Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ông Trẻ


Vốn là con trai đầu của tộc trưởng họ Nguyễn, từ nhỏ Tế đã được mọi người hết mực nâng niu, chiều chuộng. Lớn lên trong môi trường chăm bẵm như thế, cậu bé Tế hiểu rằng mình là người quan trọng, là một “Tiểu Hoàng Đế” chứ chẳng chơi. Khi đã đủ lớn để hiểu những khái niệm về vai vế, thứ bậc thì cậu lại càng nhận rõ cái vị trí bất khả xâm phạm của mình. Trong cái họ Nguyễn này, rõ ràng là cậu không phải ở dưới bất cứ một ai cả, trừ bố cậu - người đang giữ chức trưởng tộc. Người ta gọi Tế là bác, là anh, còn cậu thì chỉ việc đón nhận nó như một lẽ hiển nhiên không thể khác. Rồi để có một cái danh xưng cho thống nhất, cả họ nhất trí gọi cậu là “Ông Trẻ”. Người ngoài cũng nhân đó mà gọi theo, vì thế mà cái tên đó cũng nhanh chóng được phổ biến và lan truyền với một tốc độ chóng mặt. Tế thích cái tên này lắm, nghe hay hay và quan trọng ra phết. Cậu đón nhận sự xun xoe, tâng bốc đó một cách thích thú, và cảm thấy mình thật là oai phong lắm.

Mỗi lần Tế bước ra khỏi nhà, người ta lại cung kính:

- Chào ông trẻ ạ!

- Ông trẻ đi chơi?

- Kính ông trẻ!...

Những lúc đó cậu ưỡn ngực mà bước đi trong hãnh diện, để cảm nhận cái niềm hạnh phúc to lớn do quyền lực mang lại.

Thân phận đã nhất đẳng như vậy, thì trang phục và tác phong cũng phải làm sao cho tương xứng chứ. Bởi vậy mà mặc dù còn trẻ, Tế đã chọn cho mình cách ăn mặc thật già dặn, trông cứ như ông cụ non. Mới hai mươi sáu tuổi mà lúc nào cậu cũng mặc một chiếc áo bốn túi màu xám bạc, lúc đi thì hai tay đút lọt thỏm vào trong túi áo, nom nghiêm trang và bệ vệ. Mùa đông thì cậu độn thêm cái áo len vào bên trong, cổ quàng khăn kín mít như ông lão tám mươi. Đôi lúc đang nói chuyện, Tế lại giả vờ cúi xuống che miệng mà ho khành khạch, ra vẻ ta đây quan trọng lắm. Bây giờ chỉ còn số ít các cụ già thuộc thế hệ trước là có thói quen ăn trầu, nhưng người ta lại thấy miệng Ông Trẻ lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm. Mặc dù mặt cứ đỏ lừ lên vì say trầu, nhưng kệ, quan trọng là tác phong phải thật chững chạc, oai phong. Khi nói chuyện với người khác, kiểu gì Tế cũng nhắc đến chuyện họ hàng, vai vế, để nhân đó mà khẳng định cái địa vị chí tôn của mình.

Về đối ngoại, đáp lại lời chào hỏi của mọi người, bao giờ Tế cũng nở một nụ cười xã giao, tay thì giơ cao vẫy vẫy theo kiểu lãnh tụ. Khi nào thân mật hơn, hắn trả lời một câu như công thức định sẵn, coi như đã ghi nhận thịnh tình của đối phương: “Tôi đã”.

Bữa nọ Tế đang đi ngoài đường, cũng vì cái kiểu ăn mặc lụng thụng lạ đời như vậy mà bị chó người ta từ trong nhà xông ra cắn vào chân, ống quần rách te tua hết cả. Cậu hốt hoảng mà la lên oai oái, máu ra nhiều, khiến cho mặt tái mét đến tội nghiệp. Cái vẻ oai phong thường ngày của Ông Trẻ lúc này cũng biến đi đâu mất hết. Vì cái vụ chó cắn này mà Tế phải ở nhà dưỡng thương mấy tháng trời, trong sự chăm bẵm và lo lắng của cả họ hàng.

