩm văn học cổ điển hay và hấp dẫn đến thế kia chứ? Giọng đọc của phát thanh viên thì hay hay là!…

Hút xong điếu thuốc, mới sực nhớ là mình đã ngồi chơi quá lâu, ông Vũ vội đứng dậy, chụp lấy cái mũ bê rê đội lên đầu:

- Thôi, chào ông! Bây giờ tôi còn phải đi đây! Kẻo lại nhỡ mất công việc!...

Ông Thái lịch sự tiễn khách ra đến tận cổng. Sau khi đã bắt tay tạm biệt và hẹn hôm sau đi họp tổ thơ, ông khép cánh cổng lại, rồi chậm rãi quay gót trở vào.

Từ phía trời tây, những đám mây đen đủ hình thù vần vũ kéo tới, phút chốc cảnh vật bổng trở nên tối sầm. Ở một nơi nào đó xa xôi, tiếng sấm ì ùng vọng lại tựa như âm thanh của những tiếng trống trận trầm hùng. Những cây hoa xuyến chi bên đường bị gió thổi rạp, cánh hoa rụng xuống, bay là là, trắng muốt trên mặt đất như những đám lông ngỗng. Mấy bữa nay, chiều nào trời cũng động như thế nhưng vẫn chưa thấy có mưa.

o0o

Bữa cơm tối vừa mới xong được một lúc thì ông Thái đã ngồi ngay vào chỗ chiếc bàn quen thuộc để chuẩn bị nghe đài. Chiếc đài orionton chạy bằng pin mà ông vẫn sử dụng suốt bao năm nay, kể từ hồi còn làm bên thương nghiệp. Đó là một cái đài màu trắng, chỉ nhỉnh hơn cuốn sách giáo khoa chút ít, mặt trước có những đường kẻ ngang dập nổi nom rất tinh tế và thanh lịch. Bao giờ cũng vậy, ông mở đài theo dõi tin tức và ca nhạc trong nước một lúc, sau đó mới chuyển sang nghe đài BBC. Về hưu đã hai năm nay, nhưng thói quen đó ông vẫn duy trì đều đặn. Giờ này con cái đã ra cửa nhà cả, chỉ còn lại hai ông bà, thời gian rỗi, ông thường bật radio nghe suốt, mục đích cũng là để cho vui cửa vui nhà.

Lúc này công việc dọn dẹp ở dưới bếp đã xong, bà Ngà – vợ ông Thái - tắt đèn rồi chậm rãi đi lên nhà trên. Đó là một người đàn bà ốm yếu, cao và gầy nhẳng như một con chuồn chuồn kim. Đối lập với cái nhan sắc tồi tàn của vợ, ông Thái lại là một người đàn ông có vẻ ngoài phương phi và đầy phong thái lịch lãm. Đi qua chỗ chiếc bàn, bà dừng lại và nhìn ông với ánh mắt xét nét đầy vẻ nghiêm khắc của một người vợ luôn dành sự quan tâm chăm sóc tới chồng.  

- Tôi cảm thấy trong người không được khỏe. Tôi đi nằm trước đây! – Bà nói và đưa tay lên xỉ mũi như người sắp ốm.

- Bà cứ nghỉ trước đi! – Ông đáp mà không nhìn vợ, bàn tay vẫn vặn qua vặn lại cái nút dò sóng một cách nhuần nhuyễn đến độ thuần thục.

Bà già đi được vài bước thì như chợt nghĩ ra điều gì, bèn quay người lại, cất giọng rề rà:

- Mà ông cũng nên bớt bớt thức khuya nghe đài một chút đi. Già rồi thì phải biết giữ gìn sức khỏe chứ! Người ta nói cái đạo dưỡng sinh là phải đi ngủ trước mười giờ tối đấy!…Ông xem lại ông kìa!…Dạo này người thì ốm yếu, da dẻ nhăn nheo… Cũng chỉ tại cái thói hay thức khuya nghe đài và hút thuốc lá cả thôi!

Bực mình vì cứ bị phê bình mãi, ông xua tay, gạt phắt đi:

- Tôi biết rồi. Bà đừng nói nhiều nữa!

Nhưng bà vợ vẫn cố tình làm già, giơ ngón tay lên, dọa:

- Dạo này người ta cấm tiệt nghe đài nước ngoài rồi đấy. Cái đài trê…trê…trê…gì đó (Đó là cách mà bà vẫn thường dùng để phiên âm từ BBC) nghe nói cũng là đài phản động, đài địch đấy. Ông mà nghe, người ta bắt cho thì khốn!…

Ông châm điếu thuốc, rít một hơi dài rồi nhăn mặt:

- Mình chỉ nghe tin tức thời sự, toàn thứ khách quan, trung thực cả. Có gì mà phản động hay không phản động kia chứ?

- Ông nghĩ vậy. Nhưng người ta thì không nghĩ như vậy đâu? Cứ mà liệu liệu hồn đấy!...

Bà già nói xong thì lê dép lẹt xẹt đi về giường mình, hai cánh tay xương xẩu vung vẩy nom giống như hai chiếc bơi chèo trên chiếc thuyền độc mộc đang lướt sóng trên mặt hồ thu.  

Thoát được bà vợ già lắm chuyện, ông Thái thở phào rồi quay trở lại với cái không gian yên tĩnh của riêng mình. Ông bắt đầu súc ấm pha trà, động tác chậm rãi, cẩn trọng như một cố đạo đang tiến hành nghi thức tôn giáo trong nhà thờ. Với ông, nghe đài là lúc cần phải nghiêm túc nhất, phải dành tất cả mọi sự tập trung trí tuệ vào đấy. Những lúc ấy ông không muốn bị ai quấy rầy, chỉ một mình đối thoại với chiếc đài, và coi nó như là một người bạn vong niên, tri kỷ vậy. Đúng 9 giờ 30 phút, ông chuyển sóng mở đài BBC. Ông tựa lưng vào thành ghế một cách thật thoải mái, vừa nghe tin tức, vừa gật gù nhâm nhi tách trà ngon. Những khi bắt gặp thông tin thú vị, ông lại mỉm cười một mình, những nếp nhăn trên trán cứ giãn ra rồi lại nhíu lại như nếp gấp trên một chiếc đàn Accordion.

Thời gian này, nhà nước đang có chỉ thị cấm người dân không được nghe đài nước ngoài. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vừa mới kết thúc chưa được bao lâu, quan hệ hai nước Việt - Trung trở nên thù địch, vì vậy mà đài phát thanh Trung Quốc cũng bị liệt vào danh sách “Đài địch” và cấm nghe.  

Nhưng người ta vẫn lén lút nghe đài hải ngoại, bằng cách mở thật nhỏ ở trong nhà và chỉ nghe những lúc có một mình. Tại sao bị cấm đoán như thế mà người ta vẫn thích nghe? Sự gì thì cũng có nguyên nhân của nó cả. Ấy là vì đài BBC có nhiều tin tức thời sự trong nước và quốc tế hấp dẫn, còn đài Trung Quốc thì lại thường có những tiết mục đọc truyện rất hay và li kỳ. Hồi ấy đài radio ít lắm, và cũng chỉ những gia đình có điều kiện thì mới có thể mua được mà thôi. Và những chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu chạy bằng pin ấy cũng đã hoàn thành được cái sứ mệnh thiêng liêng của mình, ấy là trở thành phương tiện hữu hiệu để kết nối con người ta với cái thế giới bao la rộng lớn bên ngoài.

Cũng vì yêu đài, ông Thái đã cùng với mấy người bạn nữa ở trong xã lập thành một nhóm những người có cùng sở thích. Các cụ thường đến nhà nhau chơi, ngồi uống nước, nghe đài, rồi bàn luận một cách thoải mái và rôm rả. Dần dà, nó trở thành một nét sinh hoạt văn hóa mà chính cái bối cảnh xã hội đương thời ấy đã thai nghén và hun đúc nên.  

o0o

Ở xóm dưới – Cách chỗ nhà ông Thái không xa - có một anh chàng tên Tuấn vốn rất thích nghe đọc truyện “Tây Du Ký”. Người ta thường gọi anh ta là “Tuấn sứt”, vì anh chàng có cái răng sứt nơi cửa miệng. Mỗi khi anh cười lại để lộ hàm răng thiếu hụt, nom rất duyên và y hệt như một anh hề chèo trên sân khấu vậy. Anh chàng người nhỏ thó, da đen nhẻm nhưng vui tính lắm. Tuy năm nay đã hai mươi lăm, hai sáu tuổi gì đó nhưng Tuấn vẫn chưa chịu lấy vợ, ở nông thôn mà như vậy thì cũng được coi là muộn rồi. Nếu chỉ thế thôi thì anh chàng cũng chưa thể trở thành người nổi tiếng được. Sở dĩ người ta biết nhiều đến Tuấn là do anh ta nhớ dai và có biệt tài kể chuyện rất hay. Dù chỉ ở nhà làm ruộng và không học hành gì mấy, nhưng hễ nghe đài đọc truyện “Tây Du Ký” đến đâu thì anh lại thuộc làu làu ngay đến đó. Đến nổi, mỗi khi gặp anh ở đâu, người ta thường đùa:

- Thế nào anh Tuấn! Dạo này thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh đến đâu rồi?...

Thế là anh ta vén tay áo, ngồi bệt ngay xuống bất cứ chỗ nào thuận tiện và bắt đầu kể vanh vách, không sai một chi tiết nào. Không chỉ hấp dẫn mà anh còn diễn đạt rất đúng cái văn phong của thể loại tiểu thuyết chương hồi xưa trong tác phẩm nữa, thật đến là kỳ tài. Đặc biệt, anh chàng nhại rất giống giọng các nhân vật như người ta đọc trong đài. Nhất là cái giọng ngô nghê, ồm ồm của Trư Bát Giới, khiến cho các cô gái trẻ cứ phải lấy tay che miệng mà cười như nắc nẻ.

Cuộc sống làng quê ngày thường vốn vẫn yên ắng và ít khi có những tin tức hay sự kiện gì đáng kể. Thi thoảng mới có một vài vụ vợ chồng đánh ghen hay hàng xóm mâu thuẫn vì trâu nhà này húc đổ bờ rào của nhà kia chẳng hạn. Những chuyện đó lâu ngày thì người ta cũng quen, chẳng có gì là hấp dẫn nữa. Nhưng rồi giữa cái không khí có vẻ u buồn và tẻ nhạt ấy, bất chợt lan truyền một thông tin sốt dẻo và ngay lập tức trở thành chủ đề tán gẫu của mọi đối tượng, nhất là những người trung và lớn tuổi. Đến nổi người ta chắc chắn là nó sẽ dẫn đầu và công phá hầu hết mọi bảng xếp hạng trong năm. Ấy là cái tin Ông Thái và anh Tuấn sứt bị công an xã bắt vì tội nghe đài địch.

Chuyện là thế này: Tối hôm qua, theo thói quen ông Thái lại mở đài BBC để nghe như thường lệ. Ông nằm trên giường, tắt đèn, rồi vặn nhỏ đài để nghe một mình. Nhưng điều không ngờ là ông đã bị mấy anh dân quân và công an xã tổ chức mật phục từ trước. Họ nấp sau hàng rào cúc tần, ngay sát chỗ bức vách có kê chiếc giường ngủ của ông. Như những con báo hoa rình mồi, họ ngồi im thin thít, trong khi tai thì vẫn tập trung lắng nghe mọi động tĩnh xung quanh. Đúng 9 giờ 30 phút tối, họ bắt đầu nghe thấy những âm thanh lẹt xẹt đầu tiên được phát ra từ chiếc đài orionton của ông. Rồi bản nhạc hiệu quen thuộc của đài BBC vang lên réo rắt, mời gọi. Một anh dân quân bấm tay vào vai anh kia, thì thào: “Đúng là đài địch rồi!. Bắt thôi!”. Anh đồng đội cũng thì thào không kém: “Đợi thêm chút nữa. Nhỡ lão chỉ vô tình mở lướt qua thì sao!”. Thế là họ lại im lặng, kiên nhẫn ngồi đợi để chờ có thêm tang chứng, vật chứng. Một anh ngồi đúng phải ổ kiến lửa, bị kiến đốt đau điếng, bật kêu lên thành tiếng: “Cha chả, lũ kiến này đốt đau thế”. Cũng may là anh ngồi bên cạnh đã kịp thời đưa tay lên bịt ngay cái miệng của anh tắp lự. Âm thanh bên trong vọng ra lúc rõ, lúc không, cứ chập chờn như chuồn chuồn đạp nước. Nguyên do là bữa ấy đài sắp hết pin, cho nên âm thanh mới bị ngắt quãng như vậy. Mặc dù sợ người ta nghe thấy, nhưng vì bản tin đang đến hồi hấp dẫn, ông Thái bèn vặn to cái chiết áp lên để mà nghe cho rõ. Thế là bằng chứng đã rõ ràng, đội phục kích lập tức xông vào và gõ cửa ầm ầm như cháy nhà. Khi ông Thái vừa ngơ ngác ra mở cửa, họ ập ngay vào nhà thu lấy tang vật rồi giải luôn ông ra ủy ban nhân dân xã một thể. Cùng lúc ấy, Tuấn sứt ở xóm dưới cũng bị bắt trong một hoàn cảnh tương tự, khi anh ta đang say sưa nghe đài phát thanh đọc truyện “Tây Du Ký”, một tác phẩm văn học cổ điển của Trung Quốc.

Tại trụ sở ủy ban nhân dân xã. Lúc này ông Thái cùng anh chàng Tuấn sứt bị trói cắp cánh ngồi trên chiếc ghế dài, hai bên có hai dân quân lực lưỡng và bặm trợn ngồi áp giải. Chỗ chiếc bàn gỗ lim có ngăn kéo phía đối diện, anh trưởng công an xã đang ngồi vân vê mấy cọng râu dài thòng dưới cằm với một vẻ mặt vô cùng tư lự. Anh ta trạc ngoài ba mươi tuổi, đầu rẽ ngôi cẩn thận, khuôn mặt chữ điền góc cạnh nom hơi dữ và uy nghiêm. Trước mặt anh để hai chiếc đài radio tang vật, một cái của ông Thái, còn cái kia màu đen và nhỏ hơn thì của anh chàng Tuấn sứt làng bên. Ngọn đèn điện treo trên cao tỏa ra những quầng sáng đỏ quạch khắp gian phòng chỉ rộng chừng vài chục mét vuông. Điện được chạy bằng máy phát cho nên yếu, khi mờ khi tỏ, khiến cho cảnh tượng thêm phần bí ẩn và nét gì đó xa xưa như trong thời trung cổ. Trên một chiếc ghế dài khác được kê sát bức tường, có mấy chiếc mũ cối được để thành hàng, cạnh đó là hai cái dùi cui bằng gỗ sơn đen nằm chỏng chơ như những đồ vật vô chủ.

Sau một hồi yên lặng, viên công an trưởng chống tay lên bàn, lớn tiếng hỏi ông Thái trước:

- Ông có biết nhà nước đã có chủ trương cấm nghe đài nước ngoài, đặc biệt là đài địch hay không? – Anh ta vừa nói vừa đưa tay lên sửa cái cổ áo quân phục chật cứng, nét mặt có vẻ khá căng thẳng.

Ông Thái vốn rất dị ứng với hai từ “Đài địch”, vì xưa nay ông chẳng coi ai là địch cả, con người ta dù là ai, sinh ra ở đâu thì đều có cái quyền cất lên tiếng nói của mình kia mà. Tuy vậy người ta đã bắt mình đến đây, chưa biết đúng sai thế nào, nhưng chắc chắn là người ta có quyền rồi. Cái vị thế anh ta ngồi trên cao để xét hỏi, còn ông thì bị trói dưới này cũng đã đủ nói lên điều đó.

- Dạ biết! – Ông Thái cúi đầu đáp lý nhí.

- Đã biết sao ông lại còn vi phạm? Định chống đối chính quyền hả?

- Oan cho tôi! Tôi già cả thế này, nào có sức mà chống ai đâu. Chỉ là vì muốn nghe tin tức để cho biết tình hình thế giới thôi mà! – Ông Thái nói liền một mạch, giọng ông van vỉ, như bị lạc hẳn đi trong mớ cảm xúc hỗn độn.

Anh công an nhìn chằm chằm vào mái đầu bạc đang rũ xuống ngật ngưỡng của người bị trói ngồi phía dưới, tiếp tục cái giọng sang sảng lúc nãy:

- Ông nói nghe đài nước ngoài để cho biết tình hình thế giới. Vậy đài của nhà nước chưa đủ hay sao?

Biết rằng mình chẳng làm điều gì sai trái, nhưng người ta đã bắt được mình đến đây thì dù có cãi lại cũng vô ích. Nghĩ thế cho nên ông Thái chỉ ngồi im lặng, không cãi lại, cũng không nói gì cả.

- Tại sao ông lại thích nghe đài BBC? - Anh công an quyết định đi thẳng vào vấn đề.

- Vì tôi thấy thông tin của họ bổ ích và chính xác!

- Vậy ông cho rằng thông tin của nhà nước ta không bổ ích và chính xác hay sao? – Lại một câu hỏi vặn nữa từ người thẩm vấn.

Cảm thấy khó trả lời, nhưng lần này ông Thái không né tránh nữa:

- Đài của ta cũng đúng, nhưng đài của họ còn đúng hơn!...

Anh công an không nhịn được nữa, đưa tay lên che miệng, phì cười:

- Ông căn cứ vào đâu mà lại cho rằng như vậy?...

Ông Thái dướn thẳng người lên để cho đỡ mỏi, rồi bắt đầu trình bày với một giọng rề rà như những lúc ông phải thanh minh với bà vợ già khó tính ở nhà:

- Thì anh cứ thử nghĩ mà xem…họ là người bên ngoài, bao giờ họ nhìn nhận sự việc cũng phải khách quan hơn mình chứ. Các cụ ta đã có câu “Cờ ngoài bài trong” kia mà. Cho nên họ nói đúng hơn ta là phải!...

Nói xong, ông mỉm cười đắc ý, tự thán phục cho câu trả lời có phần khôn khéo của mình vừa rồi.

Từ nãy đến giờ ngồi nghe cuộc đối thoại giữa hai người, anh dân quân áp giải ông Thái đã vài lần phải quay mặt đi để dấu nụ cười, vì anh cảm thấy mọi chuyện rất hài hước và có điều gì đó sai sai. Còn anh chàng Tuấn thì chẳng thể nào dấu được, vì mỗi khi cái răng sứt của anh nhe ra thì người ta cũng đủ biết là anh chàng đang buồn cười rồi.

Lần này viên công an có vẻ nghiêm túc. Anh ngồi im, đưa tay bóp trán nghĩ ngợi hồi lâu. Sau cùng, anh ta buông ra một tiếng thở dài, kèm theo lời nhận xét:

- Có vẻ như ông nói cũng đúng!

Nói xong anh giật nảy mình, dáo dác nhìn quanh như một cái máy báo lỗi tự động. Rồi như để lấp liếm đi cái sự hớ hênh vừa rồi của mình, anh ta quay sang phía Tuấn sứt, sẵng giọng:

- Còn anh. Tại sao lại nghe đài Trung Quốc?

Anh chàng Tuấn thấy hỏi đến mình thì cựa quậy người lo lắng, nhưng mỗi khi cử động mạnh, cái dây trói phía sau lại càng siết chặt hơn khiến anh cảm thấy đau đớn và khó chịu. Khác với ông Thái, anh là người ít học cho nên chẳng có gì phải cân nhắc, nghĩ ngợi cả. Vốn thấy sao nói vậy, anh trả lời thẳng tuột:

- Dạ!... Vì tôi mê truyện “Tây Du Ký” lắm!...

- Anh có biết quan hệ giữa hai nước hiện đang ở hồi căng thẳng hay không? Trong cuộc chiến biên giới năm ngoái, phía Trung Quốc đã giết hại hàng vạn đồng bào ta, đã tàn phá biết bao thành phố, làng mạc ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay không?...

Vốn tính đơn giản, anh chàng Tuấn không nghĩ vấn đề lại có thể trở nên nghiêm trọng như vậy. Cứ cho là vậy, nhưng với anh, việc phải giữ trong lòng những suy nghĩ bức xúc thì thật là khó khăn và dằn vặt lắm. Vậy nên anh mới trố mắt, hỏi lại:

- Nhưng tôi vẫn không thể nào hiểu nổi. Nghe đọc truyện thì có liên quan gì đến mối quan hệ giữa hai nước cơ chứ?

- Sao lại không liên quan! – Anh công an tức giận vỗ mạnh tay xuống mặt bàn, mắt long lên sòng sọc.

Rồi vì không tự chủ thêm được nữa, anh ta đứng bật dậy, chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại trong phòng như một người máy. Tất cả đều im lặng, chỉ còn nghe thấy những tiếng giày khua lộp cộp trong căn phòng chật chội, đều đặn như những nhát búa giận dữ bổ vào màn đêm thanh vắng và cả vào tâm thức của những con người đang có mặt nơi đây. Sau cùng, gót dày cũng dừng lại trước mặt Tuấn sứt, anh ta nhìn đối tượng bằng ánh mắt như thiêu như đốt rồi vung cánh tay một cách quyết liệt:

- Tôi chẳng biết là anh ngoan cố hay do quan điểm lập trường yếu. Nhưng nếu anh thực sự không hiểu thì hãy nghe tôi giải thích đây: Đánh ta ở biên giới cũng là địch, mà đọc truyện “Tây du ký” cũng là đài của địch. Địch, tất cả đều là địch cả! Hiểu chưa?...

Bị tiếng thét kích động, Tuấn sứt lại cựa mình bức xúc, anh chàng chép chép miệng mấy lần, có vẻ như vẫn còn muốn nói thêm điều gì đó nữa thì phải. Sợ đối tượng lại thốt ra những lời trái quan điểm, anh dân quân tái mét mặt, vội chộp lấy cổ anh chàng mà ghì xuống với một thái độ giận dữ. Bị đè mạnh quá, Tuấn sứt vẫn cố nén đau, cãi:

- Tôi thì vẫn chưa thấy thuận tai lắm! Vì chiến tranh biên giới là chuyện của bây giờ, còn tác giả “Tây Du Ký” là ông Ngô Thừa Ân thì sống ở thế kỷ 16, cách nay đã gần 400 năm rồi kia mà? …Thử hỏi ông ta có tội gì kia chứ?...

Vì cố nhịn cười, cho nên trong cổ họng ông Thái cứ phát ra những âm thanh khùng khục liên hồi, giống như tiếng kêu của một con gà trống mỗi khi nó xòe cánh để dụ dỗ đàn gà mái hoa vậy. Ông thán phục anh chàng Tuấn sứt kia lắm, bởi vậy mới tự nhủ: “Thằng cha này chẳng học hành gì cả, thế mà lập luận đâu ra đấy. Ăn đứt cả mình ấy chứ!”

Có vẻ như đã muốn kết thúc vấn đề, anh công an nheo mắt chăm chú nhìn hai đối tượng một lúc như để đánh giá nặng nhẹ, rồi chậm rãi đi về phía chiếc bàn, kéo ghế ngồi xuống. Sau rất nhiều những tranh cãi và lời qua tiếng lại, rốt cục lời tuyên án cũng được người ta đưa ra:

- Lần đầu vi phạm. Tha không phạt, nhưng tang vật thì phải bị tịch thu! – Anh công an dịu giọng và chỉ tay vào hai chiếc đài radio đang để trước mặt mình.

Rồi anh ta cầm lấy tờ biên bản đã viết sẵn, bắt đầu cao giọng đọc:

“…ngày 24 tháng 3 năm 1980

BIÊN BẢN VI PHẠM

………………….:

Dứt lời, anh trưởng công an đưa mắt về phía hai người dân quân, hất hàm:

- Cho mở trói! Để ký vào biên bản!…

Ông Thái lom khom tiến đến chỗ chiếc bàn, vừa đi ông vừa duỗi duỗi hai cánh tay tê dại do lúc nãy bị trói chặt để cho máu được lưu thông. Cầm cây bút lên, ông run run ký vào khoảng trống đã chừa sẵn trên tờ biên bản mà lòng những ngổn ngang tâm trạng.

Đường về khuya tối om, lũ chó cứ sộc ra từ những con ngõ sâu hun hút mà sủa nhặng xị cả lên. Mặc kệ trời tối, mặc chó sủa, ông Thái cứ thế xửng vững bước đi như một người say rượu. Cõi lòng ông đang tan nát vì buồn lo.  Hoàn cảnh ông lúc này chẳng khác nào một người mẹ phải rứt ruột bỏ đi đứa con mang nặng đẻ đau của mình. Chiếc đài orionton đã gắn bó biết bao kỷ niệm với cuộc đời ông vậy là đã không còn nữa. Người ta đã lấy nó đi mất, bởi một lý do mà ngay chính bản thân ông cũng chẳng thể nào hiểu nổi. “Nó đã bị lấy đi mất rồi! Mất rồi!” – Ông đau khổ đấm tay vào ngực mình, nghẹn ngào. Đoạn đường từ ủy ban xã về nhà ông rất ngắn, chỉ độ mấy trăm mét thôi, vậy mà ông phải đi đến hai mươi phút đồng hồ mới về được đến nơi.

o0o

Khoảng mấy năm sau sự kiện kể trên, tình hình thông tin đã trở nên tự do hơn. Lúc này nhà nước cũng không còn cấm người dân nghe đài nước ngoài hay nhạc vàng nữa. Để ăn mừng sự kiện này, ông Thái quyết định ra tận Hà Nội để tậu về một chiếc đài cassette mới cứng để nghe cho thõa nổi đam mê. Cái đài của Nhật màu đỏ, có đèn nhấp nháy đẹp mắt và cửa băng đằng trước để nghe nhạc nữa. Giá trị của nó cũng tốn đến cả mấy tháng lương hưu, nhưng vì ham thích cho nên ông không ngại tốn kém gì cả. Mang đài về nhà, ông cứ ngồi ngắm nghía và tự mình tấm tắc khen ngợi mãi không thôi. Nhất định là cả xã không ai có cái đài cassette, lại là của Nhật và mới cứng như thế này. Nghĩ đến đó, ông lại phổng mũi mà tự hào một mình. Sau khi mở radio để kiểm tra độ chân thực của sóng phát thanh, ông lại tra cái băng nhạc vàng vào để nghe thử loa. Tiếng nhạc nổi lên xập xình, cao vút. Thích quá, ông cứ ngồi ngẩn ra mà nghe, mà nhìn, rồi vì cảm động quá đến rơi cả nước mắt. 

- Sao lại mau nước mắt thế này?... Mình già rồi cho nên dễ xúc động hay sao ấy? Xưa nay mình có như thế bao giờ đâu!...- Ông già vừa sụt sịt lau nước mắt vừa lẩm nhẩm như để tự bào chữa cho mình. 

Sau đó ông lấy khăn lau đi lau lại cho đến lúc cái đài trở nên bóng lộn, rồi đặt nó ngay ngắn lên trên nóc tủ chè. Xong xuôi đâu vào đấy, ông bảo vợ chuẩn bị chè nước, một ít kẹo lạc ngon bày biện lên đĩa. Việc cuối cùng là mời khách. Ông sai đứa cháu nội chừng mười tuổi đi đến từng nhà những người bạn tâm giao trong xóm để mời họ đến nghe đài. Thằng bé được ông diện cho bộ đồ đẹp vào, phấn khởi chạy tung tăng khắp xóm. Mỗi khi đến nhà nào, nó đều đứng khoanh tay trước cửa, rồi cất tiếng lễ phép:

- Ông ơi! Ông cháu mới mua được một chiếc đài cassetste. Vì vậy mà ông cháu mời ông chiều nay đến nhà để uống nước và nghe nhạc vàng ạ!