Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Tiếng chuông ngân

   

   Tiếng chuông nhà thờ dóng dả ngân lên từng hồi "bing boong, bing boong". Từ trên cái gác chuông cổ kính, âm thanh ấy kéo dài, từng giọt, từng giọt nhỏ xuống xóm làng, dặt dìu và trong trẻo như một khúc thánh ca. Nó vút qua những nóc nhà trầm mặc, len lỏi trong các con ngõ quanh co, rồi lại nhẹ nhàng lan tỏa dọc theo hàng cây gạo cổ thụ ven sông. Cái âm thanh ấy như vang lên trong tâm tưởng con người, mang theo hơi thở của sự sống, của tình yêu thương và hy vọng.

Tiếng chuông đã đánh thức Hường khỏi giấc ngủ say nồng. Cô trở mình, quờ tay lấy cái khăn len quấn lên đầu rồi lục tục thức dậy. Vừa rời khỏi cái giường nệm ấm êm, cô đã vội đi súc miệng, rửa mặt rồi quay ra chuẩn bị hàng để chút nữa đây còn gánh đi chợ bán. Những thứ nhỏ gọn và đắt giá được cô đặt cẩn thận xuống dưới, còn những thứ cồng kềnh hơn sẽ được sắp lên trên. Từ gương, lược, mỹ phẩm để cho các cô thiếu nữ trang điểm đi chơi xuân, cho đến những hộp đựng bánh kẹo bằng nhựa xinh xắn, những bộ quần áo sặc sỡ của trẻ con. Rồi thì nào là xà phòng, đèn pin, vải vóc đủ màu sắc. Hường sắp một gánh đầy, nặng gần gấp đôi so với những ngày thường. Hôm nay là phiên chợ tết, cho nên cần phải đi sớm để tránh chen chúc. Đối với những người bán hàng, cả năm chỉ được có mấy ngày tết, vì vậy mà cần phải tranh thủ. Tết nhất bận rộn, người ta mua nhanh chứ chẳng mấy khi mặc cả, hàng bán chạy lắm. Năm đầu tiên về nhà chồng, ngày nào Hường cũng thức khuya dậy sớm như vậy, tần tảo bán buôn để còn vun vén cho tương lai.

Thái cũng đã thức dậy. Thấy vợ đang lọ mọ dưới ánh sáng yếu ớt lọt ra từ ngọn đèn dưới gian bếp, anh đi ra nhà ngoài và bật thêm bóng đèn cho sáng.

Trong lúc phụ vợ sắp hàng vào gánh, Thái ái ngại:

- Mình ăn sáng đã rồi hẵng đi!

- Ra ngoài ấy rồi em ăn sau cũng được. Phải đi sớm cho kịp buổi chợ anh ạ! - Hường âu yếm nhìn vào mắt chồng, đáp. Cô hiểu được tình yêu thương và sự quan tâm hết mực mà anh vẫn dành cho mình.

 Sắp hàng xong, Hường đi lấy cái áo khoác nỉ mặc thêm vào. Thái cũng đứng lên, đi ra chỗ cái cửa ngách tranh tối tranh sáng ở đầu hồi. Anh kéo cái then chốt cửa ra rồi ngoái lại nói với vợ:

- Hôm nay đông người. Hay là để tôi đi cùng để trông nom và phụ mình bán hàng nhé!

- Không cần đâu. Anh cứ ở nhà dọn dẹp và chuẩn bị mọi thứ. Trưa em mang thịt và nếp về để chiều còn gói bánh. Hôm nay là hai tám tết rồi, gói bánh đi là vừa. Không nên để sát ngày quá, công việc dồn, lại bấn lên. À!...Trưa em về muộn, anh tự nấu ăn nhé!…

- Tôi biết rồi. Mình cứ yên tâm đi đi!...

Hường cúi thấp người, nhẹ nhàng luồn gánh hàng qua cái cửa ngách rồi đi ra ngoài sân.

Trời rét căm căm, sương muối hãy còn đọng trên những cành cây trong khu vườn và nhễu xuống thành giọt như những viên kim cương lấp lánh. Các ngôi nhà trong thôn cửa vẫn còn đóng im ỉm. Con đường phía trước nhà thờ vắng lặng và chưa có bóng người lại qua. Toàn bộ cảnh vật như được bao phủ bởi một màu bàng bạc của mây trời và hơi sương. Xóm làng lúc này vẫn còn chìm trong giấc ngủ êm đềm.