Xưa nay vẫn có câu: “Biển học vô bờ”, muốn trở thành người có tri thức thì phải khiêm tốn và không ngừng học hỏi. Người có tư tưởng bảo thủ và trịch thượng như Ông Trẻ nhà ta, quả thực là không thể tiến xa trên con đường học vấn vậy. Vì thế mà mới hết bậc phổ thông cơ sở - bấy giờ người ta vẫn gọi là lớp chín - thì ông trẻ nằng nặc đòi nghỉ học, vì cho rằng nhà trường chẳng còn gì đáng để cho mình học hỏi thêm nữa. Ban đầu bố mẹ cũng lo lắng, nhưng rồi họ bằng lòng mà cho Tế nghỉ học. Với vai trò là tộc trưởng tương lai, cậu cũng nên có thời gian để mà lo chuyện gia đình họ mạc. Vả lại, ở cái đất nước này thì những người học cao đâu có trở thành lãnh đạo được. Vậy là cũng hợp với truyền thống mà thôi, cho nên chẳng có ai băn khoăn gì về chuyện Tế nghỉ học nữa.

Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, dĩ nhiên chuyện hôn nhân của Ông Trẻ cũng được cả họ quan tâm. Người ta đã bàn đến việc này từ khi cậu mới ngoài hai mươi tuổi. Nhưng bây giờ thì đối tượng mới được xác định, đó một cô gái thua cậu dăm tuổi ở làng bên, hiền ngoan và chăm chỉ. Việc đó xảy ra năm Tế ở cái tuổi “tam thập nhi lập”.

Sự kiện Ông Trẻ cưới vợ thực là một ngày hội lớn của gia tộc họ Nguyễn. Trước đó mấy hôm, người ta đã tập trung để mà chuẩn bị mọi thứ rình rang. Tế chẳng phải đụng tay đụng chân vào việc gì cả, hết thảy đều đã có các “thần dân” lo lắng hết. Cậu chỉ có mỗi cái việc là đi đi lại lại, rồi ăn nói làm sao cho ra vẻ đĩnh đạc mà thôi.

Hôm rước dâu, ai cũng cúi đầu chúc tụng:

- Chúc mừng Ông Trẻ!

- Ông Trẻ hạnh phúc trăm năm!

- Chúc vợ chồng Ông Trẻ đầu bạc răng long!

 Lúc này Tế nom giống như một người vừa mới đắc cử tổng thống vậy, cái mặt cứ dương lên đầy tự đắc.

Đáp lại tấm thịnh tình của mọi người, Tế liên tục khoát tay:

- Tôi đã! Tôi đã!...

Từ dạo có vợ, nom Tế càng già tợn. Một phần cũng để chứng tỏ mình là người đàn ông đã có gia đình và trưởng thành. Bởi vậy mà mới ba mươi tuổi, trông Tế cứ như ngoài năm mươi. Đi đứng thì khệnh khạng, nói năng lại càng trịch thượng hơn xưa.

Bữa nay nhà Ông Trẻ có cuộc tiếp khách đặc biệt, ấy là ông em họ từ Châu Âu mới trở về. Thủ tục đầu tiên là phải đến chào hỏi trưởng tộc, vì đó là một nguyên tắc ngoại giao không thể nào bỏ qua. Bởi vậy mà người đó dẫn theo cả cô vợ mới cưới để nhân tiện ra mắt Ông Trẻ luôn. Anh này về vai vế thì dĩ nhiên là chi dưới, nhưng tuổi tác thì lại hơn Tế đến cả chục tuổi.

Gặp Tế, người em họ vui mừng mà bước đến giơ tay bắt:

- Hello!...

Cái gì đây? Lại có chuyện cá mè một lứa như ngoài chợ thế này ư? Nó có biết là đang nói chuyện với ông trưởng tộc tương lai không nhỉ? Vậy nên Tế giận đỏ mặt, không chịu bắt tay mà rằng:

- Xưa nay chưa thấy ai trong cái họ này chào tôi theo kiểu đó cả. Tôi không chấp nhận cái lối ăn nói cụt lũn như thế đâu nhé! Ấy là chưa kể về vai vế, anh ở chi dưới tôi. Đi tây mới mấy năm trở về, bây giờ anh chễm chệ như ông tướng ấy nhỉ? Trong họ người ta vẫn gọi tôi là Ông Trẻ cơ đấy...

Bị Tế lên lớp cho một thôi một hồi như vậy, người nọ bối rối, mặt đỏ lên vì ngượng. Nhưng để tỏ vẻ tôn kính bề trên, anh vẫn lễ phép hỏi lại:

- Ông trẻ khỏe chứ ạ! Gia đình vẫn bình an?...

Tế hài lòng, ưỡn ngực:

- Tôi đã!...

Rồi chủ và khách cùng yên vị trên bộ ghế salon đắt tiền mà ông trưởng tộc mới sắm. Ông Trẻ mồm vẫn nhai trầu bỏm bẻm, ngồi bắt chân chữ ngũ mà hỏi:

- Anh làm việc ở nước nào? Ý, Anh hay Pháp?...

Cô vợ sống ở nước ngoài đã lâu, thấy tác phong hắn kỳ quặc như vậy thì không nhịn được cười, phải lấy tay che miệng để khỏi bật ra thành tiếng.

Ông em họ lúc này đã hiểu tính hắn, liền trả lời khúm núm:

- Em sống ở Czech.

Tế làm ra vẻ thạo đời:

- À! Thì ra Nga Xô.

- Dạ! Không phải ạ! Nga Xô là tên từ thời còn Liên Xô kia...

Hắn lại nhướn cặp lông mày lên, thắc mắc:

- Vậy là Tiệp Khắc?

- Đó là tên gọi cũ, Bây giờ người ta đổi là Cộng Hoà Szech rồi ạ!

Tế vỗ đùi đánh đét một cái, rồi bảo:

- Tôi hiểu rồi, nước này có cái cầu thủ Nê-Vét gì gì nổi tiếng, mà người ta vẫn gọi là “thiên thần tóc vàng” đó phải không?...

- Dạ! Pavel Nedved ạ!...

Tế gật đầu, làm ra vẻ già cả:

- Phải rồi. Tôi bây giờ cũng già rồi. Cái chuyện thể thao thế giới cũng ít quan tâm hơn trước. Anh thấy đó, tôi suốt ngày quanh quẩn lo chuyện vợ con, họ tộc. Còn thời gian đâu mà quan tâm mọi thứ nữa…

Thấy ngồi nói chuyện đã lâu, lúc này cô vợ nhìn chồng như để ra hiệu. Anh chồng hiểu ý, liền mở túi xách lấy ra một bọc quà ra để tặng ông trẻ, gọi là chút lòng thành của người đi xa.

Nhìn thái độ đầy vẻ chân thành và khúm núm của người em họ, Tế vui vẻ:

- Tôi đón nhận tấm thịnh tình của cô chú!

Hai vợ chồng khép nép đứng dậy, định chào để ra về. Tế liền vẫy tay:

- Hượm đã!...

Khách đang băn khoăn chưa hiểu chuyện gì, thì đã thấy Ông Trẻ đứng lên mà xốc lại cái áo bốn túi cho ngay ngắn, rồi nói:

- Cô chú theo tôi đến trước bàn thờ. Tôi sẽ kính cáo lên tổ tiên tấm lòng thành của hai người. Cũng nhân tiện mà giới thiệu cô dâu mới về họ nhà ta chứ...

Có lẽ đây cũng là mong muốn của đôi vợ chồng trẻ, cho nên họ làm theo vui vẻ lắm.

Tế thắp nhang lên bàn thờ tổ với một vẻ thành kính, đoạn nghiêm trang mà chắp tay khấn:

- Kính lạy ông bà tổ tiên! Hôm nay ngày 26 tháng 2 tây, nhằm ngày bính thân, tháng đinh mão bên Tàu. Hai cháu là Nguyễn Văn Nhu và vợ mới cưới là Phạm Thiên Duyên về ra mắt tổ tiên. Kính mong tổ tiên chứng giám và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sắp tới lên đường đi Tiệp Khắc...

Đến đây Ông Trẻ biết mình nhầm, liền hé mắt qua hỏi:

- Cái nước gì ấy nhỉ?...

- Cộng hoà Czech! – Nhu thì thầm.

Cô vợ trẻ lại buồn cười quá mà không dám mở miệng, đành phải chắp tay mà đứng im như một pho tượng gỗ vậy.

Ra chiều đã nhập tâm, Ông Trẻ lại tiếp tục khấn:

- Kính mong tổ tiên chứng giám và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sắp tới lên đường đi Cộng hòa Czech được chân cứng đá mềm, sóng yên biển lặng. Gặp sông bắc cầu, gặp núi xẻ đường...