Thái giúp vợ sửa lại gánh hàng trên vai. Hường xoay lưng, nhún mình vài cái, cho đến khi thấy đòn gánh đã cân, đã đằm, cô sửa lại cái nón lá trên đầu, rồi kĩa kịt gánh đi. Một tay cô nắm lấy đầu đón gánh, tay kia vung vẫy theo nhịp bước. Anh chồng nhìn theo tấm lưng thon chuyển động của người vợ hiền, cho đến khi cái dáng đi tần tảo ấy khuất dần phía sau cái cổng giáo xứ cao lừng lững. Hình cây thánh giá trên cao xiên toạc lên nền trời xanh, hừng đông đã bắt đầu lóe sáng.

Hường vốn là một cô hàng xén buôn bán ở chợ quê. Ngày trước, Hường xinh đẹp và hiền thục nức tiếng trong vùng, là niềm mơ ước của biết bao chàng trai chưa vợ. Cũng chính trong những buổi chợ phiên ấy, mối nhân duyên giữa cô và Thái – người chồng đầu ấp tay gối của cô bây giờ - bắt đầu nảy nở.

Khi ấy Thái đã hỏi mua một cái bấm móng tay. Và khi Hường ngẩng lên, khuôn mặt xinh đẹp và đôi mắt đen sâu thẳm ấy đã ngay lập tức hút lấy hồn anh. Nghe những lời đối đáp tinh tế và đầy duyên dáng của cô, anh càng thấy yêu mến và dễ ưa hơn nữa. Kể từ giây phút ấy, anh đã phải lòng cô, đã say men tình như uống phải lọ thuốc thần của Tristan và Isolde(*) vậy. Về nhà, hình bóng người con gái cứ đeo bám lấy chàng trai, khiến cho chàng trằn trọc mất ăn mất ngủ. Để thỏa nổi nhớ nhung, từ ấy anh hay tìm cớ đến mua hàng của cô, rồi dần dà buông lời ngỏ ý. Thái cũng là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh và sáng láng. Vì tiếng gọi tình yêu, Hường đã từ chối biết bao chàng trai si tình theo đuổi mình để yêu anh. Thế rồi chàng là một thanh niên công giáo, nàng là một cô gái bên lương đã phải lòng nhau, đã yêu nhau tha thiết và quyết về chung một nhà.

Nhưng rồi mối tình thanh xuân kia đã bị bố Hường là ông Hùng ngăn cản. Tình cảnh ấy giống như một bông hoa xinh đẹp, vừa mới chớm nở đã bị người ta phũ phàng ngắt ngang, chỉ còn trơ lại cuống lá trơ trọi, xù xì. Là một người bảo thủ và còn mang nặng đầu óc phong kiến, ông Hùng đã rất có thành kiến với những người có đạo như Thái. Cái thành kiến ấy, như một hàng rào thép gai tua tủa, nó đâm toạc, xé rách và ngăn cản hạnh phúc lứa đôi của họ. Nó biến những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của đôi uyên ương trở thành một mối tình đầy ngang trái và tội lỗi.

Khi biết tin Hường yêu Thái, ông Hùng đã tức giận đến nổi tóc tai dựng ngược. Bữa ấy, khi Hường vừa đi chợ về, ông đã đứng trên thềm chỉ tay vào con gái và quát mắng ầm ĩ cả lên:

- Tao cấm mày yêu cái thằng theo đạo mất gốc ấy nhé! Nó chỉ biết cầu nguyện, chỉ thờ phụng chúa chứ không thờ ông bà tổ tiên như chúng ta đâu. Mày lấy nó, là coi như tao cũng mất một đứa con nghe chửa!...

Hường vật mình khóc lóc, cô đã van xin và cố gắng thuyết phục bố. Cô đã thề trước mặt bố rằng, kiếp này chỉ lấy mình anh, nếu không mình sẽ ở vậy suốt đời. Nhưng mặc kệ cho hậu quả ra sao thì ra, mọi nỗ lực của cô đều bất thành và không thể nào lay chuyển được ý chí sắt đá của ông cụ. Bất lực, Hường chỉ còn biết lặng lẽ khóc thầm và ngày đêm than trách cho duyên phận bẽ bàng của mình.

Nhưng có lẽ vị thần tình yêu đã ban cho con người ta một sức mạnh vô biên để có thể vượt qua mọi thử thách ở trên cõi đời này. Những ngày sau đó, họ vẫn lét lút gặp nhau, để cùng nhau bàn định kế hoạch hôn sự. Hường đau khổ thổ lộ với anh nổi niềm của mình như thế, và lo sợ rằng nếu như bố không đồng ý thì họ sẽ không thể đến được với nhau. Anh đã cầm lấy tay cô, mà rằng:

- Em không cần phải lo lắng gì cả! Chỉ cần hai đứa mình tình nguyện đến với nhau, linh mục sẽ làm lễ thành hôn cho chúng ta ở nhà thờ. Chúa ở trên cao sẽ chứng giám tất cả. Và sự kết hợp đó là suốt đời, mãi mãi không bao giờ phân ly!...

Lời nói của người yêu đã thắp lên trong lòng Hường một niềm hy vọng chứa chan, khiến cho tâm hồn nàng như nở hoa trở lại. Cánh cửa hạnh phúc mà nàng tưởng rằng đã bị người ta đóng sập một cách phũ phàng, giờ đây lại được mở toang ra bởi ân điển bao la của chúa. Từ đó, nàng cảm thấy tất cả tấm thân mình, cho dù là từng hơi thở nhỏ nhất đều thuộc về đức chúa trời – đấng sáng tạo muôn loài, đấng đã cứu vớt tình yêu của đời nàng.

Điều đó khiến nàng có đủ dũng khí và động lực để đối diện với bố. Nhưng nàng cũng hiểu rằng, mình không chỉ phải đối mặt với bố, mà còn phải đối mặt với những quan niệm cổ hủ đã ăn sâu bén rễ lâu năm trong con người ông. Đó thực sự là một thành trì kiên cố, mà với một người con gái yếu đuối và mong manh như nàng thì sẽ khó lòng vượt qua. Nàng biết bố thương mình, và suy nghĩ đó đã mang lại cho nàng một tia hy vọng, cho dù là rất mong manh.

 Nhưng ngay khi Hường vừa mới ngỏ lời muốn lấy Thái, bố cô đã lập tức nổi trận lôi đình, giống như một ngọn lửa bất ngờ bùng lên dữ dội khi có ai đó hắt vào nó một can xăng. Ông vỗ mạnh tay vào cái tay vịn trường kỷ, rồi đứng phắt lên, mắt trợn tròn tóe lửa:

- Nếu mày đã nhất quyết lấy nó thì hãy đi ngay bây giờ, đừng bao giờ bước chân về cái nhà này nữa! Tao không chấp nhận cái loại tình yêu đầu đường xó chợ như thế nghe chửa!…Hãy bước ngay! Tao không có một đứa con gái nghịch lại lời mẹ cha như mày!

 Hường sụp xuống trước cái thân hình cao lớn của bố mà lúc này nàng tưởng là một bức tượng thần bằng đá chẳng thể nào lay chuyển. Nước mắt ràn rụa, nàng kêu lên nức nở:

- Cha ơi! Cha không chấp nhận cho chúng con đến với nhau, nhưng con thì không thể nào từ bỏ hạnh phúc của đời con được cha ạ. Xin cha hãy tha tội cho đứa con gái bất hiếu này!...Lạy cha con đi!...

Dứt lời, Hường vái sống bố ba lạy, rồi đứng lên, vùng chạy ra khỏi nhà như đang trong một cơn mộng du. Người ta nhìn theo cô tò mò, có người còn chào hỏi, nhưng cô thì nào có nghe thấy gì, có nhìn thấy gì. Cô nấc lên vì thổn thức và khổ đau, mắt nhòe đi vì nước mắt, và cứ thế cô bước đi trong vô thức…

Vài tuần sau, đám cưới của Hường và Thái được tổ chức long trọng ở nhà thờ giáo xứ. Buổi lễ có sự chủ trì của linh mục và sự chứng kiến của tất cả bà con xóm đạo, nhưng không có sự hiện diện của đằng ngoại.

Ông Hùng giận giữ, coi đó là lời tuyên chiến và là một sự thách thức ghê gớm của con gái đối với mình. Ông tuyên bố từ mặt con và cấm tất cả mọi người trong nhà không ai được đi lại với Hường. Ông dậm chân thề rằng: "Tôi coi nó như đã chết. Từ nay tôi sẽ không có một đứa con như thế nữa!".

 Ra đến chợ, Hường bày xong hàng hóa ra sạp thì trời cũng vừa sáng bạch. Từ khi còn tờ mờ, người ta đã chở đến đây nào là rau củ, thịt thà, gà vịt, hoa quả, bánh trái…; Chẳng thể nào đếm hết được cơ man nào là những hàng hóa và vật phẩm đầy sắc màu của ngày tết. Không khí buổi chợ bắt đầu râm ran, mỗi lúc một nóng dần lên.

Hường phải bán hàng luôn tay, miệng liến thoắng trả lời khách. Trong lúc đang lựa một bộ quần áo trẻ con cho khách thì cô lờ mờ nhìn thấy một dáng người quen thuộc giống như anh trai mình vừa mới thoáng qua. Phải rồi, đúng là anh cả! Nàng như muốn reo lên vì sung sướng. Chẳng hiểu là anh nàng vô tình hay cố ý đi qua? Hường mừng rỡ, gọi giật giọng:

- Anh cả!... Anh cả ơi!...

Anh cả đã đi quá một đoạn, nghe thấy tiếng gọi thì ngoái đầu nhìn lại. Dù đã nhận ra Hường, nhưng vì người quá đông, anh phải chen lấn mất một lúc mới đến được chỗ em gái mình đang ngồi bán hàng. Anh đứng nép vào mái hiên để né tránh dòng người đang không ngừng chen lấn, một tay đưa lên đầu để che những giọt mưa phùn đang gióng dả rơi.

- Bố có khỏe không anh? Nhà chuẩn bị tết được đến đâu rồi? – Hường nhìn như xoáy vào anh, sốt sắng hỏi, giọng lạc đi vì xúc động.

- Bố khỏe! Còn tết thì vẫn như mọi năm thôi. Nấu bánh chưng bánh tét, mua sắm cành đào. Muối thêm vại dưa hành…Như vậy là thành tết rồi! - Anh cả ôn tồn đáp.

Hường lại hỏi, cứ như sợ anh trai đột nhiên biến mất khỏi mắt mình không bằng:

- Thế hôm nay anh đi chợ mua gì?

- Anh mua vài tờ tranh treo trong nhà, với lại ít pháo để đốt cho có không khí tết! Em biết rồi đấy. Từ dạo em đi lấy chồng, nhà mình lúc nào cũng kém vui!…

Hường hấp háy mắt, cúi nhìn xuống chân, như để tự nhận phần lỗi về mình. Ngày tết vội, khách hàng lại đang dục, hai người họ không thể nói chuyện nhiều. Hường vội lấy ra mấy tờ tiền, lấm lét nhìn quanh, rồi dấm dúi đưa cho anh:

- Em không có nhiều, và cũng chưa kịp mua thứ gì. Chỉ có ngần này tiền, anh cầm lấy sắm tết và mua thêm chút gì thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và mẹ dùm em!

Anh cả ngần ngừ:

- Ấy! Sao em lại làm thế. Em mới lấy chồng, còn có nhiều thứ phải lo. Vả lại, anh chị cũng đã sắm sanh tạm đủ rồi mà…

Nhưng Hường cứ dúi mãi vào tay, bắt anh phải nhận:

- Anh nhận lấy đi…để cho em đỡ tủi thân!...

Nhìn thấy mắt em gái đỏ hoe, anh cả đành phải miễn cưỡng cầm lấy, rồi vội vả quay mặt bước đi. Hường nhìn theo anh mình cho đến khi cái bóng dáng quen thuộc ấy khuất hẳn vào trong biển người chen chúc. Ánh mắt nàng đăm đăm, cố níu lấy sợi dây liên kết tình thân trong tiếc nuối và bất lực. Thiên hạ hối hả đi sắm tết, chơi xuân, thử hỏi có ai đang lâm vào tình cảnh éo le như nàng không?

Từ ấy, thông qua bác cả, thi thoảng Hường lại mua thức ăn, quà bánh, thuốc thang để gửi cho bố. Hường dặn anh dấu không cho bố biết, và dĩ nhiên, anh cả cũng nào đâu dám nói. Ông cụ nghiêm lắm, từ nhỏ, hai anh em họ đã quen sống trong một môi trường giáo dục gia đình như vậy rồi.

Hường nhớ nhà lắm, nhưng cô không dám về thăm. Cũng may mà cô được bên nhà chồng yêu thương và động viên nhiều. Dù có tủi thân, nhưng Hường cũng chỉ biết lặng lẽ khóc thầm, và trong thâm tâm, cô tin tưởng rằng, tất cả những gì xẩy ra trên cõi đời đều là do thiên chúa đã an bài, sắp đặt.

Lâu lâu, Hường lại kiếm cớ, làm bộ như vô tình đi qua nhà, rồi dừng lại trước cổng ngẩn ngơ nhìn vào bên trong. Nàng đứng vịn tay vào cánh cổng, đưa ánh mắt đượm buồn và đầy nhung nhớ, ngắm nhìn cái nơi mà mình từng sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn. Kia là cây ổi cơm ở giữa vườn, hồi nhỏ cô thường leo lên đó để hái những quả thơm, chín mọng. Một lần, trong lúc đang đứng trên cái cành thấp để hái một quả ổi vàng ươm thì chẳng may Hường bị trượt chân ngã xuống đất. Vì đau, Hường đã khóc ré lên kinh hãi, khiến cho anh cả phải dỗ dành mãi thì mới chịu nín. Nơi góc vườn có một cây bưởi lớn, giống bưởi Phúc Trạch rất sai quả. Vào những trưa hè, Hường và mấy đứa trẻ trong xóm thường trốn ngủ, rủ nhau ngồi dưới bóng râm của cây bưởi để chơi trò chuyền thẻ. Rồi thì cái chuồng chim bồ câu hai tầng đặt trước thềm, trên đó có những ô cửa tròn tròn màu xanh. Lũ chim bồ câu suốt ngày bay ra bay vào những cái ô ấy cửa và gọi nhau "gù gù"…; cứ mãi mê ngắm nhìn như thế, cho đến khi thấy nổi nhớ đã phần nào nguôi ngoai hoặc có ai đó nhìn thấy, Hường lại che vội vành nón, rồi lặng lẽ quay trở về nhà chồng. Cứ như thể là mình đang làm một việc gì đó sai trái và tội lỗi không bằng.

Ở nhà mình, Hường lập một cái ban thờ nhỏ bên cạnh bàn thờ chúa trên cao để thờ mẹ. Nhờ thế mà bất cứ những lúc vui buồn, nàng đều có thể tâm tình với mẹ như thủa bà còn sống. Ngày rằm hoặc mồng một, nàng bày lên bàn thờ nào là bánh kẹo, trái cây, rồi thắp hưởng tưởng nhớ vong hồn mẹ. Những cử chỉ tâm linh đó khiến tâm hồn nàng cảm thấy được an ủi và thanh thản đi phần nào. "Mẹ ơi ! Nếu còn sống, chắc hẳn là mẹ cũng thông cảm và tha thứ cho con. Vì mẹ con mình đều là đàn bà mà! Có phải vậy không mẹ?" - Hường lầm rầm khấn trước bàn thờ mẹ, nước mắt rưng rưng.

Công bằng mà nói, ông Hùng cũng là một người cha yêu thương con cái hết mực. Dù gì thì ông cũng là một con người kia mà, nào có phải là sắt đá vô tri gì đâu. Trong những phút xao lòng và đối diện với lương tâm, đức tính lớn lao và bao dung của người cha trỗi dậy, ông cũng thấy thương cho đứa con gái bé bỏng của mình lắm. Ông cho rằng mình đã đối xử bất công và tệ bạc với con. Sự hối hận khiến cho những nếp nhăn trên trán càng hằn sâu thêm, nom ông như già hẳn đi cả chục tuổi. Những lúc như thế, ông lại nghĩ đến người vợ hiền đã khuất của mình. Nếu như bà ấy còn sống, ắt hẳn sẽ có cách ứng xử mềm mỏng và thuận tình thuận lý hơn, chứ không đến nổi cứng nhắc như mình để đến nổi con phải khổ. Đứa con gái kháu khỉnh mà hồi nhỏ ông yêu chiều hết mực, đi đâu cũng cho đi theo. "Tội nghiệp con bé. Mẹ mất sớm. Phải một mình tự xoay xở, lại chịu thương chịu khó, ngoan hiền…Hay là mình đã sai?" - Ông đau khổ mà tự vấn lòng mình như vậy.

Dù đã lâu không gặp mặt con gái, nhưng ông có linh cảm như nó vẫn quanh quẩn đâu đây, như thể có một bàn tay vô hình nào đó vẫn hằng ngày chăm sóc, hiếu để cho mình. Chẳng thể dấu mãi những nổi hoài nghi trong lòng, một hôm, ông nói với bác cả, và cũng là để thử dò la thực hư xem sao:

- Kinh tế vợ chồng mày cũng không khá lắm. Cũng chỉ đủ chi tiêu và nuôi con cái ăn học. Vậy lâu nay, con lấy đâu ra tiền mà mua quà bánh cho bố nhiều thế? – Ông dừng lại vài dây, khục khặc đấm vào hai bên đầu gối. Lâu nay căn bệnh xương khớp thường làm tình làm tội ông. Rồi ông thở dài, nói tiếp - Bố già rồi. Không cần gì nhiều đâu. Các con ăn uống thế nào, cứ cho bố ăn thế ấy. Bố giờ cũng như một nắm xương tàn chỉ còn gửi nhờ ở nơi cõi tạm này. Rồi đến lúc bố cũng phải từ biệt tất cả để mà đoàn tụ với mẹ mày ở thế giới bên kia thôi. Từ nay, con hãy để tiền mà dành dụm cho các cháu ăn học. Đừng hoang phí tiền vì bố nữa nghe chưa!...

Bác cả hơi giật mình, cứ nghĩa là bố đã biết chuyện. Tuy vậy, anh vẫn không dám nói thật:

- Chỉ cần bố được vui, khỏe là chúng con hạnh phúc. Còn thì tốn kém bao nhiêu cũng không đáng gì đâu ạ. Vợ chồng con cũng có đồng ra đồng vào. Bố cứ yên tâm mà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đừng có lo nghĩ gì về chuyện ấy nữa!...

Ông Hùng nghe vậy thì vuốt râu im lặng mà không nói gì nữa, tuy vậy nhưng trong lòng ông vẫn còn cảm thấy phân vân, áy náy lắm.

Đã sáu năm trôi qua, kể từ ngày Hường đi lấy chồng. Vợ chồng họ lúc này đã có với nhau một đứa con gái năm tuổi, kháu khỉnh và dễ thương. Nhìn bề ngoài, gia đình họ cũng giống như bao gia đình khác, chẳng có vẻ gì là thua thiệt hay khác thường cả. Nhưng nổi lòng của Hường thì ít người biết lắm. Bao nhiêu năm qua là bấy nhiêu năm Hường phải sống trong tâm thế của một đứa con vô thừa nhận. Nhiều đêm nằm cạnh chồng, nhưng cô phải lén quay mặt đi chỗ khác mà rấm rứt khóc, nước mắt ướt đầm cả vạt gối thêu. Một thân một mình thui thủi bên nhà chồng, không thân thích qua lại thăm nom, Hường cảm thấy như đã bị ai đó bứng đi mất cái gốc gác của mình. Cô luôn phải sống trong tư thế dè chừng, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cho mình một câu trả lời, để phòng khi người ta có hỏi. Nói gì thì nói, dù cô được chồng yêu thương, dù đã có một đám cưới long trọng ở nhà thờ, nhưng nếu không được bố mẹ đẻ thừa nhận thì cũng chẳng khác nào một đứa con gái bỏ nhà đi theo trai. Hường buồn khổ lắm. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, cô vẫn hy vọng một ngày nào đó bố sẽ nghĩ lại, sẽ tha thứ cho mình. Vì vậy mà người đàn bà tội nghiệp ấy vẫn tin tưởng, vẫn ngày đêm chờ đợi một cơ hội.

Và rồi cái cơ hội để hàn gắn những rạn nứt gia đình ấy cũng đã đến. Trước sinh nhật lần thứ bảy mươi của bố, Hường gặp bác cả ở chợ. Cô cho rằng, sẽ chẳng có dịp nào tốt hơn để cầu xin lòng thương xót của bố vào lúc này. Vì thế mà sau vài câu hỏi han chuyện nhà, Hường đã đi ngay vào vấn đề:

- Bố mẹ chỉ sinh ra được mỗi hai anh em mình. Từ nhỏ chúng ta đã yêu thương đùm bọc nhau. Mẹ thì đã không may mất sớm rồi. Bây giờ chỉ còn lại bố trên đời. Sắp tới đây là sinh nhật bảy mươi tuổi của bố rồi. Cổ nhân có nói "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Đây là một dịp hệ trọng. Theo ý em thì chúng ta nên tổ chức mừng thọ cho bố để cho ông cụ vui – Hường im lặng vài giây, rồi thở dài – Nhưng ngặt nổi!…

Bác cả im lặng, tuy không nói ra, nhưng nhìn vào ánh mắt buồn rười rượi của em, anh cũng hiểu được cái tình cảnh khó xử của cô lúc này.

Bất giác, Hường nắm lấy cánh tay anh, nằn nì:

- Anh thử lựa lời nói với bố xem. Em muốn nhân dịp này về nhà để chúc thọ bố. Thà xa xôi gì cho cam, đằng này con gái ở gần mà mừng thọ bố cũng không có mặt thì thật là bất hiếu. Mình là một lẽ, còn thiên hạ thì sao? Người ta lại dị nghị cho thì khốn!...

Bác cả thở dài:

- Em cũng biết tính bố rồi đó. Cứ nóng lên là tan nát hết cửa nhà. Anh chỉ sợ!…

- Anh cứ nói đi. Không sao đâu ! Anh là con trai cả mà. Bố sẽ nghe anh!...- Hường nhanh nhảu động viên anh.

Vốn chiều em gái từ nhỏ, bác cả suy nghĩ thêm một lúc, rồi nói:

– Thôi được! Để anh thử xem, may ra!…

Bữa ấy, nhân lúc vợ con đi vắng, chỉ còn mình với bố ở nhà, bác cả mới quyết định chuyển lời của Hường tới ông cụ. Sau khi đã phải uốn lưỡi tới bảy lần, cuối cùng rồi anh cũng nói ra được cái ý định khó khăn ấy. Dứt lời, bác cả ngồi cúi đầu một cách nhẫn nhục, hòng chờ đợi một cơn thịnh nộ khủng khiếp từ bố. Nhưng trái với dự đoán của anh, ông cụ chỉ ngồi im lặng, nét mặt ông đầy vẻ đăm chiêu, suy nghĩ. Lát sau, ông thở hắt ra và nói một cách nặng nhọc:

- Con nói cũng phải! Bố cũng đã suy nghĩ lại rồi. Trước đây bố đã nhất thời nóng giận, đã làm cho em con phải buồn khổ và tủi thân. Bây giờ nhìn lại, bố thấy hối hận, thấy mình cũng có lỗi phần nào!…

 - Dạ!

Một phút im lặng trôi qua trong nặng nề. Ông Hùng với tay lấy cái điếu thuốc lào, tra thuốc vào nỏ rồi hỏi:

 - Có phải lâu nay quà bánh, thuốc thang chữa bệnh cho bố là do em con mua không?

Bác cả không dám dấu nữa, bác đáp mà mồ hôi cứ rịn ra từng giọt trên trán:

- Dạ! Đúng vậy đấy ạ. Con đã dấu bố. Con đã sai, con có lỗi!...

Ông Hùng nói chậm rãi, dằn từng tiếng một:

- Bố cũng đã ngờ ngợ…Bố biết nó là một đứa con ngoan…có hiếu – Rồi ông nhìn bác cả, đặt bàn tay mình lên tay con, nói với một giọng dứt khoát – Không! Con không sai gì cả. Người sai chính là bố!

Bác cả khấp khởi nhìn bố, lòng đầy hy vọng:

- Dạ! Nếu vậy thì?…

Ông Hùng khoát tay, làm một cử chỉ hào phóng:

- Con cứ nói với em là bố đã tha thứ cho nó. Hôm nào mừng thọ bố thì cứ về!...

- Vâng! - Bác cả xúc động đáp, rồi nhẹ nhàng lui ra.

Được bác cả báo lại như thế, Hường vui mừng không sao kể xiết, nước mắt cứ tự dưng trào ra. Cô đếm ngón tay từng ngày để đợi đến hôm mừng thọ bố. Cứ thấp tha thấp thỏm như hồi còn bé đợi mẹ đi chợ về vậy. «Hôm nay là mùng sáu. Chỉ còn ba hôm nữa thôi! – Nàng bồi hồi mà tự nói với mình như thế.

Hường bồi hồi bước vào cái cổng gạch quen thuộc ngày nào, hai bên tay xách hai túi đồ lỉnh kỉnh. Cái cổng sâu hun hút, có hai hàng mạn hảo lúc nào cũng được bố cô cắt tỉa vuông vắn. Nhà mình thật đây rồi, vậy mà nàng vẫn cứ ngỡ là trong mơ. Thái dắt đứa con gái nhỏ đi bên cạnh vợ, ngỡ ngàng như người đi xa lâu ngày về thăm quê. Họ gặp bố ở trước sân. Ông Hùng đang đứng chắp tay ra sau lưng, chăm chú ngắm nhìn mấy bụi Lan đương trổ hoa tim tím.

- Chúng con chào bố! Bố vẫn khỏe chứ ạ? – Hai vợ chồng Hường cất tiếng, gần như đồng thanh.

Ông Hùng nhìn lướt qua một lượt bầu đoàn thê tử của con gái, rồi thủng thẳng:

- Cảm ơn anh chị! Nhờ ông bà tổ tiên phù hộ, tôi vẫn được khỏe. Mời anh chị vào trong nhà!...

Nói rồi ông cất bước đi trước, vừa đi vừa xốc lại chiếc áp pijama kẻ sọc đang mặc trên người cho ngay ngắn. Vào đến nhà, ông đi đến chỗ cái ghế xếp quen thuộc của mình đặt ở góc phòng, chống tay chậm rãi ngồi xuống.

Hường tiến lại phía bàn thờ, đặt lên đó nào là lễ vật, hoa quả:

- Bố cho phép chúng con thắp cho mẹ nén hương!

- Anh chị cứ tự nhiên ! – Giọng ông Hùng từ góc nhà vang lên.

Hai vợ chồng Hường đứng chắp tay đứng trước bàn thờ, nét mặt họ đầy vẻ trang nghiêm, xúc động. Đứa bé sợ sệt, cứ nắm chặt lấy vạt áo bố không dám rời.

Trong lúc vợ chồng con gái đang khấn vái, ông Hùng ngoái đầu, gọi với vào nhà trong:

- Thằng cả đâu?

- Dạ! Bố cho gọi gì con ạ?...

- Mang ấm nước chè bố ủ trong cái tích ra đây!...Nhà có khách!...

Anh cả đi ra, mang theo cái ấm chè bằng sứ cổ trên tay. Trong lúc đi đến chỗ bàn khách, anh đã để ý thăm dò thái độ bố xem sao. Thấy ông cụ có vẻ xuôi xuôi, lại nhìn thấy vợ chồng em gái đang đứng thắp hương trước bàn thờ mẹ, anh đã phần nào yên tâm. "Ơn trời! Vậy là đã ổn rồi!" - Anh vui mừng tự nhủ.

Vợ chồng Hường vái mẹ xong thì quay ra chào anh cả. Mọi người gặp gỡ, hỏi han nhau, mừng mừng tủi tủi.

- Cháu của ông đã lớn thế này rồi cơ à?... – Ông Hùng phá tan cái bầu không ủy mị ấy bằng một câu hỏi bỏ lửng.

- Dạ! Cháu năm nay năm tuổi, chuẩn bị vào học lớp một rồi đấy ạ! – Hường xoa đầu con, đáp.

- Mới đó mà đã sáu năm rồi ư? – Ông cụ nói mà như đang tự vấn chính mình, ánh mắt nhìn xa xăm.

Hường ẩy nhẹ vào người con:

- Chào ông ngoại đi con! Ông ngoại của con đấy!

Đứa bé vòng tay trước ngực, thỏ thẻ :

- Cháu chào ông ngoại!

Ông Hùng vẫy tay, ân cần :

- Ừ! Cháu của ông giỏi! Hãy lại đây với ông nào!...

Đứa bé xúng xính trong bộ váy hoa mới, nó nhìn mẹ rồi ngần ngừ đi đến chỗ ông đang ngồi. Lần đầu được nhìn thấy ông ngoại, nó có vẻ sợ sệt, đôi mắt mở to đầy vẻ tò mò, ngạc nhiên. Đôi mắt đen láy, sâu thẳm, giống hệt như của mẹ nó hồi nhỏ.

Vừa khi đứa cháu chạm tay vào người mình, ông Hùng đã lập tức ôm chầm lấy nó. Rồi cứ thế ông hôn như mưa lên má, lên trán, lên tóc cháu, khiến cho nó như muốn ngộp thở.

Không kìm được xúc động, Hường òa lên khóc nức nở.

Thái bất giác đưa tay lên làm dấu thánh. Bác cả quay mặt đi, cầm cái giẻ vờ lau bàn để dấu đi niềm xúc động đang trào dâng trong lòng mình, cho dù cái bàn đã sạch như lau như li từ lúc nào.

Vừa khi ấy, bổng dưng tiếng chuông nhà thờ dóng dả vang lên. Vui sướng và đầy bất ngờ, Hường ngỡ ngàng lắng tai nghe: Tiếng chuông của sum vầy, của lòng nhân ái và cũng đầy sự trọn vẹn, bao dung.

___________________________________________________________

(*) : Truyện cổ Celtic : Chàng Tristan và nàng Isolde uống nhầm phải lọ thuốc thần tình yêu. Từ ấy hai người yêu nhau say đắm